Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự ý xét nghiệm để phòng viêm gan bí ẩn là không cần thiết

Dù không nên chủ quan, việc tự đưa trẻ đi xét nghiệm do lo lắng bệnh viêm gan bí ẩn có thể không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe.

Liên tục trong một tuần qua, sau khi vừa mở màn hình chiếc laptop để chuẩn bị làm việc như mọi ngày, ập vào mắt chị N.V.H. (29 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) là các thông tin về số ca mắc viêm gan bí ẩn tăng cao trên thế giới xuất hiện khắp mặt báo, mạng xã hội.

"Ban đầu, tôi không quá để tâm do viêm gan cũng không phải chứng bệnh xa lạ, lại ở rất xa như Mỹ và Anh. Tuy nhiên, càng gần đây, khi số ca mắc tăng nhanh, các nước gần Việt Nam cũng bắt đầu xuát hiện, thậm chí đã có trường hợp tử vong, tôi mới bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn", chị H. tâm sự.

Chị H. mới quay lại công việc vài tuần sau khi sinh hạ một bé gái được 6 tháng. Thông tin về dịch bệnh mới cùng những lần trò chuyện với đồng nghiệp khiến chị lo lắng hơn từng ngày sau khi trở về nhà và nhìn con.

Người mẹ trẻ nói: "Nhiều người ở công ty của tôi đã đưa con đi khám từ cuối tuần trước để yên tâm hơn. Nếu có vấn đề thì phát hiện sớm vẫn hơn. Tôi cùng chồng cũng đang thu xếp thời gian để đưa bé đi xét nghiệm gan".

Không tự ý xét nghiệm men gan

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với những thông tin có được đến nay, bệnh viêm gan bí ẩn được đánh giá khá nguy hiểm khi nhiều trường hợp diễn biến nặng cùng tỷ lệ trẻ phải ghép gan, thậm chí tử vong cao.

Vị chuyên gia nói: “Tại các quốc gia phát triển, việc ghép gan khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí cho một ca ghép gan khá đắt đỏ và không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn gan để ghép”.

xet nghiem men gan phong viem gan bi an anh 1

Việc tự ý xét nghiệm men gan có thể không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa: Freepik.

Trước tình hình đó, dù Việt Nam chưa xuất hiện ca mắc, chúng ta vẫn cần cẩn trọng và tránh chủ quan do bệnh có thể xâm nhập bất cứ khi nào. Nhất là khi Việt Nam đã bắt đầu mở cửa, thời tiết nóng dần, các dịch bệnh, virus sẽ có điều kiện phát triển.

“Tuy nhiên, các phụ huynh cũng không cần lo lắng thái quá. Việc vội vã tự ý cho trẻ đi xét nghiệm men gan có thể sẽ không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của con. Chính hành động này đôi khi khiến chúng ta bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác”, bác sĩ Huyền cảnh báo.

Theo bác sĩ này, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được nhận chỉ định phù hợp nhất. Trong trường hợp buộc phải xét nghiệm và được bác sĩ chỉ định, việc làm này cần thực hiện ở cơ sở y tế có độ tin cậy về xét nghiệm cao, qua đó cho kết quả chính xác.

Phòng bệnh bằng thói quen đơn giản

Bác sĩ Huyền cho hay theo phần lớn mô tả, trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn có triệu chứng khởi đầu là các vấn đề liên quan đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,... Sau đó vài ngày, trẻ mới có biểu hiện ở gan.

Bởi vậy, nhiều khả năng cơ quan đầu tiên của trẻ bị tấn công là đường tiêu hóa. Đường vào của virus cũng là hệ thống tiêu hóa.

Dù ngành y tế trên thế giới đến nay vẫn chưa thể khẳng định được tác nhân gây bệnh, những suy đoán này phần nào giúp phụ huynh và trẻ nhỏ chủ động hơn trong việc phòng ngừa.

Bác sĩ Huyền nhận định việc vừa phải trải qua đại dịch Covid-19 cũng đã tạo cho chúng ta những thói quen rất tốt như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên,... Những hành động này có thể phòng được các bệnh liên quan cả đường hô hấp và tiêu hóa.

Với trẻ em, vị chuyên gia cho rằng nhóm này cần được tiêm chủng đầy đủ theo chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, đồng thời có chế độ ăn hợp lý, duy trì vận động thể chất ngoài trời, từ đó nâng cao hệ thống miễn dịch.

xet nghiem men gan phong viem gan bi an anh 2

Bệnh viêm gan bí ẩn nhiều khả năng lây lan qua đường tiêu hóa. Ảnh minh họa: Freepik.

Các phụ huynh cũng cần tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn. Bác sĩ Huyền cũng nhấn mạnh cha mẹ phải theo dõi sát trẻ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ cần đưa con tới cơ sở y tế thăm khám ngay.

Một số biểu hiện dễ quan sát để đưa trẻ đi khám là các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn, tiêu chảy,...

“Ở Việt Nam, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa khá nhiều như tiêu chảy do virus Rota hay viêm gan A, viêm gan E,... vẫn tồn tại”, bác sĩ Huyền cho biết thêm.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng nêu ra một số sai lầm của phụ huynh ở những tình huống này.

Cụ thể, cha mẹ tại Việt Nam rất hay để con uống kháng sinh ngay khi trẻ có biểu hiện tiêu chảy. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ nhiễm virus, việc dùng kháng sinh sẽ không phù hợp.

“Khi tiêu chảy, trẻ sẽ mất rất nhiều nước và cần được bù dịch. Tuy nhiên, việc pha Oresol đôi khi cũng không được thực hiện đúng. Pha quá đậm đặc sẽ khiến trẻ bị rối loạn điện giải. Hay việc chỉ bù bằng nước lọc cũng gây rối loạn điện giải”, bác sĩ Hà nói.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo cần tránh dùng thuốc cầm nôn hay cầm tiêu chảy. Nguyên nhân là chúng có thể làm giảm co bóp ruột, khiến bé không thể đi ngoài, gây nguy cơ nhiễm độc trở lại.

Bác sĩ Hà cũng nhấn mạnh việc vệ sinh nguồn nước, đồ chơi, môi trường xung quanh góp vai trò quan trọng trong việc hạn chế tác nhân gây bệnh.

Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ từ CDC Mỹ và WHO.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm