Tục phụ nữ ngồi xích đu xem đánh nhau ở Bali
Lễ hội có một không hai này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa Bali.
Tới “thiên đường du lịch” Bali, Indonesia vào những ngày tháng 5, du khách có cơ hội tham gia một trong những lễ hội tưng bừng và đậm đà bản sắc của người dân miền núi nơi đây. Đó là lễ hội Usaba Sambah, ở ngôi làng Tenganan.
Trong dịp lễ hội này, những người phụ nữ trong làng sẽ mặc trang phục truyền thống rực rỡ nhất của mình tới dự. Những người phụ nữ đã có gia đình đội các lễ vật gồm hoa, quả tới nơi tổ chức lễ hội. Trong khi đó những cô gái trẻ chưa có gia đình phải thực hiện một nghi lễ quan trọng hơn nhiều.
Họ sẽ phải ngồi trên những chiếc xích đu bằng gỗ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khi không có lễ hội, những chiếc xích đu này sẽ được đặt trong ngôi nhà lớn nhất trong vùng.
Để giữ cho những chiếc xích đu này chuyển động liên tục, hai thanh niên nam trai tráng nhất làng được cử ra. Họ phải đu lên cây cột cạnh đó và giữ xích đu luôn quay chỉ bằng cách đẩy chân. Các cô gái sẽ ngồi xích đu khoảng 20 đến 30 phút sau đó xuống và tiếp tục… chuyển sang xích đu khác.
Từ chiếc xích đu này, các cô gái có thể nhìn toàn cảnh các hoạt động bên dưới. Nổi bật nhất là hoạt động của các chàng trai trẻ mặc sarong, tham gia một nghi lễ chiến đấu.
Trong nghi lễ chiến đấu được gọi là makare-kare này, những đấu sĩ sẽ cầm những lá dứa dại và cố gắng đâm vào đối thủ. Mỗi người có một chiếc khiên từ mây, tre. Khá nhiều chàng trai bật máu nhưng họ cho rằng đây là cách để thể hiện chất nam tính trước những người phụ nữ.
Không ai còn nhớ chính xác những nghi lễ độc đáo này đã ra đời từ khi nào và vì lý do gì. Chỉ biết rằng hành động ngồi trên chiếc đu quay liên tục chuyển động sẽ giúp giữ được sự cân bằng, ổn định cho cuộc sống của ngôi làng, thể hiện sự luân chuyển không ngừng của cuộc sống.
Theo Xzone