Từ những năm 1960, DINK - xu hướng kết hôn nhưng không sinh con mà tập trung vào sự nghiệp, hưởng thụ cuộc sống đã phổ biến trong các cặp vợ chồng trung lưu nước Mỹ. Thập niên 1980, trào lưu "gấp đôi thu nhập, không con cái" này bắt đầu du nhập vào Trung Quốc và được nhiều thanh niên ủng hộ.
Theo Sohu, áp lực về chi phí sinh hoạt cùng trách nhiệm chăm sóc con cái ngày nay quá lớn đang thúc đẩy "làn sóng" DINK trở lại đất nước tỷ dân một lần nữa. Theo thống kê từ một cuộc khảo sát xã hội, Trung Quốc hiện có hơn 600.000 gia đình "không con cái".
Những vợ chồng lựa chọn lối sống DINK đầu tiên đến nay đã có cuộc hôn nhân kéo dài hơn 30 năm và bắt đầu bước vào tuổi già. Có nhiều người trong số họ cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì không có con cháu chăm sóc, hối hận vì đã không có con.
Nhiều vợ chồng "không con cái" cô đơn khi về già. |
"Tôi ghen tỵ với những gia đình có con cháu"
Quyết định không sinh con, vợ chồng ông Vương (năm nay 65 tuổi) đã vào sống trong viện dưỡng lão. Hàng năm, mỗi dịp lễ, Tết, thấy các cụ già khác được con cháu đến đón về sum họp, ông bà cảm thấy chạnh lòng.
Ở lại viện dưỡng lão lạnh lẽo cùng các nhân viên điều dưỡng, ông Vương thấy cô đơn, trống vắng và hối hận vì đã chọn DINK.
"Có lần, bà nhà tôi trở bệnh, may có người lạ tốt bụng làm thủ tục đưa vào viện. Chúng tôi không biết làm thế nào cả. Công nghệ và xã hội phát triển quá nhanh, những người cao tuổi như vợ chồng tôi chưa kịp thích ứng, mà nhân viên trong viện dưỡng lão cũng không giúp đỡ hết được", ông nói.
Vợ chồng DINK khi về già thường chỉ có thể vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc. |
Cầm tấm ảnh đen trắng chụp cùng vợ cách đây nhiều năm, ông Chu xúc động nghẹn ngào: "Nhiều khi tôi chỉ muốn chết cho xong".
3 năm trước, vợ ông qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, bỏ lại ông một mình.
Ngày trước từng thuyết phục vợ không sinh con để tận hưởng cuộc sống, giờ đây ông hối hận vì người thân yêu nhất không còn, chẳng có ai để ông chia sẻ.
Nhìn bạn bè đồng trang lứa có con cái chăm sóc, quây quần, ông Chu càng đau cho phận mình. Cảm giác thương nhớ vợ và cô đơn, vô định vào tương lai khiến ông nhiều lần có ý định tự tử.
Những gia đình DINK không có con cái nên ít gánh nặng tiền bạc và trách nhiệm nuôi con. Họ thường có thời gian tận hưởng cuộc sống, trải nghiệm nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, đến khi lớn tuổi, họ sẽ phải trả khoản phí lớn để mua dịch vụ chăm sóc cho mình.
Hiện nay, nhiều viện dưỡng lão ở Trung Quốc thường thu mức phí trung bình 5.000 nhân dân tệ/tháng. Với những người lớn tuổi đau yếu, không thể tự sinh hoạt cá nhân, phí này sẽ cao hơn. Tích lũy theo thời gian, số tiền ấy không hề nhỏ.
Những người lớn tuổi không có con cái có khả năng gặp nguy hiểm cao hơn nếu sống một mình, không vào viện dưỡng lão. Những tình huống tai nạn bất ngờ, họ khó được giúp đỡ kịp thời vì không có con cháu ở cạnh.
Không chỉ cần chuẩn bị kinh tế, gia đình DINK còn cần sẵn sàng về tâm lý khi về già. |
Trên thực tế, vấn đề lớn nhất những vợ chồng DINK gặp phải khi về già không phải chuyện tiền bạc mà là tâm lý cô đơn.
Nhiều người già có thể phàn nàn về chuyện mệt mỏi khi chăm cháu, nhưng tinh thần họ sung mãn hơn khi có sự kết nối từ người ruột thịt, biết rằng luôn có người bên cạnh chăm sóc cho mình.
Những người già "không con cái" thì khác, họ không có vướng bận về trách nhiệm gia đình nhưng dễ đối mặt với cô đơn, buồn chán, nhất là những ngày lễ hay dịp đoàn viên.
Có con là lựa chọn của các cặp vợ chồng, không thể nói họ chọn DINK là đúng hay sai. Tuy nhiên, bên cạnh chuẩn bị về tài chính, họ cũng nên sẵn sàng tâm lý để vượt qua cảm giác cô đơn nếu không sinh con.