Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi của nữ sát thủ Duyên là bao nhiêu?

Nếu chấp nhận kết quả giám định, nữ sát thủ có thể bị phạt 18 năm tù; nếu chấp nhận giấy tờ hộ tịch, người này sẽ thoát tội.

Liên quan đến vụ án oan ở Sóc Trăng, trong hồ sơ vụ án có hai kết quả giám định kết luận khi gây án Duyên đã hơn 17 tuổi. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã không dựa vào kết quả này mà lại căn cứ vào giấy tờ hộ tịch và lời khai của các nhân chứng để xác định khi gây án Duyên chưa đủ 14 tuổi. Từ đó, cơ quan tố tụng không xử lý hình sự mà chuyển hồ sơ đưa nữ sát thủ này vào trường giáo dưỡng.

Đề cập vấn đề này có nhiều ý kiến bàn luận, trong đó tập trung vào hai luồng quan điểm đối lập nhau.

Cơ quan tố tụng đúng

Tôi cho rằng nếu có sự mâu thuẫn trong xác định chứng cứ (trong vụ này là khác nhau về độ tuổi) thì cơ quan tố tụng phải lựa chọn chứng cứ nào có lợi cho người bị buộc tội. Bởi trong tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh là của cơ quan tố tụng, hay nói cách khác là trách nhiệm của Nhà nước với công dân chứ không phải hai công dân với nhau. Kết quả giám định chỉ được ưu tiên áp dụng khi không có hoặc có mâu thuẫn về giấy tờ hộ tịch. Trong khi trường hợp này các loại giấy tờ khớp nhau và lời khai của các nhân chứng cũng khẳng định thời điểm Duyên sinh ra phù hợp với giấy tờ trên.

Mặt khác, suy cho cùng thì hai cách giải quyết của hai cơ quan tố tụng trong vụ án này không mâu thuẫn nhau, vì nó đều có lợi cho người bị buộc tội. Ở vụ án trước, Duyên là bị hại và phải chịu bất lợi (người bị tố cáo có lợi), ở vụ án sau khi Duyên là thủ phạm thì Duyên cũng được hưởng lợi (dù nạn nhân bất lợi).

TS Võ Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên khi thực nghiệm lại hiện trường vụ án.
Hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên khi thực nghiệm lại hiện trường vụ án.

 

Không gì phủ nhận được giấy tờ

Tôi đồng ý với một số ý kiến cho rằng không có gì phủ nhận được giá trị pháp lý của các giấy tờ hộ tịch, vì vậy phải căn cứ vào đây để kết luận mới chính xác. Thực tế thì khi xác lập một loại giấy tờ nào đó, các cơ quan tư pháp hộ tịch cũng đã phải trải qua các bước kiểm tra cần thiết để sao cho chính xác nhất. Vì vậy, giá trị của các loại giấy tờ này như một chứng cứ hiển nhiên, chỉ khi thu thập mà chúng mâu thuẫn nhau thì mới cần kiểm tra lại. Nếu mặc nhiên phủ nhận giá trị của chúng thì quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng sẽ rất vất vả vì phải trải qua nhiều bước chứng minh. Hơn nữa, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ theo hướng phải ưu tiên sử dụng giấy tờ hộ tịch trong việc xác định tuổi nếu nó không mâu thuẫn nhau. Kết luận giám định là cơ sở khoa học nhưng không được ưu tiên lựa chọn mà chỉ căn cứ vào đó khi không còn cơ sở nào khác.

KSV Nguyễn Kim Tiếng, Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM

Giám định chưa chắc đã chính xác

Dù kết quả giám định của hai tổ chức giám định phù hợp nhau về độ tuổi nhưng chưa chắc đã chính xác. Sự phát triển thể chất của trẻ hiện nay phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng và sự đột biến trong cơ thể của trẻ, có thể còn nhỏ nhưng xương cốt phát triển rất nhanh, tương đương với người trưởng thành. Tất nhiên, giám định phải dựa vào sự phân tích của máy móc với phương pháp định sẵn nhưng suy cho cùng máy móc cũng do con người tạo ra và sẽ có sai sót và mâu thuẫn. Trước đây báo chí đã từng thông tin vụ án “Vừa là cha, vừa là ông ngoại” ở một tỉnh miền Tây cho thấy rất nhiều kết quả giám định khác nhau, mâu thuẫn nhau. Đây là một sự so sánh có thể khập khiễng nhưng tôi cho rằng không thể tin tưởng hoàn toàn vào kết quả giám định được.

Chúng ta cũng không thể dựa hoàn toàn vào giấy tờ pháp lý hộ tịch nhưng nếu nó phù hợp với các chứng cứ khác như lời khai của người nuôi dưỡng, người cùng sinh sống ở địa phương (như cơ quan tố tụng Sóc Trăng đã làm) thì lúc đó vẫn có cơ sở dựa vào. Cuối cùng, tôi cho rằng việc xử lý hung thủ Duyên trong vụ này phù hợp với tố tụng.

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

Trưng cầu lại ở cấp cao hơn

Theo tôi, trong vụ này cần phải trưng cầu giám định lại ở một tổ chức giám định cao hơn. Hồ sơ đã có kết quả giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang (tài liệu tham khảo) và kết luận của Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) thì cơ quan tố tụng có thể trưng cầu ở Viện Pháp y Quốc gia. Thậm chí nếu cần thiết có thể triệu tập một hội đồng giám định độc lập gồm các chuyên gia đầu ngành về giám định độ tuổi để xác định rõ độ tuổi thực sự của Duyên.

Suy đoán theo hướng có lợi cho người bị buộc tội là một nguyên tắc đúng đắn và tiến bộ trong Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ được áp dụng trong trường hợp không còn cách nào giải quyết các mâu thuẫn về mặt chứng cứ nữa. Quan điểm của tôi là nếu còn cách thì bằng mọi cách phải hóa giải được tất cả các mâu thuẫn về mặt chứng cứ trong việc giải quyết vụ án. Khi nào không thể làm gì thêm thì mới áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can/bị cáo.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Phải tin vào khoa học

Thứ nhất, do hoàn cảnh điều kiện cuộc sống nên việc làm giấy khai sinh ở các vùng quê nói chung chưa được chú trọng nên độ chính xác không cao. Trong vụ này, hung thủ Duyên cũng được đưa đi khai sinh trễ hạn hơn một năm (giấy khai sinh thể hiện Duyên sinh năm 2000 nhưng được làm vào năm 2001) và người đi khai cũng không xuất trình được giấy chứng sinh. Các loại giấy tờ sau này như sổ hộ khẩu, học bạ cũng căn cứ vào giấy khai sinh này. Vì thế, dù chúng không mâu thuẫn nhau nhưng không ai kiểm chứng được độ chính xác của những giấy tờ trên. Trong khi đó, kết luận giám định là chứng có giá trị về mặt khoa học, được xác định trên sự phân tích của máy móc bằng phương pháp đã được công nhận nên nó sẽ thuyết phục hơn. Không phải ngẫu nhiên mà hai kết luận giám định của hai tổ chức khác nhau ở hai thời điểm khác nhau lại có sự trùng hợp về độ tuổi. Vì vậy, có cơ sở để tin vào kết luận này hơn là các giấy tờ hộ tịch.

Thứ hai, vụ này không phải là có áp dụng suy đoán vô tội hay không mà là vấn đề chứng minh đã đầy đủ hay chưa. Theo tôi, trong khi có sự đối lập thì cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định lại cho ra sự thật chứ không thể sớm đưa ra kết luận cảm tính được.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Nên thận trọng

Giấy chứng sinh của cơ sở y tế là một tài liệu quan trọng nhất trong việc xác định độ tuổi vì nó được ghi nhận ngay sau khi đứa trẻ sinh ra. Nó ghi nhận trung thực sự kiện pháp lý mà hầu như không chịu tác động của ai, khác với việc khai sinh có thể bị ghi lùi ngày hoặc ghi theo trí nhớ không chính xác của người đi làm khai sinh. Rất tiếc vụ này cơ quan điều tra không thu thập được giấy tờ này, trong khi việc đi khai sinh chưa chắc đã chính xác.

Ngoài ra, một vấn đề thuộc về cảm nhận và sự tinh tế của cán bộ điều tra cần được áp dụng như một phương pháp điều tra. Cụ thể là phải quan sát, nghiên cứu hành vi phạm tội, cách thức phạm tội, việc tính toán trong khi gây án, kể cả việc quan hệ tình ái giữa hai người đồng tính. Một đứa trẻ 13 tuổi phải có cách hành xử và suy nghĩ khác với một người khoảng 18 tuổi (đã trưởng thành). Do vậy, nếu chỉ dựa vào chứng thư hộ tịch để kết luận ngay độ tuổi là vội vàng và thiếu cơ sở, các cơ quan tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng tìm cho ra sự thật của vụ án.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

Sai số của giám định là không đáng kể

Giám định độ tuổi trên thế giới và Việt Nam hiện nay dựa vào các biện pháp gồm: Hình thể bên ngoài (sự phát triển chiều cao, cân nặng, lông, tóc…), sự phát triển của răng và cuối cùng là khảo sát sự phát triển của xương là chính xác nhất. Để xác định tuổi của một người thì dựa vào ba yếu tố trên sẽ cho ra kết quả.

Để giám định, giám định viên sẽ chụp X-quang toàn bộ hệ thống xương, răng (gồm cả khám lâm sàng số lượng răng trong miệng phát triển như thế nào, hình thành mầm răng hay chưa…). Các phim chụp X-quang này sẽ được đưa lên máy phân tích, trong đó quan trọng nhất là phân tích độ canxi hóa của xương, răng. Sau đó, giám định viên dựa vào tài liệu khoa học, sách hướng dẫn để đối chiếu.

Thực tiễn cho thấy kết quả giám định xương có độ chênh lệch, sai sót khoảng một năm (+/-sáu tháng), vì xương phát triển rất chính xác, độ tuổi như thế nào thì xương phát triển tương ứng như thế đó.

Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang vào tháng 4-2012, Lê Thị Mỹ Duyên khoảng 16 tuổi ba tháng đến 16 tuổi sáu tháng (trong vụ gia đình Duyên tố cáo bị anh L. ở Kiên Giang hiếp dâm). Đồng thời kết quả giám định của Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an vào năm 2014 cho ra kết quả vào thời điểm gây án Duyên khoảng 18 tuổi. Hai kết quả giám định này gần trùng khớp nhau đủ nói lên mức độ chính xác, đáng tin cậy của giám định.

Một giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y
tỉnh Đồng Nai

Án oan Sóc Trăng: Bỏ lọt một nữ sát thủ?

Cơ quan tố tụng xác định khi gây án, hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên chưa đủ 14 tuổi nên không xử lý hình sự nhưng hai kết quả giám định lại xác định hung thủ này đã hơn 17 tuổi.

http://plo.vn/phap-luat-chu-nhat/tuoi-cua-nu-sat-thu-duyen-la-bao-nhieu-495195.html

Theo Thanh Tùng/ Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm