Trong thời đại của công nghệ, dân mạng có thể nói là thế lực đầy quyền năng. Để ca ngợi một người, họ có thể dành ra nhiều lời tốt đẹp, trân trọng nhất. Thế nhưng khi ai đó mắc sai lầm, họ cũng không ngại thốt lên những lời lẽ miệt thị, nặng nề.
Sau scandal xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân, ca sĩ Hương Giang Idol nhanh chóng bị lăng mạ không thương tiếc, ngay cả chuyện giới tính và gia đình của cô cũng "không được tha".
Chỉ vì một đoạn video trên Instagram, hot girl Sun Ht trở thành tâm điểm bị công kích. Hay như Hoa hậu Philippines Pia Wurtzbach do đăng quang Hoa hậu hoàn vũ 2015 đã bị đem ra chế ảnh, chê bai nhan sắc.
Liệu có bao giờ cộng đồng mạng nhận ra rằng mình đang quá đà, hay tự cho mình quyền được làm tổn thương người khác?
Dân mạng đang quá gay gắt?
Mới đây, sự việc ca sĩ Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân trong một chương trình giải trí thu hút nhiều sự chú ý. Ngay sau đó, nữ ca sĩ đã livestream xin lỗi khán giả và tiền bối. Tuy nhiên, hành động này dường như chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" cho những người đang nóng giận ngoài kia.
Ban đầu, người ta đổ lỗi cho Hương Giang không cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, không biết tôn trọng bậc tiền bối.
Thế nhưng, câu chuyện ngày càng bị đẩy đi xa hơn khi họ bắt đầu soi mói về giới tính của cô. Đối với một bộ phận dân mạng, việc nữ ca sĩ chuyển giới cũng góp phần lỗi không nhỏ trong scandal lần này.
Để bảo vệ cho lý lẽ của mình, người ta gọi Hương Giang bằng đủ thứ từ ngữ kỳ thị giới tính như "con bê đê", "thằng chuyển giới"...
Họ lấy những hình ảnh cũ, lời nói vô ý, khoảnh khắc hớ hênh của cô ra để cười nhạo. Nhân danh việc lên án hành động sai trái, nhiều người bắt đầu bàn tán như thể giới tính của cô mới chính là sai lầm lớn nhất.
Hương Giang khóc xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân và khán giả. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Sơn Trà (sinh viên năm 4, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM) không đồng tình với việc nhiều người lấy giới tính của Hương Giang Idol ra xúc phạm. 9X nhận định giới tính không làm nên nhân cách một con người.
"Trong sự việc này, ca sĩ Hương Giang đã có lỗi chứ không phải giới tính của cô. Khi đọc được những bình luận miệt thị trên mạng, mang gia đình ra mắng mỏ, mình nghĩ không chỉ cô mà bất cứ người đồng tính, chuyển giới nào cũng cảm thấy tổn thương".
Tâm lý kỳ thị giới tính đã đáng sợ, sự lạnh lùng, chỉ trích vô tội vạ của dân mạng còn khiến nhiều người tổn thương hơn.
Điển hình là trường hợp của các hot teen tham gia Influence Asia 2017 tại Malaysia thời gian vừa qua. Việc hot girl Sun Ht đăng story video nói Jessica (cựu thành viên nhóm SNSD) "chảnh" đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người hâm mộ.
Lúc ấy, ngay cả bản thân Sun Ht cũng nhận ra mình đã sai và lên tiếng xin lỗi. Nhưng đó như "giọt nước tràn ly" để cô ngày càng bị ném đá nhiều hơn. Để bảo vệ thần tượng Kpop hay cho hot girl một bài học, dân mạng dành cho cô những từ ngữ xúc phạm, chửi bới.
Hàng loạt bạn trẻ ồ ạt tấn công vào trang cá nhân của hot girl, bình luận trong từng bài đăng từ trước khi sự việc xảy ra chỉ để thỏa mãn cơn nóng giận.
Không chỉ Sun Ht, Phở Đặc Biệt, Châu Bùi... cũng bị chỉ trích sau sự việc này. Hơn ai hết, các hot teen với hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng đã ý thức được rằng mình đang mất điểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, những lời xin lỗi dường như chẳng khiến dư luận nguôi ngoai.
Tâm lý chỉ trích trên mạng mang yếu tố đám đông. Đối với những ai mắc lỗi sai như Hương Giang Idol, Sun Ht, nhiều người sẽ đồng loạt vào chỉ trích. Song cũng có không ít trường hợp trở thành "nạn nhân" của dân mạng dù chẳng làm sai điều gì.
Hải Đăng (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết khi tranh cãi trên mạng, số đông sẽ tự cho mình là đúng và không chịu lắng nghe ý kiến của người khác.
"Mỗi lần một diễn đàn nào đó đùa quá lố, xúc phạm đến người khác, họ sẽ tự cho mình hài hước. Những người có ý kiến ngược lại thì bị cho là 'thanh niên nghiêm túc' và không biết đùa. Không chỉ vậy, dường như một số người chỉ cần đợi ai đó phạm lỗi là điên cuồng lao vào chỉ trích, thóa mạ", cô chia sẻ.
Sun Ht từng khốn đốn sau video nói Jessica "chảnh". Ảnh: Instagram NV. |
Trường hợp của Hoa hậu Philippines Pia Wurtzbach là một ví dụ. Chỉ vì màn đăng quang do MC có chút nhầm lẫn, cô ngay lập tức bị dân mạng chế giễu, đùa cợt.
Họ không bỏ bất cứ chi tiết nào để có thể làm trò cười cho mình, từ tên Pia được phát âm giống bánh "pía" Việt Nam đến biểu cảm trên gương mặt trong đêm trao giải.
Vì dành tình cảm cho hoa hậu đăng quang "hụt" nhiều hơn, nhiều người mặc định Hoa hậu Pia đã phạm phải sai lầm. Thế rồi không chỉ dừng lại ở vài cá nhân, không ít diễn đàn đã mang hình ảnh hoa hậu ra để làm trò mua vui, thậm chí là "câu like" trên mạng.
Hay như hot girl kiêm diễn viên Kaity Nguyễn trong Em chưa 18, cô trở thành đề tài bàn tán trên mạng không phải vì diễn xuất mà bởi ngoại hình. Họ không ngần ngại bình luận khiếm nhã, thiếu văn minh về người mình không quen trong sự hả hê.
Cần học cách nhận xét văn minh hơn
Sau tất cả, để được yên ổn, Sun Ht đành phải xa rời mạng xã hội một thời gian. Thế nhưng đến khi quay lại, một số người vẫn không chịu buông tha. Hiện cô khước từ các bài phỏng vấn, hạn chế phát ngôn.
Ca sĩ Hương Giang Idol sau khi công khai xin lỗi cũng đã xóa trang cá nhân. Mới đây, nghệ sĩ Trung Dân đã lên tiếng chấp nhận lời xin lỗi và hy vọng dân mạng hãy rộng lượng hơn với nữ ca sĩ trẻ.
Có lẽ đến lúc này, người hâm mộ mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì vấn đề đã được giải quyết.
Tuy nhiên, những lời nói miệt thị vẫn còn đó, tâm lý kỳ thị giới tính chưa hề mất đi. Tổn thương Hương Giang Idol phải chịu có thể sẽ sẵn sàng lặp lại với bất kỳ nghệ sĩ nào khác sống đúng với giới tính của mình.
Nghệ sĩ Trung Dân cho biết đã tha thứ cho Hương Giang. Ảnh cắt từ clip. |
Bên cạnh những người nổi tiếng, không ít bạn trẻ cũng khốn đốn khi trở thành tâm điểm chú ý trên mạng. Thông qua mạng xã hội, người ta thi nhau làm "anh hùng bàn phím", đặt mình ở một vị trí cao hơn để phán xét, luận tội ai đó.
Như thiếu nữ có gương mặt giống ca sĩ Sơn Tùng M-TP, chỉ vì ngoại hình giống ngôi sao, cô bỗng nhiên không ngừng bị chỉ trích. Thậm chí, nhiều người còn lấy ảnh của 9X ra chế, lên án việc cô phẫu thuật thẩm mỹ hay chê bai nhan sắc bằng những từ ngữ nặng nề.
"Để chỉ trích một người, không phải chỉ cần gõ phím với những câu nói nặng nề là xong. Chê bai người khác cũng là kỹ năng mà chúng ta cần phải học. Tôi không ủng hộ người làm sai, nhưng cũng không đồng tình với việc quá đà của một bộ phận dân mạng hiện nay", Quế Chi (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ quan điểm.
Mạng xã hội là ảo, thế nhưng ảnh hưởng của nó là thật. Liệu giờ có phải lúc dân mạng nên thay đổi, có thái độ nhận xét văn minh hơn? Thay vì đẩy người khác xuống vực sâu của sự chỉ trích, tại sao không thay đổi bằng những lời góp ý chân thành?
Giới tính của một người không có lỗi, ngoại hình của một người cũng chẳng có gì sai. Do vậy để nhận định nhân cách ai đó, chúng ta nên thật sự khách quan. Việc nhận xét cũng cần cẩn trọng, đừng vì chê bai một ai mà biến mình thành người vô văn hóa!