Roman Abramovich (sinh năm 1966, Nga) được biết đến là một tỷ phú đa tài, sở hữu nhiều cổ phần tại Evraz, Norilsk Nickel và đội bóng Chelsea của Anh. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được bà ngoại và người chú nuôi dưỡng. Abramovich từng trải qua những ngày thơ ấu khó khăn. Ông hứng thú với kinh doanh ngay từ khi còn đi học và đã khởi nghiệp với một công ty sản xuất đồ chơi. |
Với sự nhạy bén và chiến lược thông minh, Abramovich nhanh chóng lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như dầu mỏ, sản xuất thép, niken, bất động sản… Tỷ phú 55 tuổi sở hữu bộ sưu tập gồm 3 du thuyền đắt đỏ. Trong đó, có một chiếc lớn thứ ba thế giới được ông mua với giá 400 triệu USD vào năm 2010, theo SCMP. |
John Paul DeJoria (sinh năm 1944, Mỹ) làm đủ mọi nghề để kiếm sống trước khi trở thành tỷ phú thế giới. Cha mẹ DeJoria ly hôn khi ông tròn 2 tuổi. Trước khi lên 10, ông phải bán thiệp Giáng sinh và báo để phụ giúp gia đình. Tỷ phú 77 tuổi từng sống ở nhà nuôi dưỡng và từng tham gia băng nhóm. Sau khi xuất ngũ, ông chật vật kiếm tiền để trang trải phí sinh hoạt. |
Khi được nhận vào làm trong nhà máy Redken, DeJoria bị thu hút bởi ngành công nghiệp dầu gội đầu. Từ 700 USD vay được, DeJoria tạo ra Hệ thống John Paul Mitchell và gõ cửa từng nhà để bán sản phẩm. Thời điểm đó, ông vẫn sống trong chiếc xe hơi của mình. Sau nhiều khó khăn, thử thách, ông cùng người đồng sáng lập từng bước đưa công ty trở thành một trong những thương hiệu chăm sóc tóc lớn nhất thế giới. Hiện DeJoria có tài sản ròng trị giá khoảng 3,2 tỷ USD. |
Howard Schultz (sinh năm 1953) sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó tại khu ổ chuột ở thị trấn Brooklyn, New York, Mỹ. Trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường đại học, Schultz phải nỗ lực lao động để đóng tiền học phí. Ngoài việc học, ông dành thời gian còn lại để giúp đỡ gia đình kiếm tiền. |
Sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông, Schultz làm việc cho công ty Xerox. Sự nghiệp của Schultz bắt đầu bước sang trang mới khi ông tình cờ đi ngang qua một cửa hàng cà phê nhỏ tên là Starbucks. Sau đó, ông tìm kiếm cơ hội trò chuyện với hai nhà đồng sáng lập Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Một thời gian sau, Schultz gia nhập Starbucks với vị trí giám đốc phụ trách bán lẻ và tiếp thị. Ông thành công đưa một thương hiệu chỉ có vài cửa hàng nhỏ thành một trong những tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới, có hàng nghìn chi nhánh trên toàn cầu. |
Chang Do Won (sinh năm 1954) sinh ra và lớn lên tại Myungdong, Seoul, Hàn Quốc. Để có tiền trang trải cuộc sống, Do Won làm đủ mọi công việc từ rửa bát tại các nhà hàng, nhân viên bơm xăng, lau dọn văn phòng… Năm 1981, ông cùng vợ là Chang Jin Sook di cư từ Hàn Quốc đến Los Angeles (Mỹ) để tìm cơ hội mới. Thiếu tiền, không được giáo dục chính quy, trình độ tiếng Anh “bập bẹ”, họ gặp khá nhiều khó khăn ban đầu. |
Cả hai mở một cửa hàng quần áo rộng 900 m2 tên là Fashion 21 (tiền thân của Forever 21). Sau đó, họ gây dựng nó trở thành thương hiệu thời trang nhanh hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2019, Won và Chang nộp đơn xin bảo hộ phá sản do điều kiện kinh doanh thay đổi, thua lỗ nặng. Hiện tổng giá trị tài sản ròng của đôi vợ chồng đã giảm xuống còn 1,6 tỷ USD, theo SCMP. |
Francois Pinault (sinh năm 1936, Pháp) từng bỏ học khi bị bạn học trêu chọc, chế giễu vì xuất thân trong gia đình nghèo. Sau đó, ông tiếp quản công việc buôn bán gỗ của gia đình. Pinault tận dụng khả năng kinh doanh nhạy bén để vay tiền ngân hàng, tích góp và mua lại các công ty buôn gỗ nhỏ hơn. |
Những năm 2000, ông chú ý đến ngành hàng xa xỉ và mua lại 42% cổ phần của hãng thời trang Gucci với giá 3 tỷ USD. Theo cách làm đó, gia đình ông sở hữu nhiều thương hiệu cao cấp như Stella McCartney, Alexander McQueen và Yves Saint Laurent. Từng là người giàu nhất nước Pháp, tổng giá trị tài sản của Pinault ước tính lên đến 45,6 tỷ USD. |