Facebook được xem là mạng xã hội nhiều người sử dụng nhất thế giới và là kênh truyền tải thông tin nhanh, gần gũi các bạn trẻ. Nắm được thế mạnh của Facebook, nhiều trường đại học tiến hành tư vấn tuyển sinh qua kênh này.
Có thể kể đến trang: Tư vấn tuyển sinh chính quy – NEU (Đại học Kinh tế Quốc dân) với 18.000 lượt like (thích); Tư vấn thi và tuyển sinh Đại học Thủy lợi (3.000 lượt like), Tư vấn tuyển sinh chính quy - Đại học Cần Thơ (1.400 lượt).
Cán bộ tuyển sinh giải đáp qua Facebook
Nếu trước kia các trường chỉ dừng lại ở việc công bố phương án tuyển sinh trên website, nhiều thắc mắc của học sinh chưa được giải đáp, thì hiện tại, sự kết nối của học sinh và người tư vấn trong trường thường xuyên hơn.
Trang tuyển sinh của Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Trang tư vấn tuyển sinh qua Facebook của Đại học Kinh tế Quốc dân được hình thành cách đây 3 năm. Câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm qua mỗi mùa tuyển sinh là các ngành đào tạo, cơ hội việc làm khi ra trường...
Tại trang này, trường cập nhật thông tin mới nhất về tuyển sinh, chọn lọc những câu hỏi chung để tư vấn thành chủ đề hoặc trả lời trực tiếp từng cá nhân. Hình thức được trình bày gần gũi học trò với nhiều hình ảnh, số liệu thống kê logic, dễ hiểu.
Ngoài những trang tư vấn tuyển sinh chính thống, nhiều Fanpage do Hội sinh viên trong trường lập ra cũng cập nhật nhiều thông tin về mùa thi, chia sẻ kinh nghiệm về môi trường học cho thí sinh.
Những người thầy tư vấn online
Không chỉ các trường đại học, nhiều giáo viên cũng chọn mạng xã hội là kênh tư vấn tuyển sinh cho học trò. Facebook của thầy Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ luôn cập nhật nhiều thông tin trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Các vấn đề như: Chọn trường nào để đỗ đại học? Nộp - rút hồ sơ ra sao? Cách thức tra cứu điểm thi... được thầy hỗ trợ nhiệt tình cho học sinh.
Những "mổ xẻ" thẳng thắn về cách thức tổ chức, quản lý kỳ thi nhận được nhiều bình luận của các bạn trẻ. Đặc biệt, nhờ sự hướng dẫn chi tiết của thầy phó hiệu trưởng, không ít thí sinh đã đỗ đại học.
Dù bận nhiều việc quản lý nhưng thầy Xê cho biết, ông trả lời học sinh vào những lúc rảnh rỗi, như buổi sáng sớm, buổi trưa và ban đêm. Người thầy tâm huyết chia sẻ, thi cử thay đổi theo hàng năm, vì vậy, việc tư vấn giúp các em yên tâm và tự tin.
Thầy Đỗ Văn Xê cung cấp nhiều thông tin tuyển sinh cho học sinh trên Facebook cá nhân. |
Trên mạng, nhiều học sinh bày tỏ tình cảm với thầy hiệu phó đáng kính: “Thầy là hình mẫu của việc phát huy vai trò, lợi ích, tác dụng tích cực của Facebook nói riêng, thế giới phẳng nói chung”.
Gần đây, bạn bè trên Facebook của thầy Đỗ Văn Xê lên đến 5.000 người (số lượng tối đa), trong khi còn nhiều người mong muốn kết bạn. Vì vậy, vị phó hiệu trưởng dùng thêm Fanpage cũng mang tên Đỗ Văn Xê, hiện có hơn 21.000 lượt người theo dõi.
Cũng tham gia tư vấn tích cực cho học trò, thầy Vũ Khắc Ngọc sử dụng link Ask.fm trên Facebook, hàng ngày trả lời nhiều câu hỏi của học sinh.
Tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyên ngành Hóa học, thầy Ngọc hiện công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tham gia luyện thi môn Hóa trên mạng.
Giáo viên này cho biết, băn khoăn của nhiều học sinh trong thời điểm này là một số thay đổi trong quy chế thi như không cho phép rút hồ sơ khi đã đăng ký nguyện vọng. Ngoài ra, gần đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin đề thi sẽ tăng cường phân hóa và số lượng bài tập khó khiến một số em lo lắng. Ông mong Bộ sớm công bố thông tin chi tiết về quy trình xét tuyển, hướng dẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh, đề thi minh họa và ma trận đề thi…
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc có nhiều bài giảng và thường xuyên tư vấn cho học sinh trên mạng Internet. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Giáo viên này nhắc nhở học sinh: Về tổng thể, nội dung đề thi, các dạng câu hỏi... vẫn bám sát chương trình và sách giáo khoa, trọng tâm là kiến thức lớp 12. Không có quá nhiều khác biệt so với đề thi năm 2015, nếu có sẽ được phản ánh vào đề thi minh họa sắp tới.
"Các em không nên ngồi chờ đợi đề thi minh họa. Ngay từ bây giờ, học sinh phải duy trì ôn tập theo đúng kế hoạch và bám đề thi 2015 để có thể đáp ứng khối lượng kiến thức tốt", thầy Ngọc khuyên.
Thầy giáo này cũng lưu ý, các thông tin về tuyển sinh cũng như dự báo, đánh giá về thi cử được đưa ra rất nhiều trong thời gian gần đây. Học sinh không nên mất quá nhiều thời gian tìm hiểu, cần tham khảo nguồn thông tin chính thống và từ Facebook các thầy cô đã có ảnh hưởng với học sinh; tránh để mình bị cuốn vào các nguồn tin sai lệch hoặc thất thiệt.
Một số thắc mắc về tuyển sinh trên Facebook của Đại học Kinh tế Quốc dân
- Em gửi qua bưu điện nhưng chỉ viết đến trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà không ghi phòng Quản lý Đào tạo có sao không ạ?
- Không sao em nhé, chỉ cần bên ngoài bì thư ghi Đăng ký xét tuyển đại học là được.
- Thay đổi nguyện vọng đăng ký online lợi như thế nào?
- Lợi ở chỗ em không cần đến trường mà vẫn được xét tuyển tạm thời cùng với các bạn đến nộp hồ sơ trực tiếp. Em không phải nộp lệ phí trước.
- Cho em hỏi điểm giữa các khối A và A1 có lấy khác nhau không hay cứ lấy từ trên xuống dưới?
- Tất cả các khối đều lấy bình đẳng như nhau em nhé.
Muốn điểm cao phải học và có tài
"Công bố 'điểm chuẩn tạm thời' đồng nghĩa việc 'lật ngửa lá bài'. Bài đã lật ngửa rồi may mắn không còn quyết định được gì. Ai cầm lá bài tốt thì người đó chiếm ưu thế. So sánh việc thi cử với đánh bài là không phải lắm. Tôi chỉ so sánh để trào phúng cho bớt căng thẳng. Người cầm lá bài tốt có thể do may mắn, nhưng một thí sinh có điểm tốt phần lớn là do tài năng, sự may mắn chỉ góp phần nhỏ. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa việt xét tuyển đại học với đánh bài", trích bài viết khuyến khích học sinh trên Facebook của thầy Đỗ Văn Xê.