Tuấn Ngọc: 'Nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh như bị tẩu hỏa nhập ma'
Nam danh ca khuyến khích người trẻ hát nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng anh vẫn thấy có một số biến tấu theo kiểu khác lạ, kỳ dị.
- Trong sự nghiệp âm nhạc của anh, nhạc Trịnh ở vị thế nào?
- Nghe câu hỏi này tôi mới chợt giật mình, hình như không có lần nào trình diễn tôi không hát nhạc Trịnh Công Sơn. Theo bạn như vậy có ảnh hưởng lớn không? (cười). Có thể nói cuộc đời âm nhạc của tôi mang nợ nhiều nhất là bốn tác giả: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng và Ngô Thụy Miên.
- Anh là một trong những ca sĩ thế hệ đầu tiên hát nhạc Trịnh. So với lớp ca sĩ trẻ bây giờ, anh thấy hai thế hệ hát nhạc Trịnh có điều gì khác nhau?
- Giống như tất cả các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc cũng có tính trào lưu. Vì vậy, hai người ca sĩ của hai thời đại khác nhau lẽ dĩ nhiên phải có cái nhìn không giống nhau về cùng một bài hát.
Tôi lúc nào cũng phải cập nhật kỹ thuật hát của mình. Nghệ thuật ngày nay nói chung chú trọng về hình thức biểu diễn nhiều hơn là về nội dung. Nhìn phim ảnh bây giờ thấy rất rõ điều đó. Nói tóm lại là cũng tùy ở thị hiếu của mỗi người thôi. Không có cái gì là tuyệt đối cả.
Tuấn Ngọc đã bước sang tuổi 55. |
- Anh nghĩ thế nào về những ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo phong cách mới?
- Đó là điều đáng khuyến khích đối với các ca sĩ trẻ. Ở giai đoạn đầu, người nghệ sĩ nào cũng phải ít nhiều bắt chước những người đi trước. Sau đó, họ cần phải cố gắng tìm một hướng đi riêng và đây là bước ngoặt khó khăn nhất trong sự nghiệp của một ca sĩ. Đôi khi có một vài trường hợp "tẩu hỏa nhập ma", thay vì có một phong cách mới lại có một phong cách… kỳ dị!
- Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn sắp tới, được biết anh sẽ song ca với Tùng Dương - một ca sĩ rất cá tính với nhạc dân gian đương đại, trong khi anh lại trữ tình lãng mạn, anh có sợ bị "chỏi" nhau không? Anh hy vọng gì ở màn song ca này?
- Tôi đã nghe Tùng Dương hát nhiều lần. Cậu ấy là một ca sĩ trẻ để lại cho tôi nhiều ấn tượng, nhất là khi nghe cậu hát. Tôi thấy Dương hát bài nào cũng hay và là một ca sĩ rất đa dạng. Khi nghe ban tổ chức đề nghị tiết mục song ca với Tùng Dương, tôi nghĩ đây là một điều thú vị và tôi ngay lập tức nhận lời. Tuy nhiên, chúng tôi phải tập với nhau rất nhiều, lúc đó tôi mới có thể có câu trả lời cho câu hỏi này được.
Không có bí quyết, là may mắn
- Cảm xúc trong những cuộc trở về nước biểu diễn của anh thế nào? Ở tuổi này, hát "sung" có phải là một thách thức?
- Mỗi lần trở về Việt Nam tôi đều thấy rất vui. Vừa có dịp thăm quê hương, lại vừa đi hát và gặp lại những người khán giả của tôi. Chỉ cần nghĩ như vậy là tôi đã thấy "sung".
- Giọng hát và phong cách của anh trên sân khấu vẫn thu hút khán giả như thời anh còn trẻ tuổi, bí quyết nào để anh giữ được sự hấp dẫn riêng đối với công chúng như vậy?
- Tôi cũng phải liên tục cập nhật cách hát để giữ được khán giả, nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ cũng là do may mắn.
Tuy có nhiều năm kinh nghiệm đi hát, nhưng anh vẫn liên tục cập nhật kỹ thuật, cách hát mới. |
- Từ khi trở về Việt Nam diễn lần đầu tiên, đến thời điểm này, anh có quan sát và tìm hiểu nền âm nhạc đại chúng của Việt Nam không? Anh có nhìn thấy ở đó sự chuyển động?
- Tôi thấy âm nhạc Việt đang tiến gần tới tính chuyên nghiệp, nhất là dòng nhạc trẻ. Các ca sĩ trẻ luôn cố gắng để tạo được dấu ấn riêng. Đó là điều đáng khích lệ.
- Anh có theo dõi các giải thưởng âm nhạc của Việt Nam những năm gần đây không? So với Mỹ, anh thấy nó có sự khác nhau ra sao?
- Hàng ngày tôi phải tự học hỏi, trau dồi về âm nhạc nên tôi không có nhiều thời giờ nghiên cứu về nhạc trẻ cũng như các giải thưởng. Đôi khi tôi có coi những chương trình American Idol và The Voice, bây giờ ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tương tự như vậy. Đây là những chương trình rất tốt và là một điều rất may mắn cho những ca sĩ trẻ. Họ vừa có cơ hội học hỏi, nếu có thực tài, chỉ cần một ngày, thậm chí một giờ, họ đã được cả nước biết đến và yêu mến mình.
Theo Thể Thao & Văn hóa