Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tưởng con bị cảm, không ngờ hôn mê vì viêm não

Không được phát hiện kịp thời, nhiều trẻ mang di chứng động kinh suốt đời, thậm chí tử vong do viêm não Nhật Bản. Hơn nữa, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Di chứng suốt đời

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, T. (10 tuổi, Gia Lộc, Hải Dương) là trường hợp bệnh nhân có thâm niên nằm viện lâu nhất. Bé nhập viện từ trước Tết âm lịch và ăn Tết luôn tại viện. Cho đến nay, sau hơn 3 tháng trời, dù đã điều trị tích cực, nhưng gia đình vẫn chưa biết ngày nào bé được xuất viện.

Chị Lan, mẹ cháu T., cho biết trước khi vào khoa Nhi, BV Bạch Mai, bé có 4 ngày bị sốt, anh chị cứ ngỡ con bị cảm thông thường nên đi mua thuốc cảm về cho con uống. Dù đã uống thuốc nhưng những con vẫn sốt, người nóng như hòn than. Chỉ đến khi cháu ôm đầu kêu đau, nôn liên tục, người lả đi anh chị mới đưa con đến bệnh viện huyện.

Ngay lập tức bé T. được chuyển lên bệnh viện tuyến đầu về nhi ở Hà Nội. Ở đây, T. được các bác sĩ khám rồi cho về. “Cháu vẫn sốt, nôn nhiều hơn. Có những lúc thấy cháu đỡ sốt, tỉnh táo hơn, cứ ngỡ con sẽ khỏi. Nhưng nhìn cháu đi xe đạp ngã dúi dụi, cả nhà không yên tâm liền đưa cháu lên Bệnh viện Bạch Mai. Điều xấu nhất đã xảy ra…”, chị Lan ngân ngấn nước mắt kể lại.

Ths.BS Nguyễn Thành Nam (phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho hay: "Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt li bì, liên tay ôm đầu. miệng nói nhảm. Sau các xét nghiệm chúng tôi xác định cháu T. bị viêm não Nhật Bản.

Đây là trường hợp nặng biến chứng do viêm não Nhật Bản, khi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện bé T. đã cai được máy thở nhưng vẫn phải ăn bằng ống xông. Đáng ngại là cháu không có dấu hiệu tỉnh lại, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những cơn co giật". 

Bé T. vẫn trong tình trạng hôn mê.

Bé T. vẫn trong tình trạng hôn mê. Ảnh: Infonet.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Theo BS Nam, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Arbovirus có tên là virut viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt. Hiện nay, ở miền Bắc, mưa và nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền, trong đó có viêm não Nhật Bản càng cao.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hầu hết người bị nhiễm virut viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Ban đầu, người bệnh thường sốt cao, đau đầu nhưng uống thuốc giảm đau không hiệu quả, nôn nhiều không liên quan đến thức ăn. Trường hợp nặng sẽ thay đổi tâm trạng, triệu chứng thần kinh, suy nhược, rối loạn vận động có thể phát triển trong một vài ngày.

 20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong. Mặc dù một số triệu chứng cấp tính được cải thiện nhưng 30-50% những người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức, hoặc triệu chứng tâm thần, phổ biến nhất là động kinh, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.

Mặc dù để lại hậu quả nghiêm trọng song cho đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu vẫn dựa vào hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...

Vì thế, BS Nam khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, cần phối hợp các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi. Nếu con có những biểu hiện nghi ngờ viêm não thì cần khẩn trương đưa trẻ đến viện để được khám và điều trị kịp thời.

Du lịch nước ngoài cần tiêm loại vắc xin nào?

Hiện nay các đơn vị y tế dự phòng trên toàn quốc thường có đủ các loại vắc xin cần thiết để bảo vệ cho người đi du lịch ra nước ngoài.

http://infonet.vn/tuong-con-bi-cam-khong-ngo-hon-me-vi-viem-nao-post161046.info

Theo Ngô Châu Anh/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm