Tượng 'phụ nữ mua vui' được đưa lên xe buýt ở Seoul
Thứ năm, 17/8/2017 10:05 (GMT+7)
10:05 17/8/2017
Các bức tượng thiếu nữ mặc hanbok, đi chân trần được đặt trên 5 xe buýt ở Seoul dù việc sử dụng không gian công cộng để tuyên truyền vấn đề nhạy cảm có thể khiến Nhật Bản tức giận.
Các tuyến xe buýt có lắp đặt tượng "nô lệ tình dục", hay còn gọi là "phụ nữ giải khuây", bắt đầu chạy ở Seoul từ hôm 14/8, một ngày trước khi Hàn Quốc kỷ niệm sự kiện nước này thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản (1910-1945).
Cụm từ "phụ nữ giải khuây" là cách nói tránh dùng để chỉ khoảng 200.000 bé gái và thiếu nữ, phần lớn sống trên bán đảo Triều Tiên, bị ép vào làm trong các nhà thổ của quân đội Nhật ở tiền tuyến trước và sau Thế chiến II.
Tượng là tác phẩm của hai nghệ sĩ Kim Eun-sung and Kim Seo-kyung (người đang chụp ảnh trong hình), được lắp đặt trên ghế hành khách đầu tiên của 5 xe buýt thuộc công ty dịch vụ vận tải Dong-A.
"Tượng được thiết kế để nhắc nhở người dân Hàn Quốc về nỗi đau mà những người phụ nữ phải gánh chịu", ông Rim Jin-wook, người đứng đầu công ty Dong-A, nói với AFP. "Chúng tôi muốn kêu gọi người dân không được quên lịch sử đau thương".
Mỗi khi đi qua đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, những chiếc xe buýt này sẽ phát đoạn thuyết minh về vấn đề nhạy cảm qua hệ thống âm thanh trên xe.
Thị trưởng thành phố Seoul ủng hộ dự án này, cho rằng đây là một "cơ hội để tỏ lòng cảm thông đến các nạn nhân". Chương trình sẽ kéo dài đến cuối tháng 9.
"Nô lệ tình dục" là vấn đề nhạy cảm mà thời thế chiến để lại trong quan hệ Hàn - Nhật. Tokyo từng nhiều lần phản đối việc Hàn Quốc cho phép dựng các bức tượng khắc họa hình ảnh nạn nhân, thường là một thiếu nữ mặc hanbok đi chân trần, tại nơi công cộng.
Nhật Bản cho rằng việc trưng bày các bức tượng như vậy ở nơi công cộng là trái với tinh thần của một thỏa thuận mà hai nước ký vào năm 2015 nhằm giải quyết cuộc tranh cãi về vấn đề nhạy cảm một cách "dứt khoát và không thể thay đổi".
Thỏa thuận bao gồm lời xin lỗi từ chính phủ Nhật, song Tokyo từ chối các trách nhiệm pháp lý, duy trì lập trường chính thức rằng mọi yêu cầu bồi thường đã được giải quyết thông qua hiệp ước hòa bình năm 1965. Trở ngại lớn nhất là Nhật yêu cầu Hàn Quốc dẹp bỏ mọi bức tượng về chủ đề này trên toàn quốc.
Tòa án Hàn Quốc ngày 8/8 ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản trả tiền bồi thường cho các lao động khổ sai thời chiến.
Nhật Bản đã tạm thời triệu hồi đại sứ và tổng lãnh sự tại Hàn Quốc do bức tượng "phụ nữ mua vui" được đặt ngay bên ngoài tổng lãnh sự quán Nhật tại thành phố Busan.