Sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá không phải lúc nào cũng tốt cho các cầu thủ.
Từ đương kim á quân U23 châu Á năm 2018, U23 Việt Nam bị loại ở vòng bảng giải 2020. Trong chiến tích Thường Châu năm ấy, Bùi Tiến Dũng là người hùng nhưng đúng 2 năm sau, anh đã mắc sai lầm trên đất Thái.
Bên cạnh sự động viên, an ủi, không ít người hâm mộ đã buông lời chỉ trích dù mùa giải trước có thể chính họ là những người từng tung hô, ca ngợi thầy trò HLV Park Hang-seo.
Câu chuyện bóng đá có thắng có thua, người hâm mộ lúc yêu lúc ghét không phải là việc quá khó hiểu.
Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong trận gặp U23 Triều Tiên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại Hàn Quốc, một bộ phận người hâm mộ bóng đá nổi tiếng với kiểu cổ vũ “tàu lượn siêu tốc”. Đó là những người mang cờ, biểu ngữ đến sân bay đón đội tuyển khi họ vô địch ASIAD 2018 song cũng sẵn sàng ném trứng vào Son Heung-min cùng đồng đội khi trở về mà không vượt qua vòng bảng World Cup 2018.
Người hâm mộ nhưng chỉ yêu bóng đá chiến thắng cũng có thể tìm thấy ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Anh, Argentina, Đức… Tuy nhiên, điều đó không tồn tại ở Bỉ. Fan bóng đá ở quốc gia châu Âu này khiến nhiều người phải bất ngờ vì có thể ăn mừng, tổ chức tiệc tùng ngay cả khi đội nhà thua trận.
Tận hưởng trận bóng dù thắng hay thua
Giống như nhiều người hâm mộ bóng đá khác, Kim Deog-young (55 tuổi) – một nhà làm phim tài liệu và là tác giả của 4 đầu sách ở Hàn Quốc – đã rất ấn tượng với sự trỗi dậy của đội tuyển Bỉ ở World Cup 2018 diễn ra tại Nga.
Khác với các cường quốc bóng đá như Đức, Anh, Italy và Pháp, giải bóng đá chuyên nghiệp của Bỉ không quá nổi trội.
"Đối với tôi, các cầu thủ Bỉ không khác gì các cầu thủ châu Âu khác về thể lực và kỹ thuật. Tôi tò mò làm thế nào họ có thể đánh bại các đội bóng khác", ông Kim nói.
Tại World Cup 2018, Bỉ về thứ 3 và giành huy chương đồng. Tiền vệ của CLB Real Madrid Eden Hazard, tiền đạo của Inter Milan Romelu Lukaku và tiền vệ của Manchester City Kevin De Bruyne trở thành thế hệ vàng, thu hút sự chú ý của truyền thông.
Người hâm mộ bóng đá Bỉ cổ vũ cho đội nhà. Ảnh: Getty, Reuters. |
Kim Deog-young – đạo diễn của Small but Strong, bộ phim nói về sự trỗi dậy của hai nền bóng đá Bỉ và Iceland trong năm 2016-2018 – gọi đó là phép màu của bóng đá Bỉ và cho rằng nó có nguồn gốc sâu xa từ chính yếu tố văn hóa của mảnh đất được mệnh danh là “trái tim châu Âu”.
"Văn hóa tự giễu giải thích cách người Bỉ có thể ủng hộ đội bóng đá của họ bất kể chiến thắng hay thất bại", ông Kim nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Korea Times.
"Một cổ động viên Bỉ tôi đã gặp trong trận giao hữu giữa đội tuyển Bỉ và Nga nói rằng người Bỉ được khuyến khích chỉ nên tận hưởng trận bóng cho dù mọi thứ có như thế nào – thắng hay thua. Bạn không cần phải chán nản ngay cả khi bạn chứng kiến những khía cạnh đáng thất vọng", ông Kim nói.
Thừa nhận và mỉm cười với thất bại
Theo tác giả bộ phim Small but Strong, văn hóa tự giễu là phiên bản mở rộng của sự lạc quan, yêu bản thân được hình thành từ chính những đặc điểm lịch sử, tâm lý của mảnh đất, con người Bỉ.
“Đây là một quốc gia nhỏ với 11 triệu dân, được bao quanh bởi các quốc gia hùng mạnh, như Đức, Pháp và Anh. So với các láng giềng từng có thuộc địa trãi khắp thế giới, Bỉ rất yếu trong quá khứ và do đó rất khó để có thể nghe thấy tiếng nói hùng hồn của họ. Sự lạc quan của người Bỉ đã được phát triển trong bối cảnh lịch sử đáng tiếc như vậy”, ông Kim giải thích.
Không chỉ trong bóng đá, sự lạc quan, yêu bản thân có thể được dễ dàng tìm thấy trong những khía cạnh khác của cuộc sống.
Bùi Tiến Dũng và đồng đội dừng chân ở vòng bảng tại VCK U23 châu Á 2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Giả sử bạn thích một cô gái nào đó và tiếp cận để ngỏ lời với cô ấy. Dù cho cô gái từ chối bạn, bạn không đổ lỗi cho bản thân hoặc cố gắng giày vò chính mình. Bạn chỉ nghĩ sự việc đã là như vậy và cảm thấy thoải mái vì đã làm hết sức", đạo diễn Hàn Quốc nói.
Ngoài những đặc điểm văn hóa, không thể phủ nhận sự thành công của bóng đá Bỉ còn là kết quả của một dự án dài hơi. Kế hoạch nâng tầm bóng đá đã được quốc gia này thực hiện từ năm 2000 sau thất bại của đội nhà tại EURO diễn ra ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, ở một quốc gia con người dễ dàng thừa nhận và mỉm cười với thất bại, khá dễ hiểu khi một cầu thủ, một đội bóng hay bất kỳ cá nhân, tập thể nào đều có nhiều cơ hội sửa sai và nhanh chóng hướng tới kết quả tốt hơn.