Tương lai của mỗi người phụ thuộc nhiều vào những khóa học trên giảng đường. Ảnh: Letudiant. |
Trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay định vị tương lai của việc làm, nhiều trường đại học và các trường kinh doanh danh tiếng phải đối mặt với một thách thức khác: Dạy gì về tương lai đó?
Không giống các môn học thông thường trong chương trình MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) như Kế toán hoặc Marketing, chẳng dễ gì mà nói về một chủ đề rộng như "việc làm" hay "công việc" trong khuôn khổ lớp học, Bloomberg nhận định.
Hiện tại, phương pháp tiếp cận điển hình xoay quanh chủ đề "công việc không dễ dàng". Khóa học có thể bao gồm thảo luận về các chủ đề như giờ làm việc kết hợp, sự đa dạng và hòa nhập, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tuyển dụng và phong trào công đoàn đang gia tăng.
Định hình làn sóng CEO tiếp theo
Các chương trình mới nổi về "tương lai của công việc" sẽ khác nhau, tùy thuộc vào người học (họ là sinh viên MBA hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp?), người hướng dẫn (là giảng viên hay nhà tư vấn?) và các yếu tố khác. Dù vậy có một điều chắc chắn: Tầm quan trọng của việc phải nói đến những vấn đề đó. Nhà lãnh đạo sẽ không thành công nếu không hiểu tác động của quyết định đối với người lao động, dù đó là Wall Street hay Walmart.
Brian Lowery, giáo sư tại trường Cao học Kinh doanh Stanford (Đại học Stanford), cho biết: “Hiện có nhiều bất đồng xung quanh chủ đề này. Một phần quan trọng là tạo không gian cho đối thoại và chuẩn bị kiến thức cho sinh viên, bởi vì họ sẽ đưa ra những quyết định có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mọi người sau này".
Brian Lowery đã phát triển một khóa học là ví dụ điển hình về thể loại này. Nó nhẹ về lý thuyết quản lý, nặng về việc lôi cuốn sinh viên vào các cuộc trò chuyện thường gây tranh cãi về sự bất bình đẳng nơi làm việc thời kỳ hậu đại dịch.
Ông mang đến chương trình đào tạo các khách mời bao gồm lãnh đạo công đoàn, nhà kinh tế học về lao động, lãnh đạo các tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ công nhân Philippines ở Nam California. Bạn có thể tìm thấy cuộc trò chuyện của họ với Lowery trên mạng.
Với những sinh viên nhưng Tony Douglas Jr., việc được nghe những tiếng nói từ khắp các khu vực như vậy tỏ ra có ích. "Những khóa học khác tôi từng dự thường nằm hoàn toàn dưới cái bóng của các công ty công nghệ lớn, nhưng Brian lại mang đến đây mọi người từ khắp mọi nơi, những người tôi chưa từng nghĩ sẽ kiến tạo nên tương lai của công việc".
"Chúng tôi như sống trong một quả bong bóng. Càng có nhiều người có thể đóng góp tiếng nói của mình để ảnh hưởng đến làn sóng CEO tiếp theo càng tốt", Douglas nói.
Trường Kinh doanh Sloan thuộc MIT. Ảnh: Bloomberg. |
Đại dịch làm thay đổi mọi thứ
Trước đại dịch Covid-19, tương lai của công việc chỉ là một chủ đề kén thính giả tại các trường kinh doanh, nơi cuộc tranh luận chủ yếu là về việc khi nào robot sẽ thay thế con người.
Jeffrey Schwartz, người đồng giảng dạy khóa học về tương lai của công việc tại trường Kinh doanh Columbia (Đại học Columbia), cho biết: "Đó là câu hỏi lớn trong năm 2018. Giờ đây, nó không còn là mối đe dọa. Hiện tại, chúng ta tập trung vào khám phá mối quan hệ thích hợp giữa doanh nghiệp với người lao động hoặc sự đánh đổi giữa con người và lợi nhuận".
"Đại dịch phơi bày sự bất lực của người lao động. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều lao động tuyến đầu thậm chí không nhận được những nhượng bộ cơ bản, chẳng hạn nghỉ việc có lương vì mắc Covid-19. Vì vậy, có một mối quan tâm rất lớn trong việc tìm ra cách chúng tôi có thể làm để hệ thống hoạt động tốt hơn", Anna Stansbury, người giảng dạy tại trường Quản lý Sloan của MIT, chia sẻ.
Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ vẫn là mối quan tâm chi phối ở nơi làm việc, đặc biệt là tác động của trí tuệ nhân tạo đối với các tổ chức. Nhiều sinh viên MBA không có nền tảng về code hoặc công nghệ, nên Hatim Rahman tại trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwesten đã thiết kế khóa học giải thích AI là gì và cách ứng dụng AI tại nơi làm việc.
"Tất cả quy trình đều có sai sót, cho dù đó là AI hay con người. Điều quan trọng là phải tìm ra những sai sót đó ở đâu", Rahman nói.
Bloomberg nhận định trong bối cảnh môi trường việc làm liên tục biến đổi, việc nhân sự vừa được o bế hôm nay hôm sau đã mất việc không còn bất ngờ, và các lớp học ở trường kinh doanh cũng phải tiến hóa theo. Tại trường Kinh doanh Kelly của Đại học Indiana, giáo sư Ernest O'Boyle đã thiết kế khóa học về tương lai việc làm dành cho mọi người, không chỉ các CEO tương lai.
Từ một góc nhìn khác, khi nền kinh tế quá bất định, thật khó cho mọi người có thể có một tầm nhìn rõ về tương lai, vì vậy nhiều giảng viên đã cố gắng tiếp cận thông qua nghiên cứu và dữ liệu. "Không có gì tô vẽ ở đây cả", giáo sư Laura Kray của trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California, Berkeley, nói.
Một nỗi lo về các chương trình MBA là đôi khi lớp học trở thành buổi "pitch" bán hàng, đặc biệt khi có rất nhiều giảng viên - tư vấn viên không muốn chỉ trích các khách hàng lớn nhưng vẫn muốn giữ lấy quan điểm của mình về thế giới.
"Chúng tôi không phải các giáo sư", Bloomberg dẫn lời Anne-Claire Roesch, một trong hai tư vấn viên về nơi làm việc của Deloitte và đang giảng dạy khóa học tương lai của công việc tại Đại học Cornell. Khóa học vốn được giáo sư Jeffrey Schwartz tạo ra, và ông trước kia cũng từng làm việc ở Deloitte.
Jensen Daniel, một sinh viên tham gia khóa học này tại Cornell, nói rằng dù khóa học phản ánh góc nhìn của giới tư vấn, những người dạy "có ý thức không làm nó quá bị ảnh hưởng bởi Deloitte".
Đặt vấn đề đó sang một bên, rõ ràng đã đến lúc các trường kinh doanh quan tâm nhiều hơn đến nơi làm việc. Chuyên gia tư vấn Anne-Claire Roesch đang giảng dạy tại Đại học Cornell nói: "Mười năm trước, nguồn nhân lực không phải là câu chuyện được quan tâm. Đó là lý do chúng tôi cần khiến nó trở thành một phần của chương trình giảng dạy".