Tối 13/10, bà Nguyễn Thu Hà, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết phim Everest: Người tuyết bé nhỏ với cảnh có “đường lưỡi bò” đã bị rút khỏi cụm rạp của CJ-CGV.
Bà Thu Hà xác nhận đã kiểm tra và thấy trailer phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền lãnh thổ biển đảo Việt Nam. Từ việc này, không thể đổ lỗi cho nhà phát hành mà trách nhiệm trước tiên là của Hội đồng thẩm định phim quốc gia và Cục Điện ảnh.
Từ Everest nhìn ngược lại Điệp vụ Biển Đỏ
Everest: Người tuyết bé nhỏ (tựa gốc: Abominable) là phim hoạt hình của hãng DreamWorks Animation hợp tác với Trung Quốc, bối cảnh phim tại Trung Quốc. Phim có lịch phát hành chính thức tại rạp Việt Nam trên hệ thống cụm rạp CJ-CGV từ ngày 4/10 với kinh phí đầu tư khoảng 75 triệu USD.
Theo đó, hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim, 2 cảnh có trong trailer. Còn 2 cảnh trọn vẹn và hiện lên rõ ràng ở đoạn hình ảnh những chiếc trực thăng của ông trùm Burnish tìm thấy người tuyết trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung “căn cứ” bí mật của cô bé, khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra. Trên bản đồ hiện rõ “đường lưỡi bò”.
Đây không phải lần đầu CJ-CGV phát hành phim có thông điệp về lãnh thổ và biên giới trên biển sai lệch và tham vọng của Trung Quốc. Tháng 3/2018, phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng do chính đơn vị này sản xuất đã phát đi thông điệp biển Đông là của Trung Quốc, sau đó phim bị rút khỏi rạp với lý do có quá ít người xem?!
Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ gây tranh cãi. |
Nhắc lại Điệp vụ Biển Đỏ, tối 13/10, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) nói trên truyền thông rằng ông không có hồ sơ về vụ này nên không thể thông tin cụ thể việc có ai bị kỷ luật vì để “lọt” phim có thông điệp nguy hiểm liên quan chủ quyền lãnh thổ biển đảo Việt Nam, dù biết phim đã được 7/11 thành viên trong Hội đồng thẩm định phim quốc gia duyệt trước đó.
Nếu như để “lọt lưới” một lần trước thì có thể nghĩ theo chiều tích cực là bị sót hay vô tình không để ý, bởi hình ảnh quá ngắn, quá nhanh, lại gần cuối phim, mà phim hành động nên gây ức chế thần kinh mệt mỏi, không kịp phát hiện…
Nhưng lần này, hình ảnh cực kỳ rõ ràng, từ trailer, cảnh trong phim không hề “nhanh như chớp” đến mức không thể nhận ra. Phải chăng Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã bỏ sót?
Hội đồng thẩm định phim quốc gia hoạt động như thế nào?
Phải chăng việc thẩm định phim đang có vấn đề ở chính các thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia, trong đó thành viên gọi là trẻ cũng thuộc đầu 6X sang 7X, còn toàn những thành viên có tuổi 4X, trên 5X. Vì thế, ở tuổi tác của mình, họ đã không đủ nhạy cảm, không đủ tinh tường để phát hiện ra vài chục giây bị “cài cắm” tinh vi liên quan đến chủ quyền lãnh thổ biển đảo Việt Nam?
Phải công nhận, phim thật sự hấp dẫn, không chỉ với trẻ em mà người lớn cũng thích vì tình tiết câu chuyện ly kỳ, các kỹ xảo hoạt hình như thật… Phải chăng vì thế mà các thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã bị “lung lạc”, mất cảnh giác, xao nhãng đi vài giây, và cho “lọt lưới” những cảnh đầy ẩn ý vi phạm chủ quyền lãnh thổ biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.
Được biết, 11 thành viên trong Hội đồng đang phải gánh một khối lượng công việc rất lớn, khi mỗi năm có khoảng 200 phim nước ngoài nhập về Việt Nam và khoảng 40 phim Việt được gửi tới thẩm định. Khi phim gửi đến thì trong khoảng thời gian quy định 15 ngày Hội đồng phải hoàn thành thủ tục thẩm định phim để Cục Điện ảnh đồng ý hoặc từ chối cấp giấy phép cho phim phổ biến.
Với số thành viên Hội đồng “hẻo” như thế, độ tuổi ở thang bậc “hưu trí” như thế, có thể thấy thẩm định phim trong thời 4.0 là bất cập, bởi sự phát triển của điện ảnh thế giới (chưa nói tới Việt Nam) là không giới hạn. Thẩm định với một liều lượng dày đặc và dồn dập lại với thành viên tuổi cao, việc bảo đảm không “lọt lưới” xem ra cũng bất khả thi.
Đây là vấn đề chủ quyền lãnh thổ biển đảo, công chúng nóng ruột nên mới ồn ào, còn như các vấn đề khác nữa, liệu có bỏ sót? (Như chuyện thẩm định phim Vợ ba phát hành mà không chú ý đến việc diễn viên 13 tuổi diễn cảnh nhạy cảm vượt quá lứa tuổi theo quy định pháp luật).
Phim Everest: Người tuyết bé nhỏ đã bị rút khỏi các cụm rạp CJ-CGV tại Việt Nam. |
Bà Thu Hà cho biết thêm Cục đã chú ý mời các đạo diễn trẻ tham gia Hội đồng thẩm định, nhưng có người ngồi nửa nhiệm kỳ đã rút vì không có thời gian và đôi khi không đủ... kiên nhẫn.
Thiết nghĩ, từ Điệp vụ Biển Đỏ đến Everest, đã đến lúc Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh nên đưa phương án “thay máu” Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Hội đồng ấy không chỉ cần có kiến thức đa dạng về điện ảnh toàn cầu, mà còn phải trẻ hóa nhân sự để có đủ năng lực thẩm định chính xác, không thể để “lọt lưới” vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia thêm lần nào nữa.