Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ thần kỳ của 4 người có IQ cao nhất mọi thời đại

Có chỉ số IQ cao ngất ngưởng, biết giải các bài toán khó, viết sách, nói thành thạo nhiều ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ... là những điểm chung của các thần đồng nhí một thời.

Kim Ung-Yong - chỉ số IQ 210: Kim Ung-Yong (sinh năm 1963) được mệnh danh là thần đồng nhí của Hàn Quốc khi có chỉ số IQ cao ngất ngưởng (210). Ông từng là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới theo sách kỷ lục Guinness vào năm 1990. Ung-Yong là con của hai vợ chồng giáo sư đại học Kim Soo-Sun, được đánh giá là con nhà nòi khi thừa hưởng trí tuệ từ người cha làm giáo sư vật lý và mẹ là giáo sư y khoa. Đặc biệt, ngoài con đường học vấn xuất sắc, bố mẹ ông còn sinh cùng một thời điểm: 11h ngày 23/5/1934. Nhiều người cho rằng chính sự trùng hợp kỳ lạ này đã giúp tạo nên thần đồng Kim Ung-Yong.
Kim Ung-Yong biết nói từ rất sớm. 2 tuổi, ông bắt đầu viết nhật ký và nói tiếng Nhật, Hàn, Đức, Anh cùng nhiều ngôn ngữ khác khi lên 3. 4 tuổi, Ung-Yong đã nhớ được khoảng 2000 từ tiếng Anh và tiếng Đức. Ông thậm chí còn biết làm thơ tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc và viết bài luận về thơ cho hai cuốn sách ngắn. Lúc này, chỉ số IQ của chàng trai người Hàn Quốc đã đạt đến 200.
Vào đúng dịp sinh nhật tròn 5 tuổi, Ung-Yong đã giải trọn vẹn các bài toán phức tạp của nhân loại trước con mắt thán phục của những nhà toán học hàng đầu đất nước. Theo lời kể của gia đình, năm 7 tuổi, sau khi kết thúc 4 năm nghe giảng tại ĐH Hanyang, ông sang Mỹ để học tập và nghiên cứu theo lời mời của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ). Ông đã hoàn thành chương trình đại học và cuối cùng lấy được bằng tiến sĩ về Vật lý của ĐH bang Colorado trước năm 15 tuổi.
Năm 1974, khi đang học đại học, Kim Ung-Yong được mời đến nghiên cứu tại NASA. Mặc dù đây là công việc mơ ước đối với biết bao người nhưng ông lại thích cuộc sống yên bình hơn. Sau 10 năm công tác ở NASA , ông quyết định trở về Hàn Quốc. Tại quê hương, Ung-Yong đã gặp khó khăn bởi muốn kiếm được việc phải có bằng tốt nghiệp, trong khi bằng tiến sĩ Vật lý và các kinh nghiệm làm việc của ông ở NASA bị coi là vô dụng. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng có đủ bằng sau chưa đầy 2 năm. Được nhiều trường danh giá mời, song thiên tài nhí một thời lại quyết định giảng dạy tại một trường đại học địa phương để ẩn dật. Hiện ông giữ chức phó khoa tại ĐH quốc gia Chungbuk và vẫn luôn bị mọi người nghi ngờ về khả năng khi có IQ cao hơn Einstein nhưng không có thành tựu nào đáng nể. Song thực tế, trước đây ông đảm nhiệm công việc trong khu vực nghiên cứu đặc biệt của NASA - nơi luôn được bảo mật ở mức độ cao nhất.
Christopher Hirata - chỉ số IQ 225: Christopher Hirata (sinh năm 1982) là người Mỹ gốc Nhật được coi là thần đồng từ khi còn rất nhỏ. Hirata gây chú ý khi trí thông minh ngày càng phát triển. 3 tuổi, anh đã tính toán được hết tổng chi phí bao gồm trọng lượng, số lượng, khoản giảm giá, thuế bán hàng... khi đi mua sắm tại siêu thị cùng mẹ. Anh có thể học thuộc lòng bảng chữ cái và mã hoá tất cả chúng bằng số, kí tự. Năm học lớp 1, chàng trai sinh năm 82 đã bắt đầu giải đại số. 12 tuổi, anh đã đạt đến trình độ ngang tầm đại học về vật lý và tính toán đa biến.
Ở tuổi 13, Hirata trở thành người Mỹ trẻ tuổi nhất giành huy chương vàng tại Olympic Vật lý quốc tế năm 1996 - một cuộc thi quốc tế về toán học và khoa học cho sinh viên thế giới ở độ tuổi đến 19. Anh đã phá vỡ kỷ lục tại đây và được trao giải cao nhất khiến nhiều người ghen tỵ. Trong cuộc họp tại các địa phương của McDonald, Hirata và bạn mình - Ben Newman, từng cùng nhau tham gia cuộc thi Olympic Vật lý đã viết ra phương trình thuyết tương đối trên khăn ăn. Nhờ vậy, anh được xếp hạng 5 trên thế giới về vật lý, toán học, khoa học vào năm đó. 14 tuổi, chàng trai trẻ được mời đến Viện Công nghệ California (Caltech) và 2 năm sau bắt đầu làm việc với NASA về một dự án nghiên cứu khả năng chinh phục sao Hỏa.
Với bài kiểm tra năm 1996, Hirata gây sốt khi có IQ lên đến 225. Năm 2000, anh cùng với Caltech Kevin Costello và Michael Shulman giành vị trí thứ 4 trong cuộc thi Toán học Putnam nổi tiếng. Ở tuổi 18, Hirata có bằng toán học tại Caltech với điểm trung bình 4.2 và lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Princeton lúc 22 tuổi nhờ luận án về "lý thuyết lực hấp dẫn thấu kính và phân tích dữ liệu". Hirata hiện làm giảng viên dạy vật lý thiên văn tại học viện Công nghệ California.
Terence Tao - chỉ số IQ 225-230: Terence Tao (sinh năm 1975) là nhà toán học người Úc gốc Trung Quốc chuyên về giải tích điều hòa, phương trình đạo hàm riêng, lí thuyết tổ hợp, lí thuyết số giải tích và lí thuyết biểu diễn. Mới 2 tuổi, Tao đã dạy Toán và tiếng Anh cho một cậu bé 5 tuổi. Anh nhanh chóng tự biết số và chữ sau khi thường xuyên xem chương trình truyền hình có tên Sesame Street.
Terence Tao phát hiện ra khả năng giải toán của mình ngay từ khi còn nhỏ. Tao học đại học lúc 9 tuổi và là một trong hai đứa trẻ duy nhất trong lịch sử của chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Johns Hopkins đạt trên 700 điểm kì thi Toán SAT (Tao được 760 điểm). Trong 3 năm liên tiếp 1986, 1987 và 1988, Terence Tao là thí sinh trẻ tuổi nhất tham dự kì thi Olympic Toán quốc tế và giành lần lượt huy chương đồng, bạc, vàng. Tao tham gia viện Khoa học nghiên cứu vào năm 14 tuổi và lấy cả bằng cử nhân và thạc sĩ tại ĐH Flinders khi bước sang tuổi 16. Năm 1992, anh nhận được học bổng Fulbright để nghiên cứu tiến sĩ tại Mĩ. Năm 1992-1996, anh trở thành nghiên cứu sinh tại ĐH Princeton và nhận bằng tiến sĩ khi mới 20 tuổi. Cùng năm đó, Tao gia nhập đội ngũ giảng dạy của trường UCLA.
Từ năm 24 tuổi đến nay, Terence Tao làm giáo sư toán tại trường ĐH California, Los Angeles. Tao từng được trao huy chương Fields cho những đóng góp về Toán học - giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học vào năm 2006. Một tháng sau đó, anh được trao học bổng MacArthur. Ngoài ra, anh còn nhận được rất nhiều giải thưởng trong sự nghiệp như giải tưởng niệm Bôcher năm 2002, giải Clay năm 2003, giải thưởng Levi L. Conant của hội Toán học Mỹ, giải SASTRA Ramanujan...
William James Sidis - chỉ số IQ 250 - 300: William James Sidis (sinh năm 1898 tại New York, Mỹ) - thường được nhắc đến như người thông minh nhất trong lịch sử thế giới, là con của một cặp vợ chồng người Nga - Do Thái. Cha William cũng là một người rất thông minh, từng dạy môn tâm lý học tại ĐH Havard. Còn mẹ William làm bác sĩ nhưng đã quyết định bỏ việc để dành trọn thời gian ở nhà dạy dỗ con trai. Với những gì ông đặt đạt được trong suốt cuộc đời mình, ông được coi là sản phẩm thành công trong giấc mơ tạo ra thần đồng của cha mẹ.
William bắt đầu đọc báo khi chỉ 18 tháng tuổi. Lên 8, ông đã có thể viết 4 cuốn sách về giải phẫu và thiên văn học, thành thạo 8 ngoại ngữ khác nhau như Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Armeni và đặc biệt là Vendergood (ngôn ngữ do chính William sáng tạo ra). Năm 9 tuổi, William tham gia hội nghị chuyên đề của Havard về không gian 4 chiều và được nhận vào trường ngay lúc đó. Tuy nhiên, do còn quá bé, ông được mọi người khuyên nên ở nhà tự học thêm và đến năm 11 tuổi, ông mới chính thức theo học toán học tại ĐH Harvard. Cũng nhờ thế, William trở thành người trẻ nhất từng đăng ký học tại trường đại học có uy tín nhất nước Mỹ và thế giới. Trong suốt những năm học tại đây, ông luôn được các giáo sư đánh giá là người thông minh nhất trong nhóm các sinh viên thần đồng.
Tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi, William nhanh chóng trở thành giáo sư toán và giảng dạy tại đại học Rice. Song do phần lớn sinh viên trong lớp đều lớn tuổi hơn ông, thường chê ông là “giáo sư trẻ con” nên ông đã từ bỏ sự nghiệp dạy học. William quyết định quay lại Harvard để học luật chỉ sau 8 tháng. Năm 1918, ông bị bắt giam khi tham gia một cuộc biểu tình chống chiến tranh.
Được mệnh danh là thiên tài thế giới nhưng phần đời còn lại của William lại bị hủy hoại bởi những rắc rối pháp lý khi tham gia vào các phong trào xã hội chủ nghĩa và bị chính cha mẹ mình đưa vào viện điều dưỡng nhằm cải tạo quan điểm chính trị. Sau khi ra viện, William được báo chí không ngừng săn đón. Song vì quá giỏi, có khả năng siêu phàm nên ông vẫn thường bị mọi người xung quanh và bạn bè xa lánh. Vì vậy, ông quyết tâm tìm kiếm sự riêng tư cho bản thân. Thần đồng nhí ngày nào từ bỏ sự nghiệp toán học, rời xa các viện nghiên cứu và chuyển sang viết sách. Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học, trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ. Suốt cả cuộc đời, William bị cha mẹ tước đoạt tình yêu, nghệ thuật hoặc bất cứ thứ gì có thể khiến ông sao lãng việc học hành. Ông luôn luôn mong muốn chạy trốn tuổi thơ và cha mẹ mình để được sống một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Trần Linh

Bạn có thể quan tâm