Sáng 6/10, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức chương trình "HĐND với cử tri" nhằm giải đáp những vấn đề người dân quan tâm.
Lung lay thương hiệu "thành phố đáng sống"
Theo phản ánh của cử tri, tình hình tội phạm trên địa bàn đang có những dấu hiệu lo ngại. Những tháng gần đây, ở Đà Nẵng đã xuất hiện một số băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Những người trong băng nhóm này rất liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí để gây thương tích cho những ai chậm hoặc không trả nợ đúng hẹn.
Cử tri cho rằng nếu Công an Đà Nẵng không có giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng trên thì thương hiệu "thành phố đáng sống" sẽ bị lung lay.
Theo thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, từ quý II năm 2018 đến nay, trên địa bàn xuất hiện một số người lạ mặt đi phát tờ rơi, dán quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
Những người vay tiền thường làm nghề buôn bán nhỏ, lao động phổ thông, học sinh sinh viên… Thông qua các băng nhóm này, người dân rất dễ vay được tiền vì thủ tục đơn giản, không cần dùng tài sản thế chấp.
Sau khi cho vay tiền, các chủ nợ sẽ tính lãi suất theo ngày hoặc theo tháng và tiến hành thu nợ theo hợp đồng. Khi đến hạn mà người dân không có tiền trả nợ, các đối tượng cho vay sẽ dùng vũ lực để đe dọa, uy hiếp và thậm chí sẵn sàng gây thương tích.
"Thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số trường hợp như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, tạt sơn, hăm dọa... liên quan đến tín dụng đen", tướng Viên thông tin.
262 kẻ tình nghi vào tầm ngắm
Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết trên cả nước có hơn 7.000 vụ hình sự liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Riêng ở Đà Nẵng có khoảng 260 đối tượng, tổ chức cho vay theo kiểu tín dụng đen. Trong đó, có khoảng 60 người đến từ các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ…
"Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nắm được 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp có biểu hiện cho vay nặng lãi và đã phân công lực lượng giám sát chặt. Tôi tin thời gian tới tình hình cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê sẽ giảm", thiếu tướng Viên nói.
Cử tri chất vấn lãnh đạo Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Giám đốc Công an Đà Nẵng thừa nhận nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp rất lớn và đây là quan hệ dân sự của các bên liên quan nên biện pháp phòng ngừa rất khó khăn.
"Phòng cảnh sát hình sự đã và đang phối hợp với lực lượng hình sự các địa phương tập trung mật phục, bám địa bàn để theo dõi những kẻ tình nghi", tướng Viên nói.
Theo ông, mới đây Công an quận Sơn Trà đã khởi tố vụ án cho vay nặng lãi trên địa bàn. Công an huyện Hòa Vang cũng khởi tố vụ án cướp tài sản liên quan đến cho vay nặng lãi. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xứ lý 13 vụ liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn Đà Nẵng.
"Công an đã lập danh sách theo dõi 262 kẻ tình nghi, câu kết với 64 người đến từ các địa phương phía bắc vào Đà Nẵng hành nghề cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê", Giám đốc Công an TP Đà Nẵng nói.
7.624 vụ phạm tội liên quan tín dụng đen
Theo số liệu Bộ Công an thống kê từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Hiện tại, Bộ Công an đang đấu tranh 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chỉ ra 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, ông cho rằng kinh tế trong nước còn có nhiều khó khăn, do đó nhiều cá nhân, công ty, tổ chức khó khăn về vốn nên đã vay vốn tín dụng đen, vay nặng lãi.
Quảng cáo cho vay tín dụng dán khắp nơi. Ảnh: Zing.vn |
Thứ hai, một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ, cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi của bản thân. Khi cần cho mục đích ăn chơi thì bất kể mức lãi suất nào họ cũng vay cả.
Nguyên nhân thứ ba được Bộ trưởng Công an chỉ ra là các chế tài xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa được quan tâm đúng mức.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tăng cường phối hợp các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về giao dịch, sử dụng vốn an toàn, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm liên quan tín dụng đen, đòi nợ thuê.