Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự ý dùng thuốc làm tăng nguy cơ đột biến SARS-CoV-2

Việc người dân tự mua thuốc sử dụng gây tình trạng thiếu hụt thuốc thực sự cần cho người bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc, đột biến chủng virus gây Covid-19.

ThS.BS Kim Phúc Thành - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - cho hay Covid-19 đang là mối nguy lớn nhân loại phải đối mặt. Đến nay, thế giới vẫn chưa có vaccine phòng căn bệnh này.

Trong khi đó, thông tin về một số thuốc kháng virus, kháng sinh có thể dùng điều trị Covid-19 đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến tình hình càng thêm phức tạp. Chẳng hạn Chloroquine hoặc dẫn xuất của nó là Hydrochloroquine, được dùng trong điều trị sốt rét hoặc kết hợp điều trị trong xuất huyết giảm tiểu cầu, một số bệnh tự miễn đang bị thiếu hụt do một bộ phận người dân tự mua để dự phòng Covid-19.

"Cần khẳng định rằng hiện chưa có dữ liệu đánh giá hiệu quả của thuốc này trong điều trị hoặc dự phòng Covid-19. Ngoài ra, việc dùng thuốc này quá liều hoặc không đúng cách còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", bác sĩ Thành khẳng định.

Covid-19 kho dieu tri anh 1

Hình ảnh của SARS-CoV-2 trên kính hiển vi phóng đại. Ảnh: CDC/Dr. Fred Murphy.

Phần lớn loại thuốc kháng virus hiện nay đều nhắm vào đích xác các virus, tức là những thành phần cấu tạo nên virus như các enzyme, protein ở bề mặt. Bằng cách tấn công các phần khác nhau của virus, thuốc kháng virus có thể ngăn cản chúng xâm nhập tế bào hoặc can thiệp vào quá trình tự nhân bản của virus.

Thuốc LPV/r trong điều trị HIV và các thuốc kháng virus khác vẫn còn trong quá trình nghiên cứu. Việc người dân tự mua thuốc, tự dùng gây tình trạng thiếu hụt thuốc thực sự cần cho người bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc, nguy cơ đột biến cho chủng virus gây Covid-19.

Kháng sinh lại càng không có tác dụng chống lại virus. Kháng sinh chỉ để sử dụng trong trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng kết hợp. Người dân cũng không nên sử dụng kháng sinh như biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị Covid-19.

Bác sĩ Thành cho biết phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay chủ yếu là giảm triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của người bệnh và điều trị bệnh nền để không làm diễn tiến nặng, khó kiểm soát hơn.

Việc điều trị, kiểm soát tốt bệnh nền cho người mắc Covid-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần người có bệnh nền là lớn tuổi, cơ thể đang ở giai đoạn không có sức chống lại bệnh tật.

Khi các đối tượng này không may mắc Covid-19, việc điều trị đã khó càng thêm khó. Trong đó, các biến chứng phổ biến nhất là suy đa cơ quan, suy hô hấp... dễ dàng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Thành cho rằng thông thường, việc bào chế các loại thuốc mới mất rất nhiều năm để thử nghiệm. Do đó, khi có thuốc, dịch bệnh đã thuyên giảm và không còn là mối đe doạ. Lúc này, một dịch bệnh mới có thể đã xuất hiện.

"Phòng bệnh vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các virus gây bệnh trong cộng đồng. Điều này có nghĩa một phương pháp ứng phó có sự điều phối toàn cầu có thể là một trong những chiến lược tốt nhất để kiểm soát những mầm bệnh này", bác sĩ Thành kết luận.

Chuột thí nghiệm khỏe mạnh - triển vọng vaccine Covid-19 ở Việt Nam

Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine Covid-19 và tiêm trên chuột. Tuy nhiên, để sử dụng trên người cần một quá trình dài hơn.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm