Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tuổi thanh xuân' bị chỉ trích vì lẫn hai bản nhạc nổi tiếng

Trong cảnh họp báo ra mắt bộ phim "Bản tình ca ánh trăng", nhạc nền là "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" thay vì bản "Moonlight Sonata" của Beethoven.

Trong tập cuối cùng của Tuổi thanh xuân, buổi ra mắt bộ phim Bản tình ca ánh trăng do Junsu (Kang Tae Oh) đóng vai nam chính đã được tổ chức. Tại cuộc họp báo, chuyện tình tay ba của các nữ diễn viên chính đã được biên kịch giải quyết nửa vời khiến khán giả cảm thấy không thỏa mãn.

Phần kết 'Tuổi thanh xuân' bị chê dở nhất năm

Đó là nhận xét của không ít khán giả màn ảnh nhỏ sau khi xem tập cuối hụt hẫng, không biết nữ chính chọn ai của bộ phim hợp tác Việt - Hàn.

Thêm vào đó, nhiều người xem nhận ra, đoạn nhạc nền trong phần này là Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, không phải bản Sonata ánh trăng đúng như chủ đề của bộ phim do Khánh (Hồng Đăng) làm đạo diễn. Số đông cho rằng, việc nhầm lẫn này của Tuổi thanh xuân khiến tập cuối vốn nhạt nhẽo của phim càng thêm mất điểm. 

Bạn Thu Thủy bình luận trên fan page của bộ phim: "Sao đạo diễn lại nhầm lẫn hai nhạc phẩm nổi tiếng như thế nhỉ? Bộ phim tên là Moonlight Sonata thế nhưng nhạc nền lại là một bản hoàn toàn khác. Chẳng lẽ từ biên kịch, đạo diễn tới ban kiểm duyệt không ai phát hiện ra hạt sạn to như thế?".

Độc giả Hồng Duy cũng viết: "Phim hợp tác Việt - Hàn mà lại mắc lỗi sơ đẳng tới thế. Không biết bản Sonata ánh trăng thì phải tìm hiểu chứ, tại sao lại dùng liều như thế. Sai sót này là không thể chấp nhận được". 

Cùng quan điểm, khán giả Phương Thanh chia sẻ: "Nhầm lẫn giữa nhạc của Beethoven và Mozart. Cần phải đặt dấu hỏi lớn cho kiến thức âm nhạc của ê-kíp làm phim". 

Liên lạc với nữ biên kịch của bộ phim Tuổi thanh xuân, cô từ chối trả lời về sự nhầm lẫn của ê-kíp. Riêng với cái kết gây tranh cãi của phim, biên kịch cho biết, vì là dự án hợp tác Việt - Hàn nên không chỉ phía Việt Nam chắp bút. Tất cả đều được hai bên trao đổi, bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng.

Sonata ánh trăng là bản nhạc viết cho đàn dương cầm nổi tiếng nhất của Beethoven được ông viết dành cho cô học sinh dương cầm 17 tuổi - Gräfin Giulietta Guicciardi - vào năm 1801. Sau khi ông mất vài năm, bản nhạc được nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab đặt cho cái tên phổ biến như bây giờ. Giá trị của bản nhạc nằm ở sự tự do trong sáng tác và những cảm xúc kỳ diệu đầy lãng mạn Sonata ánh trăng mang lại.

Còn Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương 3 của tác phẩm Sonata số 11 cho piano cung La trưởng - một trong những bản sonata nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart.

Đây là chương được nhiều người biết đến nhất và là một trong những khúc nhạc hay nhất dành cho piano. Chỉ kéo có hơn 3 phút nhưng nó khiến người nghe không thể nào quên với những tiết tấu vui tươi mang phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu, chương 3 này được Mozart gọi tên là Rondo Alla Turca, sau đó mọi người gọi nó là Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiểu Uyên

Bạn có thể quan tâm