Đó là những chuỗi ngày dài với nỗi lo cơm áo, mưu sinh của những em bé bán kẹo dạo mà tuổi thơ luôn bị cái nghèo đè nặng lên vai.
Khác với những bạn cùng trang lứa được đùm bọc, nâng niu, những em bé bán kẹo dạo có một tuổi thơ với sự nghèo đói lúc nào cũng đè nặng lên vai. Chúng luôn nuôi hi vọng có thể giúp đỡ gia đình, người thân có một cuộc sống bớt khó khăn hơn, để rồi ngay từ tấm bé đã phải oằn mình cố gắng trước khó khăn của cuộc sống.
Chuyện của Quang
Quang, một cậu bé thông minh với làn da đen nhẻm vì nắng và gió. Câu sinh ra và lớn lên tại Quảng Xương, Thanh Hóa. Gia đình cậu bé rất nghèo, bố Quang đã mất do bị bỏng toàn thân khi cứu cậu bé ra khỏi hố vôi đang tôi. Và vào mỗi mùa hè, cậu bé thường lên Hà Nội cùng mẹ kiếm tiền, bỏ lại sau lưng là căn nhà vách đất. Tranh thủ kỳ nghỉ hè, hai mẹ con bán hàng dành dụm để trả tiền học, tiền sách vở, quần áo và sinh hoạt trong cả năm. Vì cu cậu còn nhỏ, cậu được mẹ sắm cho một cái giỏ bé tí để bán kẹo hàng ngày.
Các bạn như em, Quang thường đi làm từ chiều đến gần sáng, đi dọc những con phố nơi tập trung đông người tại Hà Nội để bán kẹo. Với mỗi phong kẹo nhỏ em bán 10 nghìn và hộp kẹo lớn là 20 nghìn. Mỗi một ngày, các em thường kiếm được dù không ổn định từ 100- 300 nghìn đồng. Tối đến, cậu bé và mẹ lại quay về phòng trọ lụp xụp tại những khu của người lao động nghèo với giá 600-800 nghìn đồng/ tháng. Trừ tiền nhà, tiền ăn của hai mẹ con, em phải bán được hơn 10 phong một ngày thì mới mong để dành ra được một ít tiền tiết kiệm.
|
Quang với những vết sẹo chằng chịt ở cánh tay. |
|
Em đi bán kẹo dạo. |
Vì vậy, điều khiến cậu bé buồn nhất là trời mưa vì khi đó sẽ không bán được hàng, hai mẹ con chỉ biết nằm ở nhà. Còn mỗi khi bán được nhiều kẹo hoặc được khách cho thêm tiền, Quang lại khoe mẹ, mẹ cậu nhìn cậu vừa vui, vừa thương con.
Mẹ em chia sẻ: “Quả thực, để con bán kẹo thế này, cũng vất và cô cũng thương nó lắm chứ. Nhưng biết làm thế nào được, ở quê thì không có tiền mà trả tiền học nên tranh thủ mùa hè hai mẹ con lên Hà Nội kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Điều cô mong muốn là cháu nó cũng đi học, lên lớp đều là cô mãn nguyện lắm rồi”.
|
Phòng trọ nhỏ của mẹ con em. |
Bản thân việc bán kẹo cũng không đơn giản vì không phải lúc nào khách cũng mua mà chỉ nhìn qua với vẻ xua đuổi. Những lúc đó, để thu hút sự chú ý hơn, Quang bèn thường quỳ xuống trước mặt khách: “Cô ơi, chú ơi, mua cho cháu gói kẹo, chỉ 10 nghìn thôi cô ơi chú ơi”. Đôi khi, em đứng lên, bóp vai, đấm lưng cho khách với hi vọng là khách thấy ngại và mua cho mình. Cậu cười xòa: “Em lớn rồi lúc đầu bán hàng hay làm thế cũng ngại lắm chứ, nhưng để bán được thì đành vậy thôi”.
Hơn 80% trẻ em bán kẹo đều có câu chuyện tương tự như Quang, dù phải làm việc vất vả hằng đêm, nhưng may mắn, các em vẫn luôn có người thân quan tâm, chăm lo và công việc này đối với gia đình chỉ là giải pháp tạm thời để phần nào bớt đi sự khó khăn cuộc sống.
Nhưng không phải cậu bé nào cũng may mắn như em…
Bình, năm nay đã 14 tuổi. Em mê nhất là đọc truyện tranh và theo dõi các hình hoạt họa. Em thường bán hàng từ 3 giờ chiều đến một giờ sáng hôm sau tại phố Tống Duy Tân - khu phố ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội.
Đã hơn 5 năm bán kẹo trên Hà Nội, số tiền mà cậu làm ra giúp mẹ sửa lại nhà, mua thêm đồ đạc, giường chiếu nhưng đổi lại, Bình chưa từng được tới trường vì nếu đi học thì lấy thời gian đâu mà kiếm tiền. Một cậu bé thông minh như em, nhưng đã 14 tuổi rồi cũng không biết đọc và biết viết.
Vì có cuộc sống nghèo đói từ trước đến nay nên gia đình cảm thấy hài lòng với việc kiếm những đồng tiền trước mắt. Nhưng liệu rằng mai này, Bình có thể thực sự thoát khỏi cảnh nghèo đói khi em trường thành mà mù chữ, thiếu kỹ năng nghề nghiệp và giao tiếp xã hội?
Những khách quen thương em lắm và thường cho thêm tiền vì nghĩ rằng có thể góp phần giúp cuộc sống của em tốt hơn. Tuy nhiên, càng kiếm được nhiều tiền thì cánh cửa đến với một tuổi thơ đúng nghĩa, cánh cửa đến với học vấn càng khép chặt lại.
Giữa cuộc sống bộn bề này, còn rất rất nhiều những tuổi thơ hàng ngày phải mưu sinh trên đường phố, như Bình, như Quang...