Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần lễ thời trang Việt Nam có đáng để chi hàng triệu USD?

Trước thông tin cho hay, ban tổ chức đã chi hàng chục tỷ đồng cho tuần lễ thời trang, dư luận không khỏi xôn xao và đặt câu hỏi về ý nghĩa của chương trình.

Nếu bạn là một người đam mê thời trang, hoặc giả chỉ biết chút ít về thời trang, chắc chắn bạn cũng đã một lần nghe đến các fashion week đình đám diễn ra thường niên tại 4 kinh đô thời trang lớn trên thế giới - London, Paris, New York và Milan. Bên cạnh đó, mỗi năm hai lần, giới mộ điệu tứ phương lại được dịp mãn nhãn với tuần lễ thời trang cao cấp (Paris Haute Couture). Đây là nơi để các "ông lớn" trong làng mốt như Chanel, Versace, Dior, Giambattista Valli, Elie Saab... trình diễn những bộ sưu tập đẳng cấp.

Khi nền công nghiệp thời trang ngày càng phát triển mạnh, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đứng ra tổ chức những tuần lễ thời trang riêng để mở rộng cơ hội cho các nhà thiết kế trong nước. Chẳng hạn như ở khu vực châu Á, có thể kể đến hai tuần lễ thời trang tiêu biểu - China Fashion Week và Seoul Fashion Week. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là China Fashion Week với lịch sử phát triển hơn 10 năm. Được tổ chức 2 lần mỗi năm tại Bắc Kinh (chia thành hai mùa xuân hè và thu đông), ngoài các nhà thiết kế trong nước, China Fashion Week còn chào đón hơn 300 nhà thiết kế đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Mỹ, Nga, Thụy Điển...

Fashion week là nơi thời trang được tôn vinh một cách đích thực.

Thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho tuần lễ thời trang chuyên nghiệp?

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang trên đà phát triển mạnh về thời trang. Bằng chứng là ngày càng có nhiều show thời trang được tổ chức hàng năm, các lớp học thiết kế, người mẫu được mở rộng và vai trò của nhà thiết kế trong nước cũng được coi trọng hơn.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để thị trường thời trang Việt Nam phát triển chuyên nghiệp. Hiện nay, ngoài những tên tuổi nổi bật như Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, nhiều nhà thiết kế trẻ và tài năng cũng muốn có cơ hội được chứng tỏ cá tính, sắc thái phong phú của mình mà chưa có sân chơi nào thực sự chuyên nghiệp. Mặc dù thời gian gần đây xuất hiện một số show truyền hình thực tế cũng như gameshow về thời trang như Project Runway, Ngôi sao thiết kế Việt Nam... nhưng hầu hết vẫn nằm ở quy mô nhỏ lẻ, công tác truyền thông chưa thực sự mạnh nên chưa thu hút được sự quan tâm của khán giả. Đó là chưa kể đến thời trang trong nước đang đi “chệch quỹ đạo” đối với thời trang quốc tế khi khán giả cũng như truyền thông vẫn quan tâm đến các “chiêu trò” của người mẫu trên sàn catwalk nhiều hơn chất lượng thực sự của các bộ sưu tập.

Hội tụ những điều kiện cung + cầu, cần + đủ ấy, việc cho ra đời tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho cả nhà thiết kế, người mẫu và công chúng có cái nhìn nghiêm túc hơn về nền công nghiệp này. Đây là một tin vui lớn đối với tất cả các tín đồ thời trang trong nước.

NTK Công Trí sẽ diễn mở màn tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.

Chi tiền chục tỷ cho tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam liệu có đáng?

Trên thế giới, chi phí sản xuất những tuần lễ thời trang không hề nhỏ, có khi lên đến vài chục triệu USD, thậm chí cả trăm triệu USD. Chính vì thế, khi một vài nguồn tin tiết lộ về con số hàng chục tỷ đồng mà BTC Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam phải chi cho lần đầu tiên, nhiều người xôn xao, nhưng không ngạc nhiên. Con số "khổng lồ" đó bao gồm chi phí trường quay, địa điểm, âm thanh, ánh sáng, khách mời, chuyên gia, người mẫu… Ban tổ chức bắt buộc phải chi mạnh tay để đạt được những tiêu chí về một tuần lễ thời trang đẳng cấp đúng nghĩa và mang tầm quốc tế. Ngoài ra, việc đổ tiền tỷ sẽ mang lại hiệu quả quan trọng đạt được chính là việc bộ sưu tập của các nhà thiết kế tiếp cận được với các tín đồ thời trang và đối tác kinh doanh tiềm năng. Khi đó, công việc của các NTK và người mẫu sẽ được phát triển và quan tâm đúng mực.

Bà Quỳnh Trang - CEO Multimedia - đơn vị tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam, không muốn bàn về con số thực tế mà công ty phải chi trả cho tuần lễ thời trang diễn ra trong 6 ngày đầu tháng 12, nhưng cho biết, đó là số tiền lớn nhưng Multimedia vẫn chấp nhận làm, kể cả lỗ. "Khi có cơ hội tham dự tuần lễ thời trang ở Mỹ và các nước châu Âu, tôi luôn mơ ước sẽ có một ngày Việt Nam làm được điều đó. Ước mơ đó đã thành sự thật khi chúng tôi đang dốc sức ngày đêm để chuẩn bị cho một tuần lễ thời trang đúng chuẩn quốc tế lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam. Sự đầu tư tốn kém là không thể tránh khỏi, nhưng nó là bước đệm để ngành thời trang Việt Nam phát triển và chuyên nghiệp hơn", bà phát biểu.

Bà Quỳnh Trang - CEO Multimedia - đơn vị tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam, được kết nạp Hiệp hội thời trang cao cấp châu

 

 
Tại Việt Nam, nền công nghiệp thời trang hiện vẫn đang phát triển một cách tự phát. Thời gian gần đây cũng xuất hiện một số show diễn của các NTK hay tạp chí thời trang với mức đầu tư tiền tỷ. Không ít người cho rằng đây là một trong những cách “làm thương hiệu” tốn kém và không thực tế. Tuy nhiên, để làm ra một show thời trang thỏa mãn công chúng, đạt chất lượng về âm thanh, ánh sáng, ý tưởng trình bày, không gian, dàn mẫu trình diễn… số tiền đầu tư không thể nào khiêm tốn hay làm kiểu qua loa đại khái được. Như vậy, mức chi phí triệu đô bỏ ra cho tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam là cần thiết và xứng đáng.

Hy vọng Vietnam International Fashion Week (diễn ra từ 1-6/12, tại Gem Center, TP.HCM) sẽ là sự kiện chuyên nghiệp, nơi thời trang được tôn vinh bằng những giá trị đích thực, chứ không phải bằng chiêu trò hay scandal trên sân khấu, giống như một chương trình tạp kỹ. Nếu làm được điều đó và được duy trì thường niên, tuần lễ thời trang sẽ góp phần đáng kể đưa thời trang Việt phát triển theo đúng quỹ đạo chung của thế giới, thay vì chịu cảnh tụt hậu và “một mình một cõi” như trước đây.

Minh Đức

Bạn có thể quan tâm