Cuối giờ sáng 2/6, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tuyên Mai Đình Tâm (47 tuổi), Nguyễn Văn Ly (43 tuổi, cùng ở xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) mỗi bị cáo một năm ba tháng tù cùng tội Gây rối trật tự công cộng.
Vụ án này liên quan đến vụ án em Tu Ngọc Thạch (11 tuổi, học sinh lớp 9, trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh)- người bị công an xã Vạn Long đánh chết. Trong đó, Mai Đình Tâm là bác họ và Nguyễn Văn Ly là cậu ruột của em Thạch.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Vạn Ninh cáo buộc hai bị cáo Tâm, Ly đã có hành vi Gây rối trật tự công cộng sau khi xảy ra cái chết của em Tu Ngọc Thạch.
Tuy nhiên, trình bày tại phiên tòa, cả hai bị cáo Tâm, Ly đều khẳng định khi họ có mặt tại quốc lộ 1 thì đã có hàng trăm người tập trung trên quốc lộ 1 và đường đã bị tắc. Bị cáo Ly khai khi đi biển về đến nhà đã 12h ngày 31/12/2013.
Khi các bị cáo chạy lên quốc lộ để đón xác cháu lúc 12h30 cùng ngày, hàng nghìn người đã tập trung la lối trên quốc lộ 1. Bức xúc vì cháu ruột bị công an đánh chết, các bị cáo có la lối: “Trời ơi! Cháu tôi bị công an đánh chết rồi!” chứ không có hành vi xúi giục, kích động người khác. Khi lực lượng cảnh sát cơ động đến giải tán, họ cũng đã trở về nhà.
Hai bị cáo Mai Đình Tâm (47 tuổi), Nguyễn Văn Ly cho rằng mình chỉ la lối do cháu bị công an đánh chết chứ không xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng. |
Bị cáo Tâm không biết chữ cũng không hề biết mình bị truy tố tội danh trên. “Nghe cháu tôi bị công an đánh chết, gia đình tôi đau đớn, bức xúc, la lối như vậy chứ không nghĩ là gây rối trật tự công cộng. Dân làng đã tập trung rất đông trên quốc lộ 1 trước khi chúng tôi đến. Chúng tôi có la hét hay nói gì cũng không ai nghe vì rất đông người và hỗn loạn”, bị cáo Tâm nói.
Còn theo bị cáo Ly, trong quá trình điều tra, điều tra viên tên Công đã ép cung bị cáo này. “Tôi khai với công an Công là mãi đến 12h trưa tôi mới đi biển về đến nhà. Anh Nguyễn Văn Thành (người bà con - PV) dùng xe máy chở tôi lên thẳng quốc lộ 1 để đón xác cháu Thạch đã là 12h30 nhưng công an Công không chịu, bảo là phải ghi 11h39 tôi đến trụ sở UBND xã, sau đó đến la lối trên quốc lộ 1.
Công an Công đọc lại biên bản, tôi không chịu ký nhưng ông bảo cứ ghi như vậy rồi ông tính”, bị cáo Ly trình bày. Nhân chứng Nguyễn Văn Thành cũng khai rằng khi đến quốc lộ đã hơn 12h30 và có rất đông người tập trung.
Luật sư bào chữa cho hai bị cáo cho rằng không có cơ sở để truy tố tội Gây rối trật tự công cộng đối với các bị cáo bởi khi họ đến quốc lộ 1 thì đã có hơn 500 người tập trung và đường đã bị tắc. Nguyên nhân của việc người dân tập trung, gây ách tắc quốc lộ 1 là do người dân quá bức xúc trước việc việc một em học 14 tuổi bị công an đánh chết dẫn đến cái chết đột ngột.
“Khi bị cáo Tâm còn đang đánh bắt cá ngoài biển, đã có trăm người tập trung trên quốc lộ 1 và đường đã bị tắc. Sao lại bắt một người đang ở dưới biển chịu trách nhiệm một việc xảy ra trên đất liền? Tại sao lúc đó có hàng chục cán bộ chính quyền, công an, có cả loa và công cụ hỗ trợ nhưng không giải tán được rồi đổ cho các bị cáo.
Những câu la lối của các bị cáo là chỉ nói lên một sự thật là một cháu bé bị công an đánh chết. Việc người dân tập trung trên quốc lộ 1 là hậu quả của tất yếu của một sự việc gây bức xúc, phẫn nộ. Hai bị cáo không liên quan gì đến việc gây tắc đường”, luật sư bào chữa cho bị cáo Tâm nói.
Trong phần tranh luận, đại diện VKS cũng thừa nhận khi các bị cáo đến quốc lộ 1 thì đường đã bị tắc do có hàng trăm người tập trung. Tuy nhiên, người giữ quyền công tố cho rằng chính việc la lối của các bị cáo khiến lực lượng chức năng không giải tán được đám đông nên phải chịu trách nhiệm.
Khi trình bày quan điểm xét xử, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mỗi bị cáo từ một năm ba tháng đến một năm sáu tháng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, tòa đã tuyên phạt mức án trên.