Cáp Trọng Phúc Trang - tân thủ khoa USSH 2023 - đạt GPA ấn tượng 3.8. Ảnh: NVCC. |
Cáp Trọng Phúc Trang (sinh năm 2001) là tân thủ khoa 2023 của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (USSH). Nam sinh tốt nghiệp ngành Hàn Quốc học với điểm trung bình 3.8. Ngoài ra, em còn đạt chứng chỉ TOPIK 5 - mức độ gần như cao nhất ở 6 cấp độ trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn.
Cơ duyên đến với tiếng Hàn
Cáp Trọng Phúc Trang sinh ra và lớn lên tại Bắc Giang. Từ bé, nam sinh khá tự ti về cái tên này, thậm chí bị trêu chọc với lý do "tên của con gái".
"Nhưng lớn dần, em nhận ra tên này cũng là chìa khoá giúp dễ nói chuyện với mọi người hơn, đặc biệt ở môi trường mới như trường học hay công ty. 'Trang' có nghĩa là ruộng vườn, trang trại, em thường bảo mọi người như vậy. Em cũng vui vì được mọi người khen tên hay, độc đáo", Trang nói.
Phúc Trang theo học lớp chuyên Địa tại trường chuyên quê nhà và đoạt giải nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Với thành tích này, Phúc Trang được đặc quyền tuyển thẳng đại học. Cậu bắt đầu tìm kiếm ngành học, trường học và thấy hứng thú với ngành Hàn Quốc học, khoa Đông phương học của USSH.
Phúc Trang cho biết ngành học này không chỉ chuyên sâu về ngôn ngữ mà còn giúp sinh viên tìm hiểu nhiều hơn về con người, lịch sử, văn hoá của đất nước Hàn Quốc.
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khả năng sử dụng ngoại ngữ là yếu tố cực kỳ quan trọng, tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và tiến xa hơn, một số kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết về đất nước và con người của các quốc gia rất cần thiết. Vì vậy, em đã quyết định lựa chọn khoa Đông phương học của USSH, ngành Hàn Quốc học là ưu tiên đầu tiên khi đăng ký xét tuyển đại học", Trang cho biết.
Ngoài ra, Phúc Trang chia sẻ thầy cô tại khoa Đông phương học của USSH thường giúp đỡ sinh viên gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống. Điều này làm Trang tin tưởng và càng mong muốn học tập tại đây để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm từ những chuyên gia tâm huyết trong lĩnh vực Hàn Quốc học.
Chàng trai quê Bắc Giang luôn chủ động để tìm hiểu và nắm bắt, không bỏ qua bất kì cơ hội nào. Ảnh: NVCC. |
"From Zero to Hero": Phải chủ động tìm hiểu và nắm bắt bất kỳ cơ hội nào
Phúc Trang bắt đầu đến với tiếng Hàn từ con số 0, tuy nhiên sau khoảng 3 năm, cậu đã đạt được trình độ thành thạo như người bản địa. Để đạt được thành tựu này, Phúc Trang đã tự tìm đến nhiều môi trường khác nhau để xây dựng, trau dồi và luyện tập kỹ năng tiếng Hàn.
"Nguyên tắc của em là chủ động tìm hiểu và nắm bắt, không bỏ qua bất kì cơ hội nào", Phúc Trang nói.
Nam sinh thường xuyên tìm kiếm tài liệu và các video học tiếng Hàn trên Internet và YouTube để rèn luyện, cải thiện khả năng ngôn ngữ này.
Ngoài ra, trong những năm đầu sinh viên, Phúc Trang cũng đi làm thêm tại nhà hàng Hàn Quốc ở Hà Nội để có thêm kinh nghiệm, luyện tập kỹ năng giao tiếp trong môi trường thực tế.
Phúc Trang thực tập tại một tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc ở Việt Nam, để trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng đọc, viết và nói tiếng Hàn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, chàng trai USSH cũng luôn chủ động và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại, xung phong đi đón các thầy cô Hàn Quốc sang Việt Nam và thường xuyên gặp, trao đổi với họ. Điều này giúp cậu có thêm cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, cải thiện khả năng tiếng Hàn và rèn luyện kỹ năng đối ngoại.
Với GPA ấn tượng 3.8, chàng trai gốc Bắc Giang cho biết thành công là sự kết hợp giữa việc tiếp thu kiến thức trên lớp và dành thời gian ở nhà rèn luyện tiếng Hàn cùng với việc quản lý thời gian hợp lý. Phúc Trang chia sẻ thói quen quan trọng là "phải đuổi deadline chứ đừng để deadline đuổi mình".
Với những chiến lược trên, cậu luôn cố gắng hoàn thành bài vở đúng hạn, sắp xếp thời gian một cách hiệu quả, tạo đà cho sự tiến bộ liên tục.
Với những thí sinh mong muốn thi vào ngành Hàn Quốc USSH - ngành cạnh tranh cực kỳ gắt gao những năm gần đây, Phúc Trang nhắn nhủ: "Ngôn ngữ là công cụ để bản thân đi làm và hội nhập với thế giới. Vì vậy, khi học một ngành nghề nào đó, luôn học song song với một hay nhiều ngoại ngữ để bổ trợ bản thân. Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn một ngành học, hãy suy nghĩ thật kỹ sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội về ngành học đó".
Hiện tại, Phúc Trang là nhân viên đối ngoại của một công ty Việt Nam có hợp tác với Hàn Quốc. Cậu suy nghĩ "Va chạm với xã hội cũng là cách học và tích lũy kinh nghiệm cũng như tài chính".
Sau đó, chàng trai muốn tiếp tục học lên cao một chuyên ngành liên quan đến Hàn Quốc để đáp ứng mục tiêu trong tương lai.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.