Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tuổi nổi loạn 2': Càng loạn càng chìm

Xuất hiện năm 2013, “ Tuổi nổi loạn” được xem như làn gió mới trong lĩnh vực phim ảnh học đường vì là bộ phim teen đầu tiên dám nhìn nhận những mảng sáng, tối của đời học sinh.

Phần 1 của bộ phim có kết thúc lấp lửng với những mối quan hệ chưa ngã ngũ đã khiến fan tiếc hùi hụi, nên những thông tin về phần 2 ngay lập tức được săn đón, đưa tên tuổi của bộ phim lọt top những phim Thái Lan được mong đợi nhất trong mùa hè này. Tuy nhiên, chỉ sau vài tập đầu tiên, khán giả đã vô cùng thất vọng và đánh giá đây là một bộ phim “thảm hại” với kết cấu lỏng lẻo và nội dung quá sa đà vào việc liệt kê những thói hư tật xấu đang tồn đọng trong giới trẻ.

Lạm dụng yếu tố đồng tính

Nếu như ở phần 1, cặp đôi Phu Thee làm giới trẻ chao đảo bởi “chuyện tình kèn sáo” vô cùng dễ thương và trở thành một trong những cặp đôi hot nhất, đem lại nhiều fan nhất cho bộ phim, nên như một lẽ dĩ nhiên, tình cảm đồng tính được coi là yếu tố buộc phải có trong phần 2 của Tuổi nổi loạn.

Tuy nhiên, không hiểu vô tình hay cố ý, tác giả đã lạm dụng một cách thái quá các yếu tố liên quan đến tình cảm đồng giới, tạo cho bộ phim một kết cấu lỏng lẻo, phi lý và rối rắm, dẫn đến việc không tạo được hiệu ứng cao như phần 1. Trong phần 2, khán giả không chỉ được chứng kiến cặp đôi đồng tính nam, mà còn được tìm hiểu về tình cảm đồng giới của nữ, thể hiện qua hai nhân vật Koi và Dao.


Những phân cảnh giường chiếu nóng bỏng quá mức cho phép khiến khán giả bị bội thực và yếu tố đồng tính dần trở nên nhàm chán, thiếu tính sáng tạo. Hơn nữa, việc Koi – Dao đến với nhau cũng khiến người xem cảm thấy rất khó hiểu và băn khoăn. Cặp đôi Phu Thee cũng liên tục gặp trắc trở, tạo nên những mối tình tay 4, tay 5 rối như tơ vò, cùng mạng lưới tình cảm chằng chịt không có hồi kết.

Việc đưa đề tài đồng tính vào phim không phải là điều xấu, nhưng đưa thế nào cho hợp lý, cho khéo léo và không gây phản cảm lại là một bài toán khó mà đoàn làm phim Tuổi nổi loạn 2 không phải là những người thành công trong việc tìm ra lời giải của nó.

Quá nhiều kịch tính và sự phi lý

Một vấn đề nữa của bộ phim là việc có quá nhiều những tình huống éo le, bi kịch, khiến người xem bối rối giữa những nút thắt, mở bất hợp lý của câu chuyện. Phu luôn băn khoăn giữa hai lựa chọn Thee và Toei, bản thân Toei sau khi chia tay Phu lại đem lòng rung động với Tar, khiến cậu loay hoay giữa tình cảm của mình và Toei, cũng như lo sợ cho mối tình mới chớm với đàn em khóa dưới Panompang.

Dẫu biết tâm lý tuổi teen phức tạp và khó đoán, nhưng những tình huống éo le liên tục xuất hiện trong chuyện tình cảm của các nhân vật trong phim khiến cho fan không khỏi thắc mắc về cái kết của phần 2, liệu có được rõ ràng hay lại thêm một lần úp mở. Chuyện tình cảm học trò trong sáng cũng được khai thác một cách khiêm tốn, tạo cho khán giả xem phim cảm giác căng thẳng thường trực bởi những tình tiết rối rắm mà không có lấy một khoảng nghỉ, dễ dẫn đến nhàm chán và không sát với thực tế.

“Loạn” quá mức cho phép

Các nhân vật trong phim cũng khiến người xem thực sự hoang mang về mức độ chịu chơi. Đành rằng bạo lực cũng như việc sử dụng chất kích thích là một thực trạng nhức nhối đang diễn ra trong đời sống học đường, nhưng việc các nhân vật trong phim tìm đến chúng như một điều hiển nhiên mỗi khi có chuyện bực dọc hay sẵn sàng quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau thì quả là điều bất thường và cần xem xét lại. Hơn nữa, nếu ở phần 1, đời sống của các nhân vật còn có sự can thiệp của phụ huynh, thì ở phần này, hiếm thấy sự xuất hiện của họ, các cô cậu học sinh được tự do làm chủ cuộc sống, tạo nên những suy nghĩ lệch lạc và tình trạng buông xuôi số phận, dễ gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

Tạm kết

Bất cứ thứ gì khi làm quá đều không tốt. Đối với trường hợp của phần 2 bộ phim Tuổi nổi loạn thì hoàn toàn đúng như vậy. Nhằm câu khách để đảm bảo tính thương mại cho bộ phim, ekip đã không thực sự chú trọng xây dựng nội dung và làm nổi bật tính cách nhân vật, dẫn đến tình trạng nhồi nhét các tình tiết gay cấn một cách quá đà, gây ác cảm cho khán giả. Đồng thời, bộ phim được cho là gây những ảnh hưởng xấu đến giới trẻ khi vô tình cổ xúy cho những thói hư tật xấu được đề cập quá nhiều lần trong phim.

http://2sao.vn/dien-anh/tuoi-noi-loan-2-%E2%80%93-cang-loan-cang-chim-p0c1002n20141005122508810.vnn

Theo Diệu Linh/2Sao

Bạn có thể quan tâm