Cái hay của Tùng Dương là luôn đem lại cho khán giả cảm giác mới mẻ mỗi khi anh ra một sản phẩm âm nhạc hay tổ chức liveshow. Đó không đơn thuần chỉ là sự mới mẻ do Tùng Dương luôn tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật, mà còn là nét cuốn hút rất riêng của chàng Trương Chi 8X. Những yếu tố này cộng hưởng với nhau, khiến khán giả vẫn muốn hiểu thêm, vẫn luôn tò mò, và rồi buộc lòng phải tới xem anh sẽ thể hiện thế nào trong liveshow của mình. Đây có lẽ là một phần giúp cho liveshow nào của Tùng Dương cũng cháy vé. Khán phòng kín chỗ dù anh đã chuyển sang tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu Nghị để có thể đón tiếp nhiều khán giả hơn địa điểm Nhà Hát Lớn quen thuộc. Ở Dương, người ta chưa bao giờ thôi bất ngờ về một giọng hát ma mị mà cũng rất đỗi tình, tự nó có một sức hút kỳ lạ, cuốn hút người nghe đi đến nốt nhạc cuối cùng.
Tùng Dương lịch lãm trong đêm nhạc diễn ra tối 8/6 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội. |
Trong đêm nhạc Tình ca 1 tổ chức vào tháng 9/2012, tình ca quê hương chỉ điểm xuyết qua bài hát Bên dòng sông Cái (Phó Đức Phương). Nhưng ở đêm nhạc Tình ca 2, tình yêu dành cho dải đất hình chữ S được Tùng Dương nâng lên thành điểm nhấn chính trong bối cảnh sự kiện Biển Đông đang nóng lên từng ngày. Một tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc nhất là màn song ca giữa Tùng Dương và Trọng Tấn với ca khúc Nơi đảo xa. Lần đầu tiên song ca cùng Trọng Tấn, Tùng Dương không tỏ ra lép vế trước ca sĩ đàn anh vốn gắn liền tên tuổi với dòng nhạc chính thống. Trái lại, cả hai hòa quyện ăn ý dù đều sở hữu giọng tenor, một người theo dòng semi-classical (bán cổ điển) còn người kia trung thành với cách hát nhạc nhẹ.
Sáng tác của nhạc sĩ Thế Song cũng được phối lại, vừa có cái trữ tình, mộc mạc quen thuộc của Trọng Tấn, vừa hào sảng, trẻ trung của lớp thế hệ đi sau. Phần bè kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, người này tâng người kia lên, biến cảm xúc trong bài hát lúc thì cuộn dâng mạnh mẽ, khi lại êm đềm như những phút giây lắng lòng của người lính biển đảo hướng về đất liền. Tiết mục do Tùng Dương và Trọng Tấn chuẩn bị kỹ càng cho đêm liveshow được khán giả đón nhận nhiệt tình bằng tràng pháo tay không dứt. Kết thúc ca khúc, Tùng Dương bộc bạch: "Tuy hai anh em không được vạm vỡ cho lắm, nhưng nếu đất nước cần thì cả hai sẵn sàng có mặt".
Tùng Dương có những màn song ca ấn tượng với Trọng Tấn. |
Ngoài ca khúc Nơi đảo xa, phần song ca giữa Tùng Dương và Trọng Tấn mang tới nhiều thú vị xen lẫn bất ngờ. Khán giả thích thú nghe hai nam ca sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau hát ru không kém phần ngọt ngào trong một ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Mẹ yêu con - vốn được "đóng đinh" dành cho các giọng soprano. Sau đó, cả hai lại ngẫu hứng đổi bài tủ cho nhau. Trong khi Tùng Dương mang giọng hát liêu trai đặc trưng vào ca khúc Tiếng đàn bầu, thì Trọng Tấn cũng ru lòng người nghe bằng tình cảm quê hương dạt dào trong Quê nhà (Trần Tiến) - một ca khúc góp phần làm nên danh tiếng cho Tùng Dương.
Nếu như cặp song ca Tùng Dương - Trọng Tấn tạo nên sự hòa quyện dù phong cách đối lập, thì ở Mỹ Linh - Tùng Dương dường như lại thiếu sự ăn ý nối kết hai giọng ca cách nhau 18 tuổi. Không thể phủ nhận, cả Tùng Dương hay diva nhạc nhẹ đều sở hữu chất giọng đẹp, nhưng khi kết hợp trong ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến lại chưa mang tới nhiều cảm xúc. Nhiều khán giả kỳ vọng, ca khúc từng làm nên tên tuổi của Mỹ Linh vào thập niên 1990 sẽ được tái hiện và làm sống lại những xúc động một thời. Tuy vậy, tiết mục này chỉ dừng lại ở mức độ tương đối, chưa thực sự đặc sắc nếu không muốn nói là có phần nhạt nhòa. Trong các ca khúc tiếp theo là Mong anh về và Gửi anh, Mỹ Linh làm tốt vai trò ca sĩ khách mời của mình.
Mỹ Linh - Tùng Dương chưa có sự kết hợp ăn ý trên sân khấu. |
Bên cạnh phần song ca cùng hai ca sĩ đàn anh, đàn chị, Tùng Dương thỏa sức khoe giọng hát bản năng của mình trong các màn biểu diễn solo. Anh hát các ca khúc về đề tài quê hương, đất nước như Ôi quê tôi, Quê nhà, cho đến ca khúc da vàng Xin cho tôi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nồng nàn mà da diết. Ở ngưỡng tuổi 30, nam ca sĩ thừa nhận mình mới đủ chín chắn và trải nghiệm để hát các ca khúc này một cách thấm thía nhất.
Trước sự cổ vũ nhiệt thành, Tùng Dương say mê đưa khán giả trải qua đầy đủ các cung bậc yêu thương, từ tình mẫu tử thiêng liêng (Mẹ tôi) tới tình yêu đôi lứa lãng mạn (Cho tháng 6 của em trở về). Tình yêu bao trùm vạn vật khắp bốn mùa, từ mùa hạ (Kỷ niệm đêm hè, Chiều trên bến cảng) sang thu (Mùa thu cho em), từ đông (Áo mùa đông) qua xuân (Em nghĩ gì khi mùa xuân tới). Đêm nhạc lần này cũng là dịp để Tùng Dương tri ân các nhạc sĩ mà anh từng gắn bó qua những sáng tác để đời: Ru ta ngậm ngùi, Ru đời đi nhé (Trịnh Công Sơn), Mùa hoa đỏ (Thuận Yến), Ngậm ngùi (Phạm Duy).
Đêm nhạc kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng Tùng Dương hát không biết mệt mỏi, anh chỉ vào cánh gà nghỉ ngơi ít phút trong khi chờ hai ca sĩ khách mời - Trọng Tấn và Mỹ Linh - biểu diễn xong tiết mục đơn ca. Nhìn dáng vẻ trầm ngâm của nam ca sĩ khi nhập tâm vào ca khúc, đến lúc trút cột hơi căng, đầy vào những đoạn ngân dài, khán giả cũng có những cách thưởng thức cho riêng mình. Người thì nhắm mắt ru mình theo lời ca, tiếng hát, số khác lại vỗ tay tán thưởng, hoặc lẩm nhẩm hát theo người nghệ sĩ mà họ yêu mến. Nhiều người thường nói, mỗi lần Tùng Dương lên sân khấu là anh lại hát như nhập đồng. Còn với giọng ca sinh năm 1983, anh chỉ biết cống hiến hết sức mình cho khán giả, đổi lại, niềm vui của anh là thấy khán phòng kín chỗ, đủ để biết tình yêu thương mà mọi người dành cho vẫn luôn đong đầy.