Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở thanh thiếu niên

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết tính đến hiện tại, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho nhóm tuổi 15-29, sau tai nạn giao thông. Độ tuổi tự tử đang ngày càng trẻ hóa.

Ngày 4/5, tại tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên" diễn ra ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhận định khái niệm hành vi tự tử.

Ông Nam cho biết tự tử là lựa chọn có chủ tâm, suy nghĩ thận trọng, cố ý tự làm hại bản thân với mong muốn được chết. Ý tưởng tự tử thường xuất hiện thoáng qua trong suy nghĩ của cá nhân rơi vào vô vọng, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn.

Ý tưởng tự tử thôi thúc, dẫn đến xung động tự tử, cá nhân sẽ thực hiện hành vi tự sát ngay sau đó với tỷ lệ tử vong cao.

Phong ngua va can thiep tu sat anh 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng nhận định vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Hằng.

11% số vụ trẻ tự tử do bắt chước

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, gia đình gặp khủng hoảng tài chính, trẻ em và thanh thiếu niên bị cắt giảm chi tiêu hoặc đối xử hà khắc thường đi đến quyết định tự tử. Trong số các vụ tự tử thành công ở trẻ em và thanh thiếu niên, hành vi bắt chước từ vụ tự tử trước đó chiếm 11%.

"Truyền thông đưa tin về tự tử càng chi tiết, rộng rãi, người tự tử càng nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội càng làm gia tăng số vụ tự tử do bắt chước trong tương lai", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết cách thức tự tử phổ biến ở đối tượng trẻ dưới 15 tuổi là nhảy từ các tòa nhà cao tầng hoặc chạy vào dòng xe cộ. Trẻ trên 15 tuổi thường tự tử bằng ma túy hoặc treo cổ.

Trong số các vụ tự tử được ghi nhận, 73% trường hợp tự tử xảy ra ở nhà, 12% xảy ra ở khu vực công cộng. 87% nạn nhân khi tự sát vẫn có ai đó ở bên cạnh nhưng không được cảnh báo và ngăn cản kịp thời.

Cùng chia sẻ trong buổi tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng - khoa Công tác xã hội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên nghiêm trọng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội.

Cụ thể, theo nghiên cứu của tổ chức Blum, năm 2012, tại Hà Nội, tỷ lệ tự sát và toan tự sát ở nhóm tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tự sát và toan tự sát cao hơn 20-24%.

Các diễn giả trong tọa đàm cho biết dấu hiệu nhận diện tự sát ở trẻ em thường thể hiện qua các câu nói như "con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", "con chả còn gì quan trọng cả", "thôi mọi việc đều vô ích".

Ngoài ra, trẻ có ý định tự tử thường thực hiện các hành động như sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hành động như để trả ơn bố mẹ.

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ tử tự

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng nhận định có nhiều yếu tố tác động đến hành vi tự sát ở trẻ. Theo đó, về mặt cá nhân, hầu hết trẻ em đều sử dụng mạng xã hội ảo để làm quen, nói chuyện với bạn bè. Khi gặp vấn đề cần sự hỗ trợ, chia sẻ trực tiếp, trẻ không có ai bên cạnh, dẫn đến dễ có hành vi tự sát.

Tiếp đó, ở trường học, các vấn đề như bạo lực học đường, đặc biệt là hình thức bắt nạt trực tuyến, cũng đẩy trẻ em vào nguy cơ tự sát. Thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, trẻ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, dễ dàng bắt chước các hành vi tự sát trên mạng xã hội.

Ngoài ra, khi thay đổi hoàn cảnh sống, trẻ có chỉ số thích nghi xã hội thấp thường cảm thấy chông chênh, không thể đối mặt với khó khăn và chọn con đường tự chấm dứt cuộc đời.

Theo bà Tùng, một yếu tố khác dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ là gia đình tất bật lo cho cuộc sống, thiếu sự giao tiếp với con cái. Bố mẹ không phát hiện những thay đổi về mặt tâm sinh lý của con. Từ đó, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ không tìm được sự hỗ trợ của gia đình và quyết định tự sát.

Bà Tùng cũng nhận định áp lực học tập và điểm số là một trong những nguyên nhân gây tự tử ở trẻ em.

"Hiện nay, bố mẹ, thầy cô, xã hội đặt rất nhiều kỳ vọng vào trẻ. Kỳ vọng quá cao này khiến các em đuối sức, khi chịu đựng không nổi, trẻ đưa ra quyết định muốn giải thoát", bà Tùng nói.

PGS.TS Trần Thành Nam nói thêm yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng tự tử. Khi gia đình có một thành viên tự tử, khả năng một thành viên khác tự tử cao đến 70%.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết trầm cảm đóng vai trò chính dẫn đến vấn nạn tự tử hiện nay. Trước khi tự tử thành công, nhiều người cảm thấy ngày càng buồn. Khi nạn nhân cảm giác không thuộc về bất cứ nhóm nào và thấy bản thân là gánh nặng cho người khác, họ sẽ có hành vi tự tử.

Phong ngua va can thiep tu sat anh 2

Nhiều người trẻ tham dự tọa đàm ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Hằng.

Giảm áp lực học tập cho trẻ

Đề cập đến giải pháp giảm thiểu vấn nạn tự tử ở trẻ em, bà Tùng cho biết hầu hết thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang thiếu cơ sở hỗ trợ về sức khỏe tinh thần, chuyên gia có chuyên môn tâm lý.

"Mọi người thường coi trọng sức khỏe thể chất hơn sức khỏe tinh thần. Các phòng tham vấn tâm lý học đường và phòng công tác xã hội ở trường học hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, cho có, chất lượng không đảm bảo. Chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng, số lượng ở các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý", bà Tùng nói.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng cho rằng Bộ GD&ĐT cần tăng cường vai trò nòng cốt trong hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Bộ cần dạy kỹ năng cần thiết để trẻ ứng phó với khó khăn về cảm xúc và giảm bớt áp lực học tập cho các em. Bên cạnh đó, bộ cũng cần đầu tư xây dựng, phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường, phòng công tác xã hội ở tất cả trường học.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giảm vấn nạn tự tử ở trẻ em. Theo ông, khi thấy con có dấu hiệu nguy cơ, bố mẹ cần ứng xử phù hợp như ở lại với con, đảm bảo môi trường an toàn, hạn chế các chất kích thích mà con có thể tiếp cận, sau đó, họ kết nối trẻ với dịch vụ sức khỏe tâm thần.

"Bố mẹ phải lắng nghe con, đừng nói với trẻ là 'thử chết được không'. Một câu nói lúc nóng giận hoặc vô tâm của bố mẹ có thể không cứu được mạng sống của trẻ. Chúng ta phải hiểu việc bên cạnh trẻ trong khoảng thời gian con chịu khủng hoảng là vốn quý nhất để giúp trẻ cân bằng lại tâm lý", ông Nam nói.

Du học sinh Trung Quốc bị băng nhóm giả mạo FBI lừa tiền

“Bố ơi, FBI nói con bị tình nghi liên quan đến một đường dây tội phạm”, du học sinh người Trung Quốc tại Mỹ gọi điện về cho người thân trong sự hoảng loạn cực độ.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm