Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ngày 19/12, ông Mourez Thomas, Tùy viên hợp tác y tế và phát triển xã hội, Đại sứ quán Pháp, đã đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để làm thủ tục đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết, chết não.
Chia sẻ về hành động ý nghĩa này, ông Mourez Thomas cho biết trước kia, Pháp cũng thực hiện việc đăng ký hiến tặng mô/tạng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, quy định này của Pháp đã thay đổi, các công dân Pháp đương nhiên là người hiến tặng mô/tạng, chỉ có những người không muốn hiến tặng mô/tạng sẽ phải tự làm đơn đăng ký chối từ. Quy định này được phổ biến rộng rãi và thường xuyên trên các phương tiện truyền thông.
Ông Mourez Thomas viết đơn đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não. Ảnh: Trung tâm cung cấp. |
Tùy viên này chia sẻ ông có 2 người thân đã nhận tạng từ người cho chết não, một người được nhận trái tim và người còn lại nhận thận. Vừa công tác trong lĩnh vực y tế vừa có người nhà được ghép tạng, ông rất quan tâm đến lĩnh vực hiến tặng mô/tạng cũng như những câu chuyện về ghép tạng tại Việt Nam.
Ông Mourez Thomas mới đến Việt Nam 2 tháng và sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình tại Việt Nam trong 4 năm.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, cho hay sau 5 năm trung tâm hoạt động, đến nay cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não. Đặc biệt, 3.378 ca được ghép tạng đã được thực hiện trong cả nước. Trong đó, 3.223 ca ghép thận; 125 ca ghép gan; 26 ca ghép tim; 1 ca ghép khối thận - tụy; 1 ca ghép khối ghép tim - phổi và 2 ca ghép phổi.
Nguồn mô tạng được hiến tặng còn quá giới hạn, trong khi nhu cầu thay thế cao. Hiện nay, khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, 1.500 bệnh nhân suy gan cần được ghép gan thay thế, hơn 300.000 người bị bệnh lý giác mạc cần thay thế giác mạc…