Zing trích dịch bài viết của Tiến sĩ Samuel, nhà nghiên cứu công nghệ và đồng tác giả của cuốn sách “Remote, Inc.: How to Thrive at Work…Wherever You Are.” (tạm dịch: Cách để phát triển trong công việc trong mọi môi trường) về thói quen làm việc trong phòng ngủ. Tuy là một thói quen vẫn thường bị cho là có hại nhưng trên thực tế lại mang tới những lợi ích không ngờ.
Tôi biết đem việc lên giường làm không phải một ý tưởng đáng khích lệ. Các chuyên gia về giấc ngủ sẽ đưa ra cảnh báo rằng điều đó có thể khiến phòng ngủ bị mất đi ý nghĩa của nó. Khi đó, bạn sẽ phải trả giá bằng chứng mất ngủ nghiêm trọng vì nơi vốn để nghỉ ngơi đã bị biến thành phòng làm việc.
Các nhà vật lý trị liệu sẽ đưa ra lời khuyên về những ảnh hưởng xấu đến lưng, cổ và cánh tay của bạn khi không ngồi trên một chiếc bàn tiêu chuẩn. Và người yêu của bạn có thể sẽ nói rằng điều đó phá hủy thời gian thư giãn của hai người.
Nhưng tôi vẫn quyết định đi ngược lại dù đã biết tất cả những điều này. Làm việc trên giường là điều tôi vẫn làm trong suốt 35 năm qua. Và điều đặc biệt là, nhiều công việc tôi làm khi vùi mình trong chăn gối đã đạt được thành công mỹ mãn.
Làm việc hiệu quả hơn khi ở trên giường. Ảnh: New York Times. |
Nơi thói quen bắt đầu
Khi tôi còn học trung học, do sửa nhà nên trong vài tháng liền tôi không có bàn để làm việc. Sau đó, lên tới đại học, căn hộ tôi sống lạnh tới nỗi chỉ có thể làm việc trên giường. Đến khi chuyển tới một nơi có thể làm việc tại bàn như bao người, tôi đã gắn bó với chiếc giường của mình.
Tôi biết việc viết báo cáo hay tham gia những cuộc họp khi cuộn mình trong chăn nghe thật thiếu chuyên nghiệp nhưng đó lại là một phần lý do khiến tôi làm việc hiệu quả hơn. Giường là nơi để nghỉ ngơi và điều này thì ngược lại với đi làm. Chính vì vậy, nó khiến tôi không có cảm giác như mình đang phải làm việc.
Điều này khiến cho tôi cảm thấy rằng dù công việc có tẻ nhạt và căng thẳng đến đâu cũng có thể được giải quyết ngay lập tức nếu nó được giải quyết trên giường.
Không phải phòng làm việc, giường ngủ mới là nơi lý tưởng nhất để làm việc. Ảnh: Ketut Subiyanto. |
Ngay cả khi không thể nằm giường vì phải làm việc với máy tính bàn, tôi cũng sẽ mang máy vào phòng ngủ khi cảm thấy chán nản hoặc mệt mỏi. Chỉ cần vậy đã đủ để tôi cảm thấy phấn chấn và như được tiếp thêm năng lượng.
Tôi có thể làm việc hiệu quả vì chiếc giường đã được trang bị thành nơi duy nhất có thể khiến tôi cảm thấy thoải mái mọi lúc.
Do dễ bị lạnh khi căng thẳng, tôi đã sắm đệm sưởi và chăn lông vũ dày. Đầu giường là một “trạm sạc” có đầu USB-C để tôi có thể sạc laptop mọi lúc cùng với tai nghe dự phòng trong ngăn kéo. Tôi cũng có đủ cả dầu thơm, son dưỡng, kem dưỡng ẩm và một bình nước đầy. Những tiện nghi này biến nơi làm việc của tôi không khác gì một spa.
Không bị làm phiền
Một điều tuyệt vời khác khiến tôi yêu thích phòng ngủ của mình là chiếc cửa. Tôi đã từng không thích thiết kế có tay nắm khóa của nó, cho đến khi những đứa trẻ xuất hiện.
Trong khi nếu làm việc tại phòng bếp hay bàn làm việc, bất kỳ ai cũng có thể bất ngờ bước vào làm phiền, tôi có thể chốt cửa phòng ngủ và tránh được những phiền toái từ bên ngoài.
Việc bật đệm sưởi, đóng rèm cửa và chui trong chăn không hề gây buồn ngủ. “Chiếc kén” ấm cúng giúp tôi duy trì được sự tập trung, ít bị ức chế và sáng tạo hơn. Mặc dù đôi lúc tôi vẫn bị ảnh hưởng khi phát hiện ra mình làm vấy bẩn ga giường bởi bút hoặc đồ ăn. Lâu dần, tôi coi đó như một huy hiệu danh dự và học cách ngủ cùng những mảnh vụn.
Gạt bỏ đi những tiêu chuẩn khiến công việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Thực tế là tôi vẫn ngủ ngon, thậm chí là chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Chỉ cần tôi làm việc vào buổi sáng thì đến tối, căn phòng vẫn là nơi để nghỉ ngơi.
Thêm vào đó, tôi may mắn có một người chồng không quan tâm đến những điều vụn vặt hay càm ràm về việc tổ ấm tình yêu của chúng tôi bị biến thành phòng làm việc.
Dù cả hai chúng tôi đều thoải mái với việc sử dụng phòng ngủ như chỗ để làm việc, tôi vẫn phải thừa nhận những ảnh hưởng về thể chất bị phát sinh sau thời gian dài.
Nghe có vẻ ngược đời nhưng ngồi bàn làm việc sẽ khiến tôi đau lưng hơn là nằm giường. Bởi tôi chỉ có thể ngồi cố định một tư thế, trong khi ở trên giường tôi có thể thay đổi vị trí liên tục.
Dịch bệnh khiến chúng ta phải tìm cách thích nghi với một thế giới mới, nơi nhà là chỗ làm việc và trong nhiều trường hợp, ta thậm chí phải làm cho nó giống như một văn phòng. Nhưng sao chúng ta không làm ngược lại, biến không gian làm việc trở nên gần gũi và ấm cúng hơn?
Tôi đã dần từ bỏ cái gọi là chuyên nghiệp, từ trang phục công sở đến những thông tin cá nhân khi trò chuyện với đồng nghiệp. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn khi đi làm, ít phân tâm, vui vẻ và hiệu quả công việc cũng tốt hơn. Đây không chỉ là yếu tố giúp hoàn thành công việc mà còn giúp tôi được nạp lại năng lượng sau khi kết thúc. Và nó cũng giúp tôi ngủ ngon hơn.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.