T
ừ sân chơi hiện đại, hấp dẫn Đường lên đỉnh Olympia, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành theo các con đường khác nhau. Trong suy nghĩ của họ, Olympia không đơn giản chỉ là cuộc thi, đó còn là nơi hội tụ những người cùng chí hướng chinh phục trí tuệ, là bước ngoặt thay đổi cuộc đời.
Đại úy Nguyễn Quốc Khánh (31 tuổi) là thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 5 (năm 2003). Anh đã có không ít dấu mốc trưởng thành gắn liền với bài học có được từ Olympia.
Sau khi lựa chọn con đường du học, Quốc Khánh trở về nước làm việc, thành người lính mũ nồi xanh, thuộc đội quân đa quốc gia của Liên Hợp Quốc. Anh làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, an ninh tại các quốc gia có xung đột.
Nguyễn Quốc Khánh (phải) trưởng thành từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Anh hiện công tác tại đội quân đa quốc gia của Liên Hợp Quốc. |
Không thể quên kỷ niệm thi Olympia 14 năm trước
Cách đây 14 năm, Nguyễn Quốc Khánh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và coi đây như kỷ niệm đẹp đẽ, sôi nổi, đầy đam mê của tuổi học trò.
Lần đầu tiên được gặp gỡ các thần tượng của thế hệ một thời như nhà báo Tạ Bích Loan - người đầu tiên dẫn Olympia, MC Lưu Minh Vũ và những thí sinh thành công ở năm trước: anh Thành Vinh (á quân mùa đầu tiên), anh Phan Mạnh Tân (quán quân năm 2), anh Mai Thanh Tiếp (vào chung kết năm 3), Khánh có thêm nhiều động lực trong học tập.
Mặc dù chỉ dừng lại ở vòng thi tháng, Olympia vẫn gắn bó với anh suốt chặng đường sau này.
Hình ảnh Quốc Khánh tham dự Đường lên đỉnh Olympia từ 14 năm trước. |
Gần một năm sau, khi hoàn thành kỳ thi đại học, Quốc Khánh tham gia Gala năm thứ 5 của Đường lên đỉnh Olympia với những hoạt động cộng đồng bổ ích, ý nghĩa.
Đặc biệt, tại đây, chàng tân sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự được gặp các cựu thí sinh Olympia đang là du học sinh ở Australia như anh Thành Vinh, anh Mạnh Tân, chị Ngọc Minh; ở Singapore có anh Quang Quý, từ ĐH Tổng hợp Lômônôxốp, Liên bang Nga có chị Bích Vân.
Lắng nghe họ chia sẻ về đời sống, học tập, Quốc Khánh quyết tâm "xuất ngoại". Như một cơ duyên, sau đó, anh được cử đi học đại học, cao học chuyên ngành Robot và hệ thống robot kỹ thuật, ĐH Kỹ thuật Tổng hợp quốc gia Bauman, Moscow, Liên bang Nga.
7 năm sau, 8X trở về nước, trở thành cán bộ nghiên cứu tại Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học Công nghệ quân sự. Từ năm 2016, anh công tác ở Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Đến tháng 5 vừa qua, anh được cử đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc, Cộng hòa Trung Phi - MINUSCA.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Quốc Khánh tâm sự Đường lên đỉnh Olympia đã khiến cuộc sống của anh có những thay đổi tích cực về tinh thần cầu thị, niềm say mê học hỏi và cách vượt qua thử thách, thất bại.
Thành viên Olympia có mặt ở nhiều nơi trên thế giới
Không đơn giản là những cuộc thi đấu gay cấn, sau trường quay Olympia, các thí sinh trở về với cuộc sống. Họ kết nối, hỗ trợ, chia sẻ thông tin từ một số buổi gặp gỡ, giao lưu và trên mạng xã hội.
Nhờ có các thành viên tích cực như Hoàng Dương, Quang Kiệt (Olympia năm 2), Mai Thanh Tiếp (Olympia năm 3) và Thu Vân (Olympia năm 5), các thế hệ dự thi đã trở thành tập thể đoàn kết.
Quốc Khánh cùng bạn bè chụp ảnh lưu niệm với nhà báo Tạ Bích Loan trong Gala Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15. |
Quốc Khánh ngày hôm nay luôn cảm thấy may mắn vì anh có thêm nhiều bạn bè, họ đều là những người rất giỏi.
Olympian (thí sinh dự thi Olympia) phân bố rất rộng, có mặt tại nhiều nơi trên thế giới. Bản thân anh là cán bộ phòng Quan hệ quốc tế nên có cơ hội dự hội thảo, công tác ở nước ngoài như Indonesia, Australia và Nga. Những dịp ấy, anh thường nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng Olympian.
"Khi còn học ở Moscow (Liên bang Nga), tôi đã gặp bạn Thanh Bình thi Olympia năm thứ 5 trong một chuyến công tác. Năm 2016, tôi sang Autraslia và hân hạnh được Minh Đức - nhà vô địch năm thứ 10 - đưa đi tham quan Melbourne", Khánh kể.
Nam sĩ quan cho hay do công tác trong lực lượng vũ trang với môi trường đặc thù nên anh ít có thời gian tương tác hay hội họp cùng các thành viên. Mặc dù vậy, anh vẫn thường xuyên theo dõi họ qua mạng xã hội.
Anh tự hào khi nhiều Olympian là thủ khoa đầu vào, đầu ra hoặc thủ khoa kép của các trường đại học lớn như Minh Châu (năm thứ 5), Ánh Điệp (năm thứ 7), Trung Hiếu (năm thứ 8)...
Ra trường, không ít cựu thí sinh làm ở các tổ chức phi chính phủ hay công ty, tập đoàn lớn. Nhiều người đã là giáo sư tại trường đại học danh giá ở Hoa Kỳ, đang là nghiên cứu sinh tại các trường đại học top đầu thế giới như Minh Đăng, Thanh Tùng (năm đầu tiên); Minh Thùy, Thu Vân (năm thứ 2).
Đặc biệt hơn, nhiều Olympian sau này trực tiếp tham gia rất nhiều các dự án, công việc đóng góp cho cộng đồng.
Lê Thị Quỳnh Nga (năm thứ 5) - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Hà Lan - là ví dụ điển hình. Cô đã khởi xướng chương trình truyền lửa đam mê của nhóm "Olympian tư vấn du học".
Trung Hiếu (năm thứ 8) thành lập chương trình hỗ trợ học tiếng Anh miễn phí WELE với gần chục nghìn thành viên. Hay nhóm từ thiện Ô-liu tại TP.HCM đã có những chương trình thiết thực giúp đỡ trẻ em, người già ở các vùng dân tộc, khó khăn.
"Đối với tôi, theo dõi từng bước đi của thế hệ Olympian sau này cũng là sự học hỏi. Khi các bạn có những thành tựu từ rất sớm, công việc và lĩnh vực hoạt động cũng đa dạng và rộng lớn hơn", Quốc Khánh nói.
Nhận định về thế hệ Olympian mới, anh cho rằng điểm chung của các bạn là xuất sắc vượt qua câu hỏi với tốc độ rất nhanh và chính xác. Đồng thời, mặt bằng chung về ngoại ngữ cũng tốt hơn, giúp nhanh chóng vươn ra tầm quốc tế.
Mặc dù đã dự thi Đường lên đỉnh Olympia từ 14 năm trước, không ít gương mặt, cái tên vẫn được Khánh nhớ và kể lại rành rọt. Bởi Olympia đã trở thành một phần cuộc sống, giúp anh học hỏi nhiều điều.
"Như câu nói của Will Rogers: 'Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách, hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn'.
Tôi cảm thấy thật sự may mắn khi được là thành viên của sân chơi lớn với những thành viên tuyệt vời. Lúc được lan tỏa về thông điệp thành công từ Olympia, tôi có thêm động lực và tạo ra những thói quen tốt, bỏ thói quen xấu", 8X tiết lộ.
Sĩ quan thứ 16 của Việt Nam tham gia giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc
Sau khi du học, Nguyễn Quốc Khánh trở về nước. Đang đeo quân hàm đại úy, anh công tác tại Trung tâm Giữ gìn hòa bình Việt Nam từ đầu năm 2016.
Quốc Khánh cho biết trước đó, bản thân đã tìm hiểu về vai trò của lực lượng Giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc trong việc đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh toàn cầu.
Đại úy Nguyễn Quốc Khánh (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng nghiệp khi tham gia một khóa học của Liên Hợp Quốc tại Indonesia. |
Từ thời sinh viên, Khánh đã mơ ước được đến châu Phi để hiểu hơn về văn hóa và cuộc sống nơi đây. Anh cũng đặc biệt ấn tượng với các đoàn cứu trợ nhân đạo hay nhóm tình nguyện sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc để giúp đỡ những người dân còn rất đói khổ tại lục địa đen.
"Olympia với tôi là nhân duyên hội ngộ rất nhiều nhân vật truyền cảm hứng. Đó là anh Nguyễn Quốc Khánh đã truyền cho tôi cảm hứng sống vì những lý tưởng cao đẹp, cho hòa bình và cho nhân loại".
Lê Thị Quỳnh Nga (thí sinh Olympia năm thứ 5)
Đầu tháng 5, Đại úy Nguyễn Quốc Khánh được Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu trao quyết định của Chủ tịch nước lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), vị trí công tác tại Ban Tình báo/Phân khu Tây với nhiệm vụ chính là thu thập, phân tích và xử lý thông tin để tham mưu cho chỉ huy các cấp. Bản thân anh rất vinh dự, tự hào khi là sĩ quan thứ 16 của Việt Nam nhận nhiệm vụ cao cả này.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, Nguyễn Quốc Khánh tham gia khóa huấn luyện hơn 3 tháng, đào tạo nâng cao các kỹ năng sinh tồn, lái xe 2 cầu, sơ cứu, sử dụng vũ khí bộ binh cơ bản và tăng cường thêm các kiến thức về đối ngoại quốc phòng, công tác tổ chức, công tác Đảng, công tác chính trị.
Anh Khánh kể, về công tác hậu phương chiến sỹ, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thường xuyên có sự quan tâm, thăm hỏi và kịp thời động viên.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ anh rất vinh dự khi được hai đồng chí Phó giám đốc Trung tâm là Đại tá Nguyễn Như Cảnh và Đại tá Lưu Đình Hiến bồi dưỡng thêm các kiến thức về thu thập và xử lý thông tin cũng như cách viết báo cáo. Đồng thời anh cũng được đồng chí Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm giao nhiệm vụ và căn dặn: “Đồng chí Khánh cứ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, cơ quan sẽ làm tất cả để các đồng chí ở tuyến đầu yên tâm công tác”.
Tại đất nước Trung Phi, người lính bảo vệ hòa bình công tác trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và môi trường đa quốc gia. Đây cũng là quốc gia nghèo nhất thế giới do dân trí thấp, cùng tình hình chính trị bất ổn.
Sống và làm việc ở Trung Phi, bản thân Nguyễn Quốc Khánh càng hiểu và thấy được giá trị lớn lao của hòa bình. Hạnh phúc phải đi kèm với hai chữ "bình yên".
Từ đó, anh càng trân trọng hơn nền hòa bình tại Việt Nam, nhất là khi ngày Quốc khánh 2/9 đang cận kề...