Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng: 'Thằng oắt con' đương đầu quái nhân

Dám hát âm nhạc của "tứ quái sông Hồng", Tùng Dương được khen là "thằng oắt con" can đảm. Nhưng với concept không dễ thực hiện, đêm nhạc của nam ca sĩ cũng khó đạt đến sự hoàn hảo.

Tùng Dương vẫn được biết đến như một giọng ca “quái dị”, và hẳn nhiên âm nhạc rất kén người nghe. Nhưng với live show Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng, giọng ca Con cò dường như cho thấy điều ngược lại.

Diễn ra tại Hà Nội vào tối 5/6, không phải ngày nghỉ cuối tuần nhưng đêm nhạc đã “cháy vé”, khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô kín đặc không còn một chỗ trống trước khi tấm màn đậm chất hội họa mở ra và đêm nhạc bắt đầu vào lúc 20h20.

Tùng Dương có cách xuất hiện kiểu “cổ điển”, đi từ cánh gà ra sân khấu, cúi người chào khán giả, nói vài câu trước khi cất tiếng hát liên khúc gồm Bay vào ngày xanh - Trên quê hương quan họ - Sắc màu - Ly cà phê Ban Mê.

Đó cũng là những sáng tác tiêu biểu nhất của 4 nhạc sĩ được mệnh danh là “tứ quái” hay “bộ tứ sông Hồng” Dương Thụ - Phó Đức Phương - Trần Tiến - Nguyễn Cường.

Tung Duong hat Bo tu song Hong anh 1
Tùng Dương mở đầu đêm với với Bay vào ngày xanh - Trên quê hương quan họ - Sắc màu - Ly cà phê Ban Mê.

Concept ‘bao nhiêu người từng muốn thực hiện’

Một đêm nhạc với những sáng tác của “bộ tứ sông Hồng” hay một album với 4 tên tuổi Dương Thụ - Phó Đức Phương - Nguyễn Cường - Trần Tiến từng được nhiều nghệ sĩ ấp ủ. Chính nhạc sĩ Dương Thụ cũng đã hơn một lần bày tỏ mong muốn làm sản phẩm chung với 3 người bạn còn lại của mình.

Dù bao người từng mong muốn nhưng tất cả mới dừng ở dự định. Cuối cùng, người thực hiện được concept “bộ tứ sông Hồng” lại là Tùng Dương trong một quyết tâm đầy táo bạo, và rõ ràng không hề dễ thực hiện.

Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến có thể xem là những người cùng thời, những tên tuổi gạo cội của âm nhạc đương đại. Nhưng mỗi người là một màu sắc, một cá tính âm nhạc.

Một Dương Thụ lãng mạn, dịu dàng; một Phó Đức Phương cuồn cuộn, dữ dội; một Nguyễn Cường cuồng nhiệt, thoát thai từ dân ca và người “em út” Trần Tiến tự sự, đậm chất du ca.

Việc phác họa bốn chân dung chẳng những không giống nhau mà còn quá nhiều khác biệt ấy trong một đêm nhạc là áp lực đối với bất cứ ca sĩ nào.

Thế nên, trên chính sân khấu live show, khi đêm nhạc đã đi được non nửa, Bằng Kiều thừa nhận là chưa bao giờ run như thế, còn Tùng Dương thành thật “bốn tráng sĩ sông Hồng ngồi dưới cũng khó tính lắm, tôi và Bằng Kiều chỉ là hai thằng oắt con trước các chú, các bố”.

15 năm ca hát, Tùng Dương vẫn nhận mình là “thằng oắt con” giữa các bậc cha chú. Thế nhưng, “thằng oắt con” ấy đã thực sự thuyết phục được tai nghe của không chỉ 4 nhạc sĩ khó tính mà còn của hơn 1.000 khán giả phía dưới sân khấu.

Giọng ca sinh năm 1983 đầy biến báo trong giọng hát dù phải hóa thân vào nhiều tính cách âm nhạc khác nhau. Khi to, khi nhỏ; khi trầm, khi bổng. Lúc đĩnh đạc, sừng sững như một ngọn núi cao; lúc lại thủ thỉ, tâm tình, ngọt ngào như lời ru nhỏ nhẹ.

Tùng Dương thể hiện một loạt các sáng tác tiêu biểu nhất của “bộ tứ sông Hồng”, với Trần Tiến là Quê nhà, Nguyễn Cường là Thênh thênh oh ơi, Phó Đức Phương là Một thoáng Tây hồ và với Dương Thụ là Bóng tối ly cà phê.

Đáng khen là dù không phải người đầu tiên thể hiện nhưng Tùng Dương với sự hỗ trợ đắc lực của Thanh Phương đã mang được hơi thở vào không ít ca khúc vốn đóng đinh với những giọng ca khác.

Dường như nam ca sĩ còn đẩy cốt tủy của một số ca khúc lên đến tận cùng để người nghe có cảm thụ rõ nhất sự khác biệt của bốn màu sắc âm nhạc trong bộ tứ sông Hồng.

Phó Đức Phương vốn hư ảo qua cách xử lý ca khúc của Tùng Dương, sự hư ảo đẩy lên tận cùng. Và cùng bằng cách ấy, sự thầm kín, cô đơn của Dương Thụ, sự tự do của Nguyễn Cường và chất lãng du của Trần Tiến gần như rõ chất hơn trước tai nghe của khán giả.

Tung Duong hat Bo tu song Hong anh 2
Tùng Dương và bộ tứ sông Hồng: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.

Tiết chế để hoàn thành vai trò chuyên chở

Tùng Dương không hiện lên như chủ nhân của âm nhạc. Thay vào đó, ca sĩ đóng vai trò người chuyên chở. Không khó để nhận ra, với nhiều ca khúc giọng ca Con cò đã tiết chế cái tôi cá nhân để không làm thay đổi sắc diện âm nhạc của bài hát.

Hát tới trên dưới 20 ca khúc trong đêm nhạc, bao gồm cả solo và song ca với khách mời nhưng divo nhạc Việt không tỏ ra đuối sức. Thay vào đó càng về cuối, Tùng Dương lại càng tràn trề năng lượng, những nốt nhạc căng tràn từ huyết quản, không ít lần khiến người xem phải sởn da gà.

So với những live show trước đây của nam nghệ sĩ, Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng có thể được đánh giá là đại chúng, dễ nghe, và tất nhiên không đặt nặng về yếu tố sáng tạo.

Đêm nhạc được ghi nhận trước hết về khía cạnh concept và sự nỗ lực cá nhân trong việc làm một chương trình mang tính chất tôn vinh. Ở đó, những đóng góp của thế hệ nhạc sĩ kiến tạo nhạc nhẹ đậm chất Việt như Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường được tái hiện.

Thế nhưng, công tâm mà nói, live show của Tùng Dương chưa đạt đến mức hoàn hảo. Nửa đầu chương trình bị lê thê, thiếu cao trào và điểm nhấn. Vì có 4 nhạc sĩ trong đêm nhạc, Tùng Dương bị tham ca khúc, khiến thời lượng của chương trình bị dài đến mức không cần thiết.

Tung Duong hat Bo tu song Hong anh 3
Tùng Dương gây ấn tượng khi thể hiện những ca khúc như Bóng tối ly cà phê, Trên đỉnh Phù Vân, Bi ca Trọng Thủy.

Tùng Dương hấp dẫn khi thật là mình

Chương trình thực sự hấp dẫn khi Tùng Dương cất tiếng hát Một thoáng Tây Hồ, Hà Nội tôi và đặc biệt là Bóng tối ly cà phê. Nam ca sĩ khẳng định được sở trường với jazz khiến người nghe bị hút hồn, đê mê như thể đang được thưởng thức một ly cà phê thực sự.

Đến Mái đình làng biển, Bi ca Trọng Thủy, Hò biển, Trên đỉnh Phù Vân, đêm nhạc thực sự bùng nổ. Tùng Dương tháo bỏ bộ đồ lịch lãm để trở về đúng chất “điên” và quái dị của mình. Khi đó, Tùng Dương mới đúng thật là mình và khiến khán giả hưng phấn.

Thực tế, nửa đầu đêm nhạc đuối và nửa sau bùng nổ là chu trình quen thuộc trong những đêm nhạc của Tùng Dương. Đó có thể là cũng một trong những cách tạo những nấc thang cảm xúc cho khán giả dù không hẳn trường hợp nào cũng... hợp lý.

Một điểm trừ nữa trong đêm nhạc Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng là thiết kế sân khấu. So với chất lượng âm nhạc, hình hài sân khấu tỏ ra không tương xứng.

Những màn hình LED không có nhiều tác dụng với cách bài trí sân khấu vừa đơn giản vừa không có nhiều ẩn ý. Một vài màn múa phụ họa tỏ ra lạc lõng vì không ăn nhập với nội dung ca từ của bài hát.

Đêm nhạc kết thúc vào lúc gần 12h với màn kết hợp của Tùng Dương - Bằng Kiều - Hà Trần trong liên khúc Hồ trên núi (Phó Đức Phương) - Nét ca trù ngày xuân (Nguyễn Cường) - Đánh thức tầm xuân (Dương Thụ) - Mặt trời bé con (Trần Tiến).

Kết thúc đêm nhạc, trong dòng người bước ra khỏi khán phòng, Thúy Trang (25 tuổi) khoác tay mẹ - cô Minh Dung (50 tuổi). Cả hai mẹ con nữ khán giả vẫn thì thầm ngân nga “Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi, còn đâu/ Trời mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ vẫn đợi”.

Khi được đề nghị nhận xét về đêm nhạc, Trang cho biết: “Mẹ mình rất thích Tùng Dương, bốn nhạc sĩ và đặc biệt là nhạc sĩ Trần Tiến. Gần như đêm nhạc nào của nhạc sĩ Trần Tiến ở Hà Nội mẹ mình cũng đi. Đêm nhạc có rất nhiều bài hát hay, khi Tùng Dương và Bằng Kiều hát Sao em nỡ vội lấy chồng, mẹ mình đã khóc".

Tùng Dương khóc, Bằng Kiều run khi hát nhạc của 'tứ quái sông Hồng'

Bằng Kiều cho biết anh luôn bình tĩnh khi hát trong live show của mình, nhưng khi làm khách mời trong "Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng", nam ca sĩ lại "run từ cánh gà run ra".




Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm