'Tuổi thơ dữ dội' của Vân Dung
Vân Dung không bao giờ quên những kỉ niệm thời thơ ấu, cuộc sống khó khăn phải đi mót sắn, mót khoai cùng chị gái Vân Trang.
>> Vân Dung: 70% đàn ông 'khôn nhà dại chợ'
>> Vân Dung ‘kể tội’ đồng nghiệp
>> Vân Dung: "Tôi đanh đá nhưng biết điều"
“Tuổi thơ dữ dội”
Vân Dung sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ cô từng là diễn viên, bố cô là đạo diễn của Đoàn ca múa Tây Bắc (sau này cả bố mẹ cô đều chuyển về Quân khu II). Ngày còn bé, Vân Dung sống cùng bố mẹ ở Thái Nguyên. Lúc chỉ mới 3,4 tuổi, cô đã thích cùng chị gái Vân Trang đóng kịch, khi thì giả thành nàng công chúa, lúc lại biến thành cô tiên đầy phép màu. Vân Dung kể, cô thích nhất được đóng tiên nữ nên toàn tranh với chị gái. Để giống tiên, cô lấy dây hoa buộc lên đầu, tay cầm một cành cây nhỏ, coi là gậy thần, ban phép cho chị gái.
Lên 5 tuổi, Vân Dung "chuyên nghiệp” hơn, đóng hẳn vai “thổ phỉ” cưỡi ngựa kéo đến các bản làng, đánh nhau với… quân du kích (do chị gái đóng), biểu diễn cho các cô chú trong đoàn ca múa nhạc Tây Bắc xem. Màn trình diễn của hai chị em được các cô chú đệm nhạc, làm âm thanh nên hai cô nàng “khoái chí” lắm, vừa diễn vừa cười tít mắt. Vở diễn kết thúc, Vân Dung được các cô chú khen hết lời, thưởng cho bao nhiêu là… pháo tay. Phần thưởng tinh thần đó, ít nhiều giúp cô nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng trên sân khấu này.
Ngày ấy, tối thứ 7 nào cũng vậy, dù chơi trò gì đi nữa, cứ đến giờ phát chương trình “Câu chuyện cảnh giác” trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hai chị em Vân Dung lại nhảy lên giường, trùm chăn kín mặt, vừa nghe vừa hét lên vì sợ. Có thể nói, những ngày thơ ấu của Vân Dung thật vui vẻ, sung sướng về tinh thần, nhất là có sự chăm sóc của bố mẹ.
Tuy nhiên, trong những năm tháng mà cả đất nước còn đang khó khăn, Vân Dung cũng phải đi mót lúa, mót ngô như bất kỳ đứa trẻ nào. Cô nhớ như in những kỉ niệm, nhiều bữa trưa, bố mẹ đi làm, hai chị ở nhà ăn chung một chiếc bánh mì. Vân Dung tham ăn, lúc nào cũng đòi chị phần hơn. Rồi thì việc hai chị em chỉ có mỗi đôi dép nên cứ phải thay phiên nhau, sáng chị đi, chiều tới lượt em và ngược lại.
Vào lớp 2, gia đình Vân Dung chuyển về Hà Nội sinh sống. Lúc đầu, cả 4 người ở nhà ông bà nội trên phố Quán Thánh, nhưng chật quá, nên đến năm Vân Dung 10 tuổi bố mẹ quyết định chuyển về trong ngôi nhà nhỏ tại Hoàng Cầu (nơi ở hiện nay của Vân Dung). Tuy nhiên, lúc đó, căn nhà làm gì được “cửa rộng, tường cao” như bây giờ, chỉ vẻn vẹn 6m2, đủ để kê một chiếc gường và chỗ nấu ăn.
Về nhà mới, cô bé ‘cò hương” Vân Dung ngày nào cũng phải đi gánh tới 20 chục thùng nước cho cả gia đình sinh hoạt. Gánh nước, không phải vào thùng nhỏ nhựa, mà vào hẳn thùng tôn to đùng, 10 tuổi, Vân Dung đã biết nấu cơm, quét nhà, gánh nước như người lớn. Cô kể, căn nhà 6m2 dột nát đủ chỗ, cứ mưa xuống là thành bể nước, ngập đến đầu gối, nồi niêu, xong chảo nổi lềnh phềnh, nằm không nằm được, ngủ không xong, thế là bố mẹ, con cái lại ngồi ôm nhau chờ nước rút.
Tủm tỉm cười, Vân Dung nhớ đến câu chuyện “con vịt – cái bể”. Chả là, bên cạnh nhà có bể nước nhỏ bỏ hoang, nên gia đình chị nuôi một con vịt nhỏ ở đó. Vịt lớn, hai chị em tham lắm nhưng đợi mãi bố mẹ không chịu mổ. Phải đến hôm mấy ông khách quý đến chơi mới dám thịt. Được bố mẹ sai đi bắt vịt, hai chị em hào hứng, hăng hái tới nỗi làm con vịt… bay mất ra hồ Hoàng Cầu. Thế cả chủ lẫn khách hò nhau mượn thuyền của dân đánh cá đuổi bắt một con vịt. Bắt được, giết thịt, con vịt nhỏ mà tới gần chục người ăn. Vân Dung chưa biết vị ngọt bùi thế nào thì đã hết veo.
Học sinh cá biệt
Học hết cấp 2, Vân Dung thi đỗ vào trường THPT Trưng Vương. Được khoảng 3 tháng, cô chuyển về học văn hóa và chuyên môn tại nhà hát Tuổi Trẻ, sáng học nghệ thuật, tối học văn hóa. Lớp học của Vân Dung hồi đó có diễn viên Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Hồng Hạnh…
Học tập thì lẹt đẹt nhưng Vân Dung luôn nổi tiếng trong lớp bởi “đức tính” nghịch ngợm, tai quái của mình. Đi học, lúc nào cô cũng đến muộn vì lý do đau bụng và hỏng xe. Đến nỗi, thầy giáo phát cáu, nhắc nhở: “Lần sau nếu có đi muộn, hãy tìm một lý do khác”. Cũng bởi thế, hạnh kiểm của Vân Dung chỉ “quanh quẩn” hết khá đến trung bình.
Vào nhà hát Tuổi trẻ, được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, Vân Dung tỏ ra khá “vô duyên” với các vai chính kịch, chỉ hợp hài kịch. Vì thế, bao giờ trong các bài tập – những vở chính kịch trả bài – cô chỉ được giao vai phụ, diễn vài phút rồi ra. Điều đó không làm Vân Dung buồn , bởi cô tâm niệm, thà xuất hiện 2 phút ấn tượng còn hơn 2 tiếng nhạt nhẽo. Cô vẫn quyết tâm theo đuổi “duyên hài” trên sân khấu kịch, mặc dù, ở thời điểm đó, hài kịch chưa đắt khách và không được khán giả hâm mộ như chính kịch.
Danh hài được yêu thích
Rồi thì công sức, lòng quyết tâm với hài kịch của cô được đền đáp xứng đáng. Cô đã tạo cho mình một thương hiệu không lẫn vào đâu được. Nghĩ tới Vân Dung, khán giả liên tưởng ngay tới hình ảnh một Vân Dung “cá mắm” đanh đá, chua ngoa, hay “cây đào thế” rồi thì “dáng người mỏng như tờ giấy”…. Vân Dung lấy làm vui vẻ vì điều đó, bởi theo cô, khán giả có yêu thích, họ mới đặt nghệ danh cho. Cô cũng chưa bao giờ sợ bất cứ danh hiệu nào mà người hâm mộ phong tặng cho mình.
Thậm chí, Vân Dung còn thẳng thắn rằng, đứng trước khán giả, càng xấu bao nhiêu thì cô càng tự tin bấy nhiêu (dù cô từng lọt vào top15 Hoa Hậu báo Tiền Phong). Có lẽ vì thế, ở dạng vai diễn các nhân vật có ngoại hình không mấy đẹp đẽ (cả hình thức lẫn giọng nói), nhờ ‘tự tin”, mà khó có danh hài đất Bắc nào qua mặt được nàng “Oliver” Vân Dung. Luôn”được” nhớ tới với hình ảnh xấu xí, chanh chua nhưng Vân Dung không xem đó là một thiệt thòi. Theo cô, xấu, đỏng đảnh cũng có những giá trị riêng của nó, nhất là cô được người hâm mộ gọi là “danh hài Vân Dung”.
Có thể nói, Vân Dung được đông đảo khán giả cả nước biết đến, từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, tiếp đó là Gặp nhau cuối tuần và Gala cười của Đài Truyền hình Việt Nam. Với gặp nhau cuối tuần, Vân Dung là một trong những diễn viên chủ lực, và tên tuổi của cô cũng thực sự trở thành “sao” từ chương trình này.
Một điểm vô cùng đặc biệt, “rất” Vân Dung”, đó là cô luôn tự làm nổi bật mình, bằng cách làm… ngược lại những gì mà người khác làm. Chẳng hạn, nếu tất cả mọi người mặc áo trắng, cô sẽ mặc áo đỏ, mọi người mặc áo xanh, cô diện ngay váy đen. Bước vào một đám đông, người ta nói to, cô nói nhỏ, ngược lại, người ta nói nhỏ, thì cô sẽ toang toác. Tuy nhiên, sự ngược đời này, theo cô luôn ở trong phạm vi có thể, chứ không phải “thấy người ta đi xuôi chiều, còn mình chạy ngược”. Có lẽ, nét cá tính đặc biệt đó, phần nào tạo nên một cây hài Vân Dung ấn tượng lạ, đầy phong cách trên sân khấu.
Là một trong những nữ danh hài hàng đầu nhưng điều mà Vân Dung sợ nhất là “bị” bước chân lên tới đỉnh cao sự nghiệp. Cô lo lắng, lên “đỉnh” rồi, khó có thể hạ cánh an toàn. Vân Dung thích mình lúc nào cũng ở lưng chừng, khán giả lâu lâu không thấy cô thì nhớ một chút. Nghe thấy tiếng chửa thấy người, đủ biết đó là Vân Dung, điều đó là quá đủ để chị hạnh phúc. Cô quyết không bao giờ đánh đổi tất cả mọi thứ để có đỉnh vinh quang.
Không thiếu thốn tiền bạc nhưng Vân Dung lúc nào cũng tất bật chạy sô diễn tỉnh. Cô bảo, mình là diễn viên hài, phải mang tiếng cười cho mọi người. Bà con ở xa, đâu có xem được mình trên sân khấu. Hơn nữa, cô cũng chưa ra đĩa hài riêng của mình để mọi người được thưởng thức.
Vân Dung đắt show, điều đó thì ai cũng biết. Cô kể, thời điểm chạy nhiều nhất trong ngày tới 10 sô. Nhưng đó là ngày 1/6, cô nói, với ngày Tết thiếu nhi, dù có phải 20 sô thì cô cũng sẽ cố gắng chạy. Bởi cô chưa bao giờ từ chối diễn cho trẻ con xem. Cô yêu quý bọn trẻ như chính cu Nhím (tên gọi thân mật con trai Long Vũ của cô) vậy, chứ không phải vì ham tiền.
Thấy có lỗi với gia đình
Vân Dung tự nhận, mình không phải mẫu người phụ nữ của gia đình. Thời gian cô đi làm nhiều hơn ở nhà. Cô hám ánh đèn sân khấu tới nỗi, lúc mới sinh xong cu Nhím, phải ở nhà một mình, thấy bạn bè đi diễn là tủi thân. Bứt rứt quá, cô đòi chồng cho đi làm. Chồng không đồng ý, cô năn nỉ. Năn nỉ không được thì cứng rắn hơn một chút. Cuối cùng, chồng yêu, chồng thương, phải chiều vợ.
“Tính tự lập, niềm đam mê đã kéo tôi vào công việc, phần nào lơi lỏng trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ, mình đã quyết định đúng. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không thể ở nhà nấu cơm, giặt quần áo giống một người giúp việc được, mà phải tham gia vào các hoạt động xã hội”, Vân Dung chia sẻ.
Sau 2 năm theo chồng vào TPHCM sinh con, Vân Dung quyết định quay trở ra Hà Nội. Lý do đơn giản, cô nhớ công việc ở nhà hát Tuổi trẻ và thấy chưa thể hòa nhập với lối sống phương Nam. Vợ chồng tạm ly biệt Nam – Bắc, Vân Dung buồn lắm nhưng phần nào được an ủi vì cu Nhím theo mẹ ra sống ở Hà Nội. Vân Dung luôn muốn gia đình được đoàn tụ một chỗ nhưng công việc kinh doanh của chồng ở TPHCM chưa sắp xếp được, nên đến giờ này, họ vẫn phải chờ đợi ngày gia đình đoàn tụ.
Vì hoàn cảnh mà “chồng Nam vợ Bắc”, Vân Dung thương cu Nhím lắm. Cô tâm sự: "Dù rằng bố Nhím, ông bà nội hầu như ngày nào cũng gọi điện nói chuyện với cháu nhưng dù sao, Nhím vẫn thiếu thốn tình cảm của người cha. Ngày còn bé, nhiều lần Nhím cứ hỏi mẹ: “Sao bố không đưa đón con đi học như các bạn khác?” mình buồn đến quặn lòng mà không biết trả lời ra sao”.
Vân Dung và con trai |
Vậy nên, cứ có thời gian rảnh, cô lại đưa con vào chơi với ông bà nội và bố, nhưng vì công việc, cô lại không thể ở đó cùng con. Thành ra, Nhím được đi chơi với bố thì thiếu mẹ, đi với mẹ thì thiếu bố. Nhiều lúc, dẫn con đi chơi, nhìn gia đình người ta đầy đủ vợ chồng, cô chạnh lòng lắm. Nhưng biết làm sao, ông trời cho mỗi người một số phận, một cuộc đời…
Không muốn con trai đi theo nghệ thuật
Hài hước, bong phèng trên sân khấu là vậy nhưng trong việc giáo dục con cái, Vân Dung vô cùng nghiêm khắc, nhất là việc rèn cho con lối sống tiết kiệm và tự chăm sóc bản thân. Không bao giờ có chuyện Nhím đòi gì cũng được. Cô chỉ thưởng quà khi Nhím đạt thành tích trong học tập, hoặc có hành động tốt, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Vân Dung nghiêm khắc với con, từ chuyện học hành tới cách cư xử, làm người. Cô không kỳ vọng con mình sau này sẽ trở thành một ông chủ kiếm ra thật nhiều tiền. Mà điều cần nhất, cô muốn khi lớn lên, Nhím biết hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Cu Nhím tuy còn nhỏ, nhà lại có người giúp việc, song những công việc vặt trong nhà như quét sân, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo… Nhím vẫn đều phải tự làm.
“Tôi sẽ không hướng cho con đi theo nghệ thuật vì cả nhà ngoại đã làm nghệ thuật cả rồi. Tôi muốn con đi theo một công việc nào đó có liên quan đến khoa học và nam tính một chút, chứ làm nghệ thuật thì hơi bị… nữ tính”, cô thẳng thắn. Nói về cuộc sống gia đình, cô bộc bạch: “Vì hoàn cảnh mà vợ chồng tôi mới phải ở xa nhau như thế này. Điều đó rất thiệt thòi cho người phụ nữ và con cái. Sau này, khi cu Nhím lớn lên, hai vợ chồng chắc sẽ phải dọn về một chỗ để ở chung”.
Theo Thế Giới Phụ Nữ