Theo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, lớn lên ở Thanh Hóa.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một trong những giáo sư Trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa, GS Đinh Xuân Lâm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Dưới sự dìu dắt của GS Trần Văn Giàu, ông ở lại Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi để lần lượt góp tên vào các công trình: "Lịch sử Việt Nam 1897 - 1914" năm 1957, "Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế" năm 1958, "Lịch sử Việt Nam cận đại" năm 1959 - 1961…
GS Đinh Xuân Lâm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong đội ngũ những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại ngày nay. Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 1980 và giáo sư năm 1984, ngành sử học.
Năm 1988, GS Đinh Xuân Lâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của ngành giáo dục.
![]() |
GS Đinh Xuân Lâm là một trong "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Khi bước vào nghề làm sử (những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước), GS Đinh Xuân Lâm đã định hướng và thành công trong nghiên cứu về phong trào dân tộc cuối thế kỷ XIX, những đặc điểm của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, trong khi đội ngũ các nhà sử học lúc đó tuy chưa nhiều nhưng có không ít người đã nổi danh như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Văn Tân, Hoa Bằng...
Với sức viết bền bỉ, dẻo dai và khả năng cộng tác, làm việc theo nhóm hiếm có của mình, GS Đinh Xuân Lâm đã viết và đứng tên hơn 370 bài báo, 7 đề tài nghiên cứu khoa học và 90 đầu sách. Ông đặc biệt có duyên với loại sách giáo khoa phổ thông, sách công cụ, từ điển.
Gần đây nhất, bộ sách "Đại cương lịch sử Việt Nam" do ông tham gia chủ biên đã trở thành giáo trình chuẩn của sinh viên khoa sử các trường đại học và cao đẳng.
Với những đóng góp to lớn đó trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, GS Đinh Xuân Lâm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba và hạng nhất, Huy chương Vì thế hệ trẻ...
Năm 1990, GS Đinh Xuân Lâm nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông tiếp tục công việc của một chuyên gia đầu ngành. Thời gian rảnh rỗi, ông đi thăm bè bạn và học trò như thuở trước và giúp đỡ các tỉnh soạn địa chí địa phương.
"Con người ông là thế, ân tình, ân nghĩa từ trong cách nghĩ đến việc làm. Sự lớn lao của ông không chỉ ở trong tảng nền tri thức mà còn toát lên từ tình cảm, nhân cách làm người.
Ông vẫn là cây lớn sừng sững xanh tươi và là tấm gương phấn đấu không ngừng cho lớp trẻ noi theo. Đến đâu, về đâu, ông cũng tìm được hơi ấm gia đình từ những đứa con tinh thần mà ông đào tạo, dẫn dắt", tác giả Trần Nho Thìn - Phạm Văn Hưng viết như vậy trong bài đăng trên website kỷ niệm 100 năm thành lập đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội với tiêu đề "GS Đinh Xuân Lâm - cây đời xanh mãi".
Cùng với GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại.
Trả lời VietNamNet, ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết lễ viếng GS Đinh Xuân Lâm bắt đầu từ 7h30 đến 8h30 ngày 27/1/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân) tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. GS Đinh Xuân Lâm sẽ được an táng tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.