- Trong thời gian gần đây, các nghệ sĩ đều tham gia các dự án âm nhạc cộng đồng hướng về biển đảo. Riêng anh vẫn bình chân như vại. Anh có dự định gì cho riêng mình?
- Mỗi người có một sứ mệnh. Những người nghệ sĩ không thể bồng súng trên vai thì dùng âm nhạc chiến đấu, dùng lời ca tiếng hát kêu gọi tinh thần yêu nước của mọi người. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức một đêm nhạc mang tên Tình ca với những bài hát đi cùng năm tháng. Phần đầu chương trình tôi sẽ hát Màu hoa đỏ, Áo mùa đông, Bài ca hy vọng... Phần giữa sẽ là những ca khúc về cha mẹ và tình yêu đôi lứa. Phần cuối nhắc một chút đến những tác phẩm trong dự án Độc đạo. Trong chương trình, tôi sẽ có phần song ca cùng Trọng Tấn trong ca khúc Nơi đảo xa. Sau chương trình, tôi dự định ra Trường Sa làm một buổi biểu diễn gần gũi, ấm cúng với anh em chiến sĩ. Bên cạnh đó, tôi cũng có những hoạt động đóng góp thiết thực bằng vật chất từ doanh thu của liveshow.
Tùng Dương đang viết bản tình ca cho riêng mình. Bạn gái anh hiện ở nước ngoài nhưng Tùng Dương quan niệm, tình yêu là đám lửa, sự xa cách là cơn giớ, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ, thổi bùng ngọn lửa lớn. |
- Trọng Tấn là giọng ca hàng đầu về nhạc đỏ, “Nơi đảo xa” cũng là ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện thành công. Khi mạo hiểm song ca cùng Trọng Tấn, anh có sự chuẩn bị gì?
- Tôi chẳng thấy có gì mạo hiểm. Tôi và Trọng Tấn đều học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, kỹ thuật không có gì phải so bì. Trọng Tấn nghiêng về cách hát truyền thống trong khi Tùng Dương nghiêng về nhạc nhẹ. Chuyện Tùng Dương kết hợp Trọng Tấn dù sao cũng dễ đoán hơn Tùng Dương kết hợp với… Xuân Hinh, đúng không?
Quan trọng là làm thế nào để bài hát thực sự thăng hoa, chạm tới tâm khảm của mọi người, không phải kết hợp để so giọng người này hay hơn người kia vì mỗi người có một màu sắc khác nhau, con đường âm nhạc khác nhau. Tôi chọn hát với những người có kinh nghiệm nhất định. Tôi chưa tìm được nghệ sĩ trẻ nào phù hợp đứng cùng mình.
- Thời gian gần đây, những cuộc thi âm nhạc thay nhau nổ ra, những người chiến thắng nhận được sự tung hô từ chương trình và khán giả. Tại sao anh lại nói không tìm được bạn đường trẻ tuổi?
- Không phải vì họ không đủ tiêu chuẩn, có người hát rất tốt, nhưng họ thiếu đi tính lặng để chế ngự mình. Các bạn trẻ ngày nay có quá nhiều cơ hội, ngay các tài năng nhí cũng có những chương trình như The Voice Kids để thi thố, lại được đào tạo bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp nên con đường đi rất dễ dàng. Tuy nhiên nếu không luyện tập trau dồi, lao vào thử thách thì không thể thành tài. Có những người sau một đêm nổi tiếng nhưng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Các chương trình truyền hình thực tế chỉ mang giá trị giải trí nhất thời, vì thế nhiều người mất hút sau khi được tôn vinh là chuyện không khó đoán.
Anh đã từ chối làm giám khảo The Voice mùa đầu tiên. |
- Truyền hình thực tế đang làm mưa làm gió trên truyền hình. Vì đâu anh lại không đánh giá cao loại hình này?
- Truyền hình thực tế vẫn có mặt tích cực nhưng vì mang tính giải trí nên nhiều giá trị bị đảo lộn. Khán giả bình chọn theo tiêu chí hấp dẫn số đông chứ không phải yếu tố nghệ thuật. Nhà sản xuất có quá nhiều chiêu trò tạo ra để thu hút khán giả và thật tội cho những thí sinh bị cuốn vào đó. Đó chính là mặt trái của truyền hình thực tế.
Vì những lý do khác nhau, các nghệ sĩ nhận lời làm giám khảo truyền hình thực tế. Tuy nhiên có người vẫn giữ được cá tính của mình, có những người bắt buộc phải chịu thua, không còn lựa chọn nào khác mà phải thỏa hiệp. Khi bạn chấm một người là truyền hình đang chấm bạn, khán giả đang phán xét bạn. Không chỉ thí sinh mà giám khảo cũng bị ném đá, và càng vậy chương trình lại càng hot. Vì thế giá trị truyền hình thực tế không như ban đầu. Tôi hay xem American Idol, tôi thấy nó rất hấp dẫn và không nhiều chiêu trò. Nhưng khi về đến Việt Nam thì các chương trình này lại bị thay đổi khá nhiều.
- Anh từng từ chối ngồi ghế nóng The Voice để làm giám khảo Sao Mai điểm hẹn. Nhưng so về sự hấp dẫn thì cuộc thi anh chọn lép vế hơn nhiều các chương trình truyền hình thực tế. Cảm giác của anh ra sao?
- Bản thân tôi luôn biết ơn Sao Mai điểm hẹn bởi đó là cuộc thi giúp tôi trưởng thành. Các chương trình khác khai thác tính thực tế cho số đông công chúng nên có những chuyện nằm ngoài âm nhạc. Sao Mai điểm hẹn mang tính kinh viện, ít chiêu trò. Bản thân tôi cũng chẳng có chiêu trò gì ngoài âm nhạc. Tôi không muốn lên truyền hình khoe áo đẹp, xe sang, ai thích Tùng Dương thì tự tìm hiểu thôi. Khi tôi từ chối The Voice, mọi người lạ lẫm lắm. Nhưng tôi không lung lay. Tôi hiểu rằng không thể qua một cuộc thi chúng ta trở thành huấn luyện viên giỏi, đó chỉ là cuộc thử sức của người nghệ sĩ mà thôi. Muốn dìu dắt các em phải có quá trình dài, không phải là bỗng chốc thành thầy cô giáo với bầy đàn của họ. Tôi không thuộc nhóm nghệ sĩ thích kết bè phái.
Sau Tình ca, Tùng Dương tiếp tục mang Độc đạo sang Nhật biểu diễn. |
- Anh nghĩ sao khi nhiều gương mặt cũng trưởng thành từ Sao Mai điểm hẹn như anh nhưng vẫn phải tìm đến các cuộc thi truyền hình thực tế để tìm cơ hội nổi tiếng? Đông Hùng, Thu Phượng, Nhật Thu, Hà Linh… chẳng hạn.
- Thời tôi chỉ có Sao Mai, những năm gần đây các cuộc thi mọc lên như nấm. Điều đó khiến các ca sĩ trẻ bị phân tán. Bản thân Sao Mai đã đến lúc cần có sự thay đổi nếu muốn tồn tại, hấp dẫn thí sinh và khán giả.
Các ca sĩ sau khi đã tham dự Sao Mai vẫn tiếp tục đi thi các cuộc thi khác là lựa chọn riêng của họ. Cá nhân tôi thì cho rằng, nếu các bạn chịu khó đầu tư vào sản phẩm, các bạn sẽ thành công. Tham gia vào càng nhiều cuộc thi nhưng không đoạt giải càng làm hình ảnh các bạn thụt lùi trong mắt công chúng. Điều dễ nhận thấy ở các bạn trẻ là họ tham lam nhiều thứ nên ít nhiều bị ảnh hưởng tới con đường đi. Các bạn mải chăm chút vẻ bề ngoài mà quên đi lõi trong khi lõi mới là thứ mà khán giả trông chờ ở họ. Tôi đánh giá cao Vũ Thắng Lợi, Vũ Cát Tường, nhưng tiếc là những người như thế không nhiều. Hầu như họ mới chỉ quan tâm tới doanh thu mà không có thông điệp âm nhạc riêng. Có người vừa muốn mưu sinh, vừa muốn nghệ thuật thì tròng trành giữa hai dòng nước, rất dễ rơi.
- Các chương trình của anh đều bán vé cao, chẳng nhẽ anh không quan tâm tới doanh thu?
- Nếu chú ý tới doanh thu không khi nào Tùng Dương có Độc đạo, Li ti. Ngay cả Tình ca lần này tôi cũng làm mà không có tài trợ và gặp rất nhiều khó khăn. Đó cũng đã có thể xem là một sự cống hiến.
- Anh đang ngầm tự hào về kỷ lục 8 lần đoạt cúp Cống hiến?
- Tôi đã lao động miệt mài 5 năm liên tiếp. Giải thưởng không phải điều duy nhất đo mức độ cống hiến của người nghệ sĩ, tuy nhiên nó là sự kích thích sáng tạo và là áp lực bắt người nghệ sĩ phải luôn có sự mới mẻ. Nó là sự ghi nhận cho nỗ lực cả một năm trời chứ không phải đơn giản tỉnh dậy sau một đêm và thấy chiếc cup nằm bên gối. Có nghệ sĩ sau một lần đoạt cup tuyên bố rút lui để nhường cho thế hệ trẻ. Riêng tôi thì nghĩ khác. Tôi không quan trọng giải thưởng nhưng tôi cần sự ghi nhận của mọi người với sáng tạo của mình. Tôi cũng mong chờ các nghệ sĩ trẻ tiếm ngôi, vì nỗ lực của họ chính là chất kích thích với những người như tôi.
- Mùa cống hiến thứ 9 vừa qua, anh đoạt hai cup trong khi thần tượng của anh cũng là người hỗ trợ anh nhiều nhất trong dự án "Độc đạo" - Nguyên Lê - lại chiến bại ở hạng mục Nhạc sĩ của năm. Anh cảm thấy thế nào về điều này?
- Grammy còn có gu riêng nữa là Cống hiến. Anh Nguyên Lê đã miệt mài cống hiến nhiều năm nay nhưng có thể anh sống ở nước ngoài nhiều, gu của anh khác so với thị hiếu số đông. Việc anh có tên trong bảng đề cử đã là một sự ghi nhận cho sự quay lại của anh với âm nhạc Việt Nam. Cá tính âm nhạc của Nguyên Lê rất mạnh. Tuy anh không được giải cá nhân nhưng anh đã góp phần vào việc giúp Tùng Dương nhận giải Chương trình của năm cho Độc đạo. Tôi đã gửi một con chim (biểu tượng của giải Cống hiến) sang Pháp cho Nguyên Lê. Anh ấy rất vui vì điều đó.