Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự truyện Drogba: Nụ cười cay đắng vì Messi

Bài viết được dịch từ chương 14 với tên gọi "One night in Munich" trong cuốn tự truyện của tiền đạo Didier Drogba, phát hành tháng 9/2015.

Dưới đây là bài dịch tự sự của Drogba.

Tôi phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu để có thể kể cho các bạn nghe về trận đấu đáng nhớ nhất cuộc đời cầu thủ của mình. Có lẽ nên quay ngược lại thời điểm Chelsea đánh bại Benfica ở tứ kết. Chúng tôi đã giành thắng lợi 1-0 ở trận lượt đi trên đất Bồ Đào Nha và chung cuộc 3-1 sau khi hồi còi cuối cùng vang lên trên sân Stamford Bridge.

Đúng ra tôi nên cảm thấy thật tồi tệ khi phải ngồi trên ghế dự bị gần như suốt thời gian thi đấu trong khi các đồng đội lại đang chiến đấu trên sân. Nhưng trong suy nghĩ của tôi lúc đó chẳng còn gì ngoài việc Chelsea một lần nữa lọt vào bán kết Champions League, lần thứ sáu trong vòng 9 năm. Nhiều hay ít với tôi cũng chẳng bao giờ là đủ vậy nên sâu thẳm trong tôi thật sự hạnh phúc với kết quả này.

Tuy nhiên, thật lạ khi tôi bước vào phòng thay đồ thì các cầu thủ khác có vẻ khá trầm lắng, không có một màn ăn mừng điên cuồng nào diễn ra trong khi cả đội vừa dắt tay nhau vào tới trận bán kết. Đã đến lúc tôi phải khuấy động bầu không khí. Bởi vậy tôi bắt đầu la lớn.

“Yeah, chúng ta lại vào được bán kết lần nữa rồi!”, tôi gào ầm lên trong khi các cầu thủ khác nhìn tôi bằng ánh mắt như kiểu gã này có vấn đề về thần kinh à? 

“Lần cuối cùng các cậu được chơi ở trận bán kết Champions League là khi nào”, tôi hỏi những gương mặt trẻ măng xung quanh mình.

Dĩ nhiên câu trả lời là chưa bao giờ, họ ấp úng chẳng biết nói gì.

“Phải, làm sao các cậu có thể nhớ nổi khi chưa một lần có được vinh dự này chứ. Vậy nên hãy cứ tận hưởng niềm hạnh phúc này đi. Quẩy nhiệt lên nào!”.

Ngay cả Robbie Di Matteo cũng phải lên tiếng: “Chà, đôi khi cũng thật khó để kiểm soát mấy anh bạn này”. Vậy là tôi quay ngoắt sang anh ấy và hỏi một câu tương tự: “Bạn tôi ơi, thế lần cuối anh chơi ở bán kết Champions League là khi nào vậy?”.

- “Làm gì đã được như thế”.

- “Ồ, vậy thì nhiệt tình lên anh bạn, chả dễ mà có lần thứ hai đâu”.

Tôi nghĩ rằng mình là một con người khá nghiêm túc, đặc biệt là khi luyện tập và chơi bóng nhưng những lúc như thế này chẳng ai có thể làm chủ được chính mình nữa. Giờ tôi chỉ muốn chìm trong men say chiến thắng thôi. 

Vậy sao tất cả bọn họ lại cư xử như thể lọt vào bán kết Champions League là điều quá đỗi bình thường thế? Không, thật sự không bình thường một chút nào cả.

Với bản thân tôi, được đá ở trận bán kết luôn là một điều thực sự thiêng liêng. Hơn tất cả, đối thủ của chúng tôi lần này chính là Barcelona. Đã đến lúc chúng tôi cần thanh toán sòng phẳng món nợ với họ trong trận bán kết Champions League 2009 rồi.

Giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3 luôn là một thời điểm mang tính sống còn của mùa giải - trắng tay hay vô địch phụ thuộc hoàn toàn vào đây. Thời gian này tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải làm thế nào để mùa bóng này trở thành quãng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chính mình cũng như toàn đội bóng. Tôi phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần với các cầu thủ khác để họ có thể hiểu được khoảng thời gian này quan trọng đến thế nào.

Có một hôm tôi nói với Juan Mata: “Anh bạn, xin cậu hãy giúp tôi vô địch Champions League”.

Cậu ấy nhìn tôi bằng con mắt khó hiểu đến nỗi chả nói được thành lời. “Phải, chỉ có thể là cậu thôi, cậu phải giúp tôi, Juan. Tôi ở đây đã 8 năm rồi mà chưa vô địch nổi một lần nào. Chỉ có cậu mới biến giấc mơ của tôi trở thành hiện thực được thôi”.

dem munich huyen dieu anh 1
Drogba tin Mata giúp anh hiện thực hóa giấc mơ vô địch Champions League.

Cậu ấy tiếp tục nhìn tôi chằm chằm bằng tất cả sự ngạc nhiên.

“Nếu cậu giúp tôi vô địch Champions League, tôi hứa sẽ trọng thưởng cho cậu xứng đáng”. Và thế là bọn tôi lăn ra cười, mặc dù trông cậu ấy có vẻ vẫn còn nhiều suy tư. Trước những trận đấu lớn thật sự không nên để tinh thần của mình như vậy, có lẽ cậu ấy cũng hiểu tôi đang nghĩ gì trong bụng dù miệng vẫn tiếp tục cười lớn. 

Tôi khao khát danh hiệu này đã quá lâu rồi. Nó đừng hòng chạy trốn thêm một lần nào nữa.

Trận đấu lượt đi diễn ra trên sân Stamford Bridge. Barcelona lúc này quá khủng khiếp, họ sở hữu chân sút xuất sắc nhất thế giới Lionel Messi cùng dàn hảo thủ chất lượng khác Alexis Sanchez, Xavi, Cesc Fabregas… 

Như thường lệ, đêm trước trận đấu chúng tôi có một buổi họp mặt toàn đội, nghiên cứu chiến thuật và tìm các phương án ngăn chặn lối đá tiki taka của họ. Ai cũng hiểu nhiệm vụ này quá khó để có thể thực thi.

Vào cuối buổi, Robbie đưa cho chúng tôi xem danh sách những cây săn bàn hàng đầu bên phía đối phương. Nhìn vào danh sách thống kê của huấn luyện viên cũng có vài cái tên quen thuộc, Wayne Rooney - 22 bàn, Van Persie - 15 bàn… 

Và đến khi chúng tôi đưa mắt tới danh sách ghi bàn của Barcelona, đứng thứ ba là Xavi với 14 bàn, xếp trên là Fabregas với Sanchez cùng có 15 bàn. Khoảnh khắc cái tên dẫn đầu hiện ra, cả đội quay lại nhìn nhau bằng một nụ cười cay đắng: Lionel Messi - 63 bàn, tính riêng Champions League đã là 14 rồi…

Cái quái gì vậy? 63 bàn một mùa sao? Con số thống kê quá khủng khiếp khiến chúng tôi chỉ còn biết cười trong nước mắt.

Phải làm gì để ngăn chặn cậu ta chứ? Trong đầu tôi hiện lên một loạt phương án dài dằng dặc nhưng chung quy tất cả đều bất khả thi.

Khi mà trận đấu diễn ra, Juan Mata, người thường xuyên có nhiều bóng nhất Chelsea hầu như chẳng chạm vào bóng được lần nào và dĩ nhiên tôi cũng không khá hơn là bao. Mỗi khi có bóng, tôi cảm giác mọi con đường dẫn đến khung thành ngay lập tức bị bịt kín bởi họ áp sát quá nhanh. 

Phương án khả dĩ nhất để ngăn chặn họ chỉ có thể là phòng ngự phản công, tận dụng tốc độ của Ramires cùng kinh nghiệm của Frank Lampard hỗ trợ phía sau. Lý thuyết là như vậy.

Họ kiểm soát tới 70% bóng với vô vàn cơ hội nguy hiểm, hai trong số đó đã chạm tới xà ngang và khung thành của chúng tôi. Đáng sợ nhất là pha phá bóng ngay trên vạch vôi của Ashley Cole sau cú sút nguy hiểm của Fabregas.

dem munich huyen dieu anh 2
Drogba ăn mừng bàn thắng vào lưới Barca.

Chúng tôi không tạo được nhiều cơ hội như họ, đúng ra là chỉ có một cơ hội duy nhất. Không quá bất ngờ khi nó đến từ một pha phản công, điều mà chúng tôi đã luyện tập quá nhiều lần trước trận đấu này.

Trước khi hiệp một kết thúc, Messi để mất bóng vào chân của Frank Lampard và ngay sau đó là một đường chuyền dài chuẩn tới từng cm tới vị trí của Ramires. Cậu ấy khống chế bóng bằng đầu trước khi vượt qua hàng phòng ngự để thực hiện một pha căng ngang vào phía trong vòng cấm cho tôi. Công việc còn lại của tôi đơn giản chỉ là tung một cú sút bằng chân trái xé lưới Barca.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh đến nỗi các cầu thủ Barcelona dường như chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Như thường lệ tôi chạy nhanh về phía cột cờ phạt góc bên trái và ăn mừng cùng các cổ động viên. Thú thật lúc đó tôi cũng quá mệt rồi nên chẳng đủ sức chạy khắp sân ăn mừng bàn thắng nữa. 

Hiệp hai diễn ra ngay sau đó. Tất cả mọi người đều đã thấm mệt với những tiếng thở nặng nhọc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chạy và chạy để tạo nên bức tường phòng ngự vững chắc trước khung thành của Cech. Là một tiền đạo nhưng trong trận đấu này tôi cảm tưởng mình đang chơi ở vị trí tiền vệ bởi đối phương pressing quá khủng khiếp.

Nhớ lại lúc ở trong phòng thay đồ, Juan Mata luôn miệng kêu ca về chuyện chẳng chạm nổi vào bóng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó không phải điều đáng bận tâm cho lắm.

“Bạn tôi à”, tôi đáp lại cậu ấy một cách từ tốn, “hôm nay cậu đừng bực bội nếu không được chạm vào bóng. Chỉ cần chạy và chạy thôi! Nếu mệt rồi thì hãy bảo họ, huấn luyện viên sẽ thay cậu ra. Hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Tôi cũng chẳng được chạm vào bóng nhưng cậu có thấy tôi than phiền gì không? Kết quả mới là quan trọng anh bạn ạ”.

Chúng ta không phải đội chơi tốt hơn. Nhưng chúng ta lại đang dẫn 1-0. Nhiệm vụ xem như hoàn thành xuất sắc.

Còn nữa

Juan Mata: 'MU đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng'

Juan Mata khẳng định các cầu thủ Manchester United đã chiến đấu bằng tất cả lòng tự hào trước đại kình địch Liverpool trong blog mới nhất của mình.


Anh Tú

Bạn có thể quan tâm