Ngày 7/8, Tòa án hành chính Seoul (Hàn Quốc) ra phán quyết đứng về phía gia đình người đàn ông qua đời sau cuộc nhậu say với cấp trên. Gia đình anh kiện Cơ quan Bồi thường tai nạn lao động và Phúc lợi Hàn Quốc về việc chi trả trợ cấp cho người thân và chi phí lo tang lễ, theo Yonhap.
Người đàn ông là nhân viên bảo vệ, đã trượt ngã trước cửa nhà sau khi đi uống rượu với sếp. Anh được chẩn đoán bị xuất huyết não vào tháng 10/2020. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, anh qua đời vào tháng 3/2021.
Người thân nam bảo vệ đã yêu cầu cơ quan trên, thuộc Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, một khoản trợ cấp phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho những trường hợp tử vong liên quan đến công việc.
Những buổi tụ tập với cấp trên, còn gọi là hoesik, rất phổ biến ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Ed Jones/AFP. |
Song, cơ quan này từ chối chi trả bất kỳ khoản trợ cấp nào, bao gồm cả chi phí tang lễ, cho gia đình người qua đời và cho hay cuộc nhậu không phải do chủ sở hữu hoặc ban quản lý công ty tổ chức.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng việc nam bảo vệ đi nhậu nên được xem là diễn ra dưới sự giám sát của quản lý bởi anh ở đó với trưởng bộ phận trong khi không có quan hệ cá nhân nào khác với người này.
Tòa án cũng cho rằng việc uống rượu quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Tại Hàn Quốc, "hoesik" - văn hóa tụ tập ăn nhậu sau giờ làm tại các nhà hàng, quán karaoke - là điều phổ biến ở các công ty, cơ quan. Đây cũng là một trong những nỗi ám ảnh đối với nhiều người lao động xứ củ sâm khi những người không tham gia có thể để lại ấn tượng xấu với cấp trên hay giảm khả năng cạnh tranh thăng chức.
Hàn Quốc từng ghi nhận nhiều trường hợp gặp tai nạn sau khi phải tham gia hoesik với cấp trên. Ảnh minh họa: 123rf. |
Theo hướng dẫn được Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc công bố năm 2018, về mặt pháp lý, “hoesik” không phải phần bắt buộc của công việc. Do đó, người lao động không được trả lương làm thêm giờ dù bị sếp ép tham gia, theo Korea Herald.
Tháng 5/2021, một người đàn ông cũng gặp tai nạn và tử vong khi lái xe trong tình trạng say rượu sau cuộc nhậu với sếp. Trường hợp này được Tòa án Seoul nhận định là tai nạn lao động theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn lao động.
“Nạn nhân mới đảm nhận công việc này 70 ngày nên không thể từ chối đi nhậu với cấp trên. Rất khó để nói tai nạn này không liên quan đến ‘hoesik’”, Tòa án Seoul cho biết.