Tư thế gác chân lên tường đang thịnh hành giúp xua tan căng thẳng và lo lắng trong 15 phút. Ảnh: Shutterstock. |
Theo SCMP, trong một thế giới đầy căng thẳng, phương pháp tập yoga cổ xưa của Ấn Độ cung cấp nhiều giải pháp cho sức khỏe.
Viparita karani hay tư thế “Legs Up the Wall” (tư thế gác chân trên tường) đang là xu hướng trên mạng xã hội. Đây là một biến thể của tư thế yoga phục hồi, trong đó cơ thể, hông và đầu nằm thẳng, hai chân gác lên tường gần như 90 độ. Động tác đơn giản này giúp thư giãn bụng, chân và lưng dưới, đặc biệt sau khi thực hiện các tư thế yoga đứng.
"Legs Up the Wall" là tư thế chống lão hóa, giúp làm mờ nếp nhăn. Những người không thể thực hiện tư thế đứng trên vai có thể thực hiện động tác này mà không bị căng cổ hoặc đầu.
Lợi ích của tư thế gác chân trên tường
Trang web Health Essentials, trung tâm y tế học thuật Cleveland Clinic có trụ sở tại Ohio, Mỹ, mô tả những lợi ích của tư thế này: Nó có thể giúp tuần hoàn chất lỏng tích tụ ở chân để giảm sưng tấy, cải thiện lưu thông, giảm tắc nghẽn và giữ nước, giải quyết chứng giãn tĩnh mạch và tránh tụ máu trong khi giúp dẫn lưu bạch huyết.
Giống các tư thế yoga khác, tư thế gác chân lên tường cũng thúc đẩy sự thư giãn, giúp kiểm soát căng thẳng và lo lắng cũng như chứng mất ngủ và mệt mỏi sau chuyến bay.
Gail Boorstein Grossman, giáo viên yoga nổi tiếng ở New York, coi tư thế gác chân trên tường là một trong những tư thế yêu thích của cô để luyện tập và giảng dạy.
"Mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự đảo ngược nhẹ nhàng. Nó có những lợi ích tuyệt vời trong việc làm dịu hệ thần kinh cũng như những lợi ích về thể chất trong việc hỗ trợ hệ thống bạch huyết. Nó hữu ích cho những người đang cần phục hồi", cô nói.
"Tôi thực sự khuyên mọi người nên tích hợp điều này vào cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể thực hiện động tác này mà vẫn làm được việc khác chỉ trong 10-15 phút. Vào cuối ngày dài mệt mỏi, nó có thể tiếp thêm năng lượng và nâng cao tâm trạng", cô nói thêm.
Đây là tư thế lý tưởng để áp dụng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc làm việc quá sức. Ảnh: HubPages. |
Theo Senthil Kumar, giáo viên yoga ở Chennai, Ấn Độ, tư thế này có rất nhiều lợi ích: Nó có thể cải thiện trí nhớ, giúp lão hóa ngược, cải thiện thị lực, tốt cho sự phát triển của tóc và giúp chữa các bệnh sưng phù, đau thần kinh tọa, giãn tĩnh mạch hoặc tụ máu ở chân và bàn chân, vì nó giúp loại bỏ độc tố.
Tư thế gác chân lên tường có thể thúc đẩy dòng bạch huyết, giúp giải độc cơ thể và giảm viêm.
“Đây là tư thế lý tưởng để áp dụng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc làm việc quá sức. Nếu bạn thực hành nó trước khi đi ngủ, bạn sẽ ngủ ngon”, giáo viên yoga Senthil Kumar nói.
Đối với những người sống trong không gian nhỏ, tư thế có thể được thực hành trên giường, với hai chân gác lên đầu giường.
Nếu cảm thấy thoải mái khi thực hiện "Legs Up the Wall", bạn có thể muốn thử nghiệm các động tác khác như cho phép bàn chân mở rộng sang hai bên ở tư thế dang rộng chân để kéo căng đùi trong.
Nên tránh tư thế gác chân trên tường nếu bạn bị huyết áp cao, thoái hóa đốt sống, các vấn đề về tim, các vấn đề về võng mạc hoặc tuyến giáp. Phụ nữ không nên thực hành nó nếu đang có kinh nguyệt. Những người mắc bệnh tăng nhãn áp cũng không nên thử.
Cách thực hiện động tác gác chân trên tường
1. Chọn một khu vực trống trên bức tường và ngồi xuống sao cho hai bàn chân của bạn đặt trên mặt đất, có thể dang rộng hoàn toàn trước mặt và lưng chạm vào tường.
2. Từ từ xoay người, sau đó di chuyển bàn chân và cẳng chân lên tường.
3. Giữ hông và vai thẳng trên mặt đất, lưng và cột sống thẳng.
4. Hít thở sâu và thả lỏng cơ thể. Bạn có thể giữ nguyên tư thế từ 3 đến 15 phút tùy thuộc vào mức độ thoải mái mà bạn cảm thấy. Cố gắng thư giãn hoàn toàn, nhắm mắt lại.
5. Thoát khỏi tư thế bằng cách gập đầu gối về phía ngực và lăn sang một bên rồi ngồi dậy. Thư giãn trong tư thế shavasana, trạng thái thư giãn với hai tay và hai chân dang rộng, thả lỏng.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.