Đang lãnh đạo Công ty Khai thác chế biến nông - hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình và làm ăn phát đạt, ông Lương Ngọc Phi (ngụ phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Trốn thuế và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Lương Ngọc Phi. |
Hình sự hóa quan hệ dân sự
“Lúc đó, chúng tôi vay tiền ngân hàng để làm ăn nhưng chưa trả được. Từ đó, họ đã hình sự hóa một quan hệ dân sự để bắt giam tôi”, ông Lương Ngọc Phi nhớ lại.
Sau khi bị bắt, ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh trên. Đến ngày 26/4/2000, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao bác án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại từ đầu. Sau đó, tháng 12/2003, VKSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Phi.
Ông Phi cho biết: “Sau khi được minh oan, tôi hết sức vất vả trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Dù có đơn yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần nhưng phải tới tháng 6/2006, TAND tỉnh Thái Bình mới thay mặt các cơ quan tố tụng công khai xin lỗi tôi”.
Sau khi thỏa thuận bồi thường thiệt hại không được, ông Phi khởi kiện đòi bồi thường tổn thất tinh thần, thu nhập thực tế bị mất trong 35 tháng ngồi tù oan. Mãi đến năm 2009, TAND tỉnh Thái Bình mới đồng ý bồi thường cho ông Phi 660 triệu đồng.
Không đồng ý, ông Phi tiếp tục khởi kiện để đòi bồi thường cho số tài sản đã bị cơ quan tố tụng bán tống, bán tháo trong thời gian ông ngồi tù. Vụ kiện này lại bị 3 ngành tòa án, kiểm sát, công an “đá bóng” trách nhiệm cho nhau, trong khi những người tham gia truy tố, xét xử ông trước đây đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Phải đến ngày 29/8, TAND TP Thái Bình mới mở phiên tòa và yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Phi 21 tỷ đồng.
Khó phân định trách nhiệm cán bộ làm sai
Theo ông Lương Ngọc Phi, sau khi bản án có hiệu lực, ngày 29/9, ông có văn bản đề nghị TAND tỉnh Thái Bình thi hành án nhưng đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng phản hồi.
Ngày 13/11, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), cho biết trường hợp đốc thúc thi hành án cho ông Lương Ngọc Phi thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao. Sau khi bản án có hiệu lực, ông Phi phải làm đơn đề nghị thi hành án. Nếu đã gửi đơn mà cơ quan liên quan vẫn không thụ lý và giải quyết, ông Phi có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên.
Theo quy định, TAND Tối cao sẽ đề nghị Bộ Tài chính thu xếp kinh phí để bồi thường cho ông Phi. Cục Bồi thường nhà nước sẽ giám sát việc thi hành án, bồi thường oan sai này.
Theo thống kê mới đây của Cục Bồi thường nhà nước, từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013, có 82 đơn yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 38 tỷ đồng. Trong đó, vụ của ông Lương Ngọc Phi đã đủ điều kiện thi hành án. Đến nay, các cơ quan liên quan đã bồi thường 37 vụ với hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước mới chỉ thu hồi được hơn 234 triệu đồng từ trách nhiệm hoàn trả của các cán bộ, công chức.
Đại diện Cục Bồi thường nhà nước thừa nhận trách nhiệm hoàn trả, số vụ việc và số tiền phải hoàn trả của cán bộ, công chức còn hạn chế là do quy định của luật tố tụng chỉ xem xét trách nhiệm hoàn trả nếu xác định có lỗi cố ý, ra bản án sai. Trong khi đó, nhiều vụ việc vừa có lỗi cố ý vừa có lỗi vô ý nên bóc tách rất khó khăn; nhiều cán bộ dính líu vi phạm đã chuyển công tác hoặc qua đời nên rất khó đòi lại tiền. Vụ ông Lương Ngọc Phi, sau khi lấy tiền ngân sách bồi thường, các cơ quan liên quan phải xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan để truy thu số tiền do thi hành công vụ sai.