Đ
ạo nhái là một trong những khái niệm không quá mới mẻ tại Việt Nam khi gần đây, có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật bị tố đã "học tập" từ người khác. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, hành vi này cũng không được ủng hộ, thậm chí còn bị phản ứng mạnh mẽ.
Mới đây nhất, designer Maxk Nguyễn bị tố đạo ý tưởng, sử dụng artwork của tác giả nước ngoài khi chưa có sự đồng ý, gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. Không chỉ dừng lại ở cuộc chiến bản quyền, đây còn là màn đấu tranh cho sự tự trọng trong nghề, cũng như ranh giới giữa "truyền cảm hứng" và copy ý tưởng.
Designer Maxk Nguyễn bị tố đạo nhái trong thời gian gần đây. Ảnh: FBNV. |
Đạo nhái - câu chuyện không chỉ ở Việt Nam
Hành vị đạo nhái trong lĩnh vực nghệ thuật (art plagiarism) là hành động tái sử dụng tác phẩm (hoặc một phần của tác phẩm) của hoạ sĩ/thiết kế và coi nó là của mình. Trong những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, đạo nhái xuất hiện ở khắp nơi, từng có nhiều trường hợp đạo nhái đã được phát hiện trên thế giới, kể cả những tên tuổi lớn trong nghề.
Theo Daily Mail, hãng thời trang nổi tiếng Zara từng vướng phải một vụ kiện tụng, tẩy chay từ hơn 20 nghệ sĩ vào năm 2016.
Theo đó, Zara đã dùng sản phẩm sáng tạo của các họa sĩ này lên thiết kế của mình mà không có sự đồng ý. Một số cái tên có thể kể đến như Adam J. Kurtz, Tuesday Bassen, Bershka...
Trước đó, họa sĩ người Nhật Yoshihiko Wada bị thu hồi giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Nhật Bản (2006) vì bị tố đạo tranh.
Hơn 10 tác phẩm của ông bị liệt kê và chỉ ra nhiều điểm giống với tranh của Alberto Sughi (nghệ sĩ nổi tiếng người Italy). Tuy nhiên, ông Wada lên tiếng bác bỏ và cho rằng mình chưa từng xem qua tác phẩm của Sughi.
Trong khi đó, phía tác giả người Italy cho hay sẽ không khiếu kiện và chia sẻ: "Yoshihiko Wada đã nhận một hình phạt từ xã hội rồi".
Zara từng dính nghi án đạo nhái. Ảnh: Daily Mail. |
Hay trường hợp của họa sĩ người Mỹ Lauren Nassef từng bị Samantha Beeston lấy cắp bản vẽ. Bằng việc sử dụng ý tưởng của người khác, Samantha đã đạt giải thưởng từ Texprint, có triển lãm tại Hong Kong và Paris, cùng nhiều giải thưởng khác.
Ngay sau khi bị phát hiện, Samantha bị thu hồi giải thưởng. Sự việc này trở thành một trong những vết nhơ lớn nhất sự nghiệp của họa sĩ này.
Tại Việt Nam, việc đạo nhái khi phát giác lại được các tác giả gán cho một cái tên mới: được truyền cảm hứng.
Theo họa sĩ Khoa Lê - biên tập Mỹ thuật của NXB Kim Đồng TP.HCM, cảm hứng là một trong những yếu tố khởi đầu để có tác phẩm. Thông qua nhiều quá trình, một tác phẩm sẽ khác nhiều so với bản gốc "truyền cảm hứng".
Hai tác phẩm nếu độ giống nhau quá nhiều, với tỷ lệ được công nhận rộng rãi khoảng 70% thì đây sẽ là vấn đề đạo nhái, không chỉ là "cảm hứng".
"Ngay cả trong những tác phẩm được 'truyền cảm hứng' mạnh (heavily inspired) - tức sự tương đồng quá nhiều, thông thường hoạ sĩ/người thiết kế sẽ đề cập tới tác phẩm gốc như sự tôn trọng tác giả gốc, cũng như chứng tỏ sự trung thực của mình", họa sĩ cho biết.
Làm thế nào để thoát khỏi 'ao làng'?
Việc sao chép những tác phẩm kinh điển, hay các artist/designer tên tuổi là một phần chấp nhận được trong quá trình đầu tiên của rèn luyện và thực tập tại môi trường giáo dục art, design. Dưới sự giám sát của người hướng dẫn cũng như rõ ràng về việc xin phép, ghi nguồn, sẽ không tính là đạo nhái.
"Qua giai đoạn này, tới giai đoạn sáng tác là bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho chính tác phẩm của mình", họa sĩ Khoa Lê nói.
Họa sĩ này nhận định người làm nghề cần biết cách tìm ra ý tưởng mới, không trùng lắp và có dấu ấn sáng tạo của bản thân. Việc đạo nhái là điều không thể chấp nhận trong môi trường học thuật, lẫn chuyên nghiệp trên thế giới.
Việc phủ nhận những điều này và cho rằng mình chỉ trùng lặp về ý tưởng là sự đánh lạc hướng dư luận.
Có ba yếu tố cơ bản để xác định một tác phẩm có đạo nhái hay không:
1. Một loạt trùng lặp trong cùng tác phẩm (cả về ý tưởng, bố cục, nội dung, các yếu tố/thành tố thiết kế…).
2. Trích ra một phần tác phẩm gốc của người khác và sử dụng như của chính mình.
3. Lấy hoàn toàn tác phẩm của người khác và xem nó như của mình.
Quay trở lại câu chuyện của Maxk Nguyễn, trước việc nhiều người lên tiếng tố đạo nhái, Maxk không đưa ra lời xin lỗi ngay mà khẳng định trên trang cá nhân: "Saigonemoji không bao giờ đạo nhái".
Tiếp theo đó, loạt dẫn chứng về sự tương đồng đến bất ngờ của các tác phẩm trong Saigonemoji với tác giả nước ngoài được đưa ra. Không chỉ cộng đồng thiết kế, sáng tạo mà rất nhiều người hâm mộ, theo dõi Maxk Nguyễn cũng chờ đợi câu trả lời.
Tác phẩm của Maxk Nguyễn vướng phải nghi vấn đạo nhái. |
Đầu tiên, Maxk Nguyễn cho rằng việc các tác phẩm giống nhau là do sự trùng lặp vì cùng theo đuổi phong cách nghệ thuật tối giản (minimalism art). Điều này vấp phải sự phản đối của nhiều người trong nghề, vì đây là lời giải thích chưa hợp lý.
"Nếu bạn google 'minimalism art' sẽ cho ra hàng trăm, hàng nghìn tranh cùng phong cách tối giản này nhưng hoàn toàn khác nhau", họa sĩ Khoa Lê cho hay.
Sau 2 ngày sóng gió, cuối cùng designer trẻ tuổi cũng có lời xin lỗi đến các họa sĩ trên trang cá nhân. Anh cho biết đã liên hệ với các tác giả để xin phép sử dụng và xóa đi những hình ảnh không được sự đồng ý.
9X thừa nhận bản thân đã mắc sai phạm, thiếu chuyên nghiệp khi "không kiểm tra kỹ càng nguồn hình tận gốc, thiếu sót thông tin trao đổi xin trích nguồn (credit) từ tác giả".
Trước đó, họa sĩ thiết kế Đình Điệp từng xin lỗi Pascal Campion vì bìa sách Cô gái Brooklyn giống với tranh của tác giả này đến 80%.
Sau khi Đình Điệp viết thư chân thành xin lỗi và thừa nhận có bị ảnh hưởng, tác giả cũng nhận được phản hồi tích cực từ Pascal.
Pascal chấp nhận lời xin lỗi của Đình Điệp. |
Vụ việc này khiến nhiều người nhớ đến chủ nhân ca khúc Tình thôi xót xa. Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch mới đây bày tỏ sự khâm phục đối với cách xử lý và nhân cách của ông.
"Khi có nghi án anh dùng nhạc của bài Frontier để sáng tác, anh đã nói xin lỗi, vì thực tế giai điệu đó anh đã có nghe qua, thẩm thấu vào người và lúc viết ra mới vô thức giống nhiều đến như vậy. Anh tự kiểm điểm bản thân bằng cách từ bỏ mọi hoạt động nghệ thuật ngay trong giai đoạn mình ở đỉnh cao", nam nhà văn viết.
Năm 2004, Việt Nam gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, khẳng định cho sự tôn trọng bản quyền. Đồng thời góp phần đào thải những cỗ máy photocopy ra khỏi sân chơi dành cho những người sáng tạo.
Việc vi phạm bản quyền, đạo nhái có thể dẫn đến kiện tụng. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính bản thân người tự nhận là designer, artist nên đứng trước tòa án lương tâm và dư luận.
Đạo nhái, dễ dãi trong tác phẩm của mình không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn tác động đến cả cộng đồng designer chân chính.
"Nhưng bạn biết tôi nhìn thấy điều gì không? Tôi nhìn thấy nếu các bạn trẻ ngày nay thoả hiệp với đạo nhái một cách hiển nhiên, như chuyện bình thường ăn cơm uống nước hàng ngày, tới một lúc nào đó, sẽ có người nói với họ rằng: 'Hình như họa sĩ Việt Nam hay đạo tranh lắm đúng không?", họa sĩ Khoa Lê tâm sự.
Một lời xin lỗi chân thành, nhìn nhận lỗi sai luôn được đánh giá cao hơn so với lấp liếm, bao biện. Đặc biệt, trong lĩnh vực sáng tạo, "hào quang vay mượn" chắc chắn sẽ không thể tỏa sáng lâu dài.