Phong trào ca nhạc học sinh, sinh viên ở Hà Nội bắt đầu nhen nhóm từ khoảng cuối những năm 1980 rồi dần bùng trong giai đoạn giữa thập niên 1990. Để định hình với thế hệ Bức Tường, The Light, Buratinox hay Gạt Tàn Đầy…
Sự ra đời và phát triển của phong trào văn nghệ này gắn liền với sự du nhập của văn hoá phương Tây mà cụ thể là những sản phẩm băng đĩa nhạc rock đầu tiên vào Việt Nam.
Âm nhạc của Scorpions được bật suốt những năm 1990 ở những tụ điểm của "tín đồ" rock Hà Nội như quán cà phê 13 Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Sonar. |
Lớp thanh niên Hà Nội khi đó nâng niu từng cuộn băng cassette hay chiếc đĩa nhựa Liên Xô sản xuất, các album của The Beatles, của Deep Purple hay Black Sabbath. Họ vừa thích thú vừa có gì đó ngỡ ngàng với thứ âm nhạc mới mẻ, quyến rũ mà cũng rất phá phách này.
Và trong dòng chảy văn hoá đó, Scorpions là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất cũng như được yêu thích nhất.
Scorpions – Sứ giả rock của thập niên 1990
Năm 1992, kênh MTV gọi Scorpions là sứ giả của rock với dụng ý nói đến nỗ lực sử dụng âm nhạc như một cầu nối văn hoá và các quốc gia trong bối cảnh lịch sử thế giới khá phức tạp khi đó.
Năm 1989, Scorpions cùng với 6 ban nhạc rock Mỹ được mời biểu diễn tại sự kiện Moscow Music Peace Festival. Đây được coi là sự kiện âm nhạc lịch sử bởi lần đầu tiên có một show diễn nhạc rock của toàn nghệ sĩ “phe” tư bản tổ chức giữa trái tim của các nước xã hội chủ nghĩa. Có thể nói đó là một dấu ấn văn hoá của việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều năm.
Giống như Boney M hay Modern Talking, âm nhạc của Scorpions cũng rất phổ biển ở các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1990. Mặc dù chơi thứ hard rock mạnh mẽ nhưng ở nhạc của họ không có sự quá khích, cực đoan mà đưa ra những thông điệp tích cực về cuộc sống, tuổi trẻ. Họ cũng sở trường với những bản ballad “để đời”.
Scorpions từng được gọi là sứ giả của nhạc rock. Ảnh: Rankers. |
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng Scorpions thể hiện khá rõ thái độ xã hội của họ. Hai dấu ấn lớn chính là bản hit Wind of changes và sau này là Under the same sun. Đây đều là những ca khúc mang thông điệp xã hội đậm nét.
Wind of changes gắn liền với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Cho tới nay, nó vẫn luôn được coi là một ca khúc điển hình cho tinh thần vì hoà bình và nhân văn của rock.
Under the same sun nằm trong album Face the Heat phát hành năm 1993. Khi các nhóm hard rock và metal ở giai đoạn đó đang bùng nổ chủ đề chống chiến tranh nhưng theo cách khá gay gắt, cực đoan như Megadeth với Holy wars thì ca khúc của Scorpions lại đi vào lòng người bởi giai điệu đẹp gắn với những ca từ sâu sắc.
Với những yếu tố trên, Scorpions được đón nhận rộng rãi nhất và họ trở thành một mô hình ban nhạc rock lý tưởng đối với những thanh niên Việt Nam trẻ tuổi đang bắt đầu mơ mộng giấc mơ đàn hát.
Bức Tường và điểm nối với Scorpions
Không cần phải là một tay sành sỏi cũng có thể nhận ra sự tương đồng của Bức Tường và Scorpions.
Họ cùng theo đuổi phong cách hard rock đôi khi đẩy lên heavy metal với những thông điệp âm nhạc mạnh mẽ nhưng tích cực. Nếu Scorpions có những ca khúc như Rock you like a hurricane thì Bức Tường có Rock xuyên màn đêm.
Bức Tường cũng có nhiều ca khúc mang thông điệp xã hội nổi tiếng như Đôi bàn tay, Rung chuông vàng hay Khám phá…
Hai nhóm nhạc đều có những bản ballad ghi dấu ấn với người hâm mộ. Scorpions có Still loving you, Send me an angel hay Lady starlight… Và Bức Tường có Bông hồng thuỷ tinh, Mắt đen hay sau này là Tiếng gọi.
Trần Lập và nhóm Bức Tường của anh cũng có những nét tương đồng về phong cách âm nhạc với nhóm nhạc Đức huyền thoại. Ảnh: buctuong.com |
Tương đồng hay thậm chí như chính Trần Lập từng chia sẻ, có cả “dấu ấn” của ban nhạc Đức trong ban nhạc rock Việt. Nhưng có thể khẳng định đó là một sự tiếp biến thú vị của âm nhạc. Bức Tường đã hấp thụ được những giá trị, tinh thần tích cực của âm nhạc thế giới để tạo nên phong cách và một di sản âm nhạc riêng trong đời sống nhạc Việt.
Vài ngày nữa thôi, lần đầu tiên Scorpions có buổi diễn tại Hoàng thành Thăng Long trong Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa. Đây cũng là sự kiện nằm trong tour diễn kỷ niệm 50 năm sự nghiệp của nhóm.
Trong những ngày này, người viết lại nhớ lại cuộc cà phê với Trần Lập. Nếu anh còn ở bên chúng ta, hẳn người viết sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn cùng anh về Scorpions, về Bức Tường và về nhạc rock.