Người hâm mộ cảm thấy lo lắng khi đến Qatar xem đá bóng. Ảnh: BBC. |
“Tôi là đàn ông và tôi yêu đàn ông. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Vì vậy hãy làm quen với nó”, đó là tuyên bố của Dario Minden, một người hâm mộ đội bóng Đức.
Bài phát biểu mạnh mẽ này của anh nhận được nhiều sự chú ý và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội vào tháng 9 vừa qua.
Bóng đá dành cho mọi người
Trong cuộc trò chuyện tại sự kiện do hiệp hội bóng đá Đức tổ chức, Dario Minden sử dụng tiếng Đức trước khi chuyển sang nói tiếng Anh. “Tôi muốn cho cả thế giới nghe thấy", anh bộc bạch.
Abdullah bin Mohammed bin Saud al-Thani, đại sứ Qatar tại Đức, đang có mặt trong căn phòng đầy chức sắc cùng các nhà tài trợ. Ông ấy ngồi ở hàng ghế đầu, chăm chú, lắng nghe Minden chia sẻ.
“Bóng đá dành cho mọi người", Minden tiếp tục nói. “Không quan trọng bạn là nam hay nữ, hay giới tính thứ ba. Quy tắc này rất quan trọng. Chúng tôi không thể cho phép ai phá vỡ đi quy tắc này cho dù đất nước của bạn hay bạn có giàu đến đâu.
Dĩ nhiên, chúng tôi - những người yêu môn thể thao vua rất hoan nghênh khi bạn tham gia vào cộng đồng bóng đá quốc tế, các giải đấu lớn. Nhưng bạn cần phải chấp nhận các luật lệ”.
Khi Minden kết thúc phần trình bày của mình, phía dưới anh là tiếng vỗ tay giòn giã.
Việc anh ấy yêu đàn ông và quan hệ tình dục đồng giới không phải là vấn đề tại Đức. Nhưng đó là vấn đề lớn ở Qatar, quốc gia sẽ tổ chức World Cup 2022, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh kéo dài trong suốt một tháng.
Đây là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông, chắc chắn sự kiện này sẽ đi vào lịch sử. Tuy nhiên, giải đấu này cũng gây ra hàng loạt tranh cãi từ cái chết của những người lao động nhập cư, các vấn đề về quyền của phụ nữ, cho đến những ánh nhìn kỳ thị cộng đồng LGBT….
Đồng tính luyến ái ở Qatar là bất hợp pháp và có thể bị phạt tới 3 năm tù giam. Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, được công bố vào tháng 10/2022, cho biết lực lượng an ninh Qatar từng bắt giữ tùy tiện những người thuộc cộng đồng LGBT và đối xử tệ bạc với họ trong suốt quá trình giam giữ.
“Khi chúng tôi nói về quyền của cộng đồng LGBT, tôi không chỉ muốn nói đến khách du lịch xem bóng đá mà còn là tình hình trước và sau giải đấu", Minden nói với CNN.
Sau hội nghị, Minden được cho là đã có cuộc trò chuyện riêng với đại sứ, người từng nói rằng “Tất cả đều được chào đón khi đến với Qatar".
“Điều đó không an toàn và không đúng sự thật", Minden phản bác lại.
Rất nhiều luật lệ hà khắc tại Qatar như không được thể hiện tình cảm, không chấp nhận đồng tính. Ảnh: NBC News. |
'Mọi người đều được chào đón đến Qatar’
Một quan chức chính phủ Qatar nói với CNN rằng quốc gia Hồi giáo này là một đất nước hòa nhập.
“Mọi người đều được chào đón khi đến Qatar. Chúng tôi tiếp đón rất nồng nhiệt và chưa bao giờ đặt nặng vấn đề xuất thân của họ", người này nói thêm.
Theo FIFA, các biện pháp đã được tăng cường thực hiện để đảm bảo không xảy ra các tình trạng phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Các buổi đào tạo về nhân quyền với lực lượng an ninh đã được tổ chức. Đồng thời, FIFA cũng ban hành các quy định để bảo vệ người hâm mộ đến Qatar tận hưởng bóng đá.
Ủy ban Tối cao về Phân phối & Di sản Qatar, nơi chịu trách nhiệm giám sát các dự án cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch cho World Cup, tuyên bố sẽ có những giải pháp toàn diện và không để xảy ra phân biệt đối xử.
Những người đứng đầu tổ chức này chỉ ra việc quốc gia họ đã tổ chức hàng trăm sự kiện thể thao quốc tế và khu vực kể từ khi được trao quyền đăng cai World Cup vào năm 2010.
“Chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra. Tất cả sự kiện đều an toàn. Mọi người được đón chào khi đến Qatar. Nhưng chúng tôi là một quốc gia có nguyên tắc, bất kỳ sự thể hiện tình cảm nào ở nơi công cộng, bất kể xu hướng nào, đều bị phản đối. Chúng tôi chỉ yêu cầu mọi người tôn trọng văn hóa của chúng tôi”, tuyên bố này nói rõ.
Bên cạnh đó, nhiều thông điệp trái chiều tiếp tục xuất hiện khi Khalid Salman, cựu cầu thủ bóng đá người Qatar, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức ZDF. Anh ta cho rằng đồng tính luyến ái là một dấu hiệu tổn thương trong tâm lý. Điều này khiến dư luận phẫn nộ.
Khi CNN hỏi FIFA về lời khuyên dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT đến Qatar, người đứng đầu FIFA chỉ trích lại lời tuyên bố của Fatma Samoura, tổng thư ký của cơ quan quản lý.
“Dù bạn thuộc chủng tộc nào, tôn giáo nào, có định hướng xã hội hay xu hướng tính dục ra sao, bạn vẫn sẽ được người dân Qatar tiếp đón nồng hậu với tất cả lòng nhiệt thành và hiếu khách", người này nói.
Qatar tự tin tuyên bố rằng họ luôn chào đón du khách bất kể sắc tộc, xu hướng tính dục. Ảnh: CNN. |
'Tôi không cảm thấy thoải mái'
Nhưng đối với Rob Sanderson, một fan hâm mộ bóng đá người Anh, việc tôn trọng các nền văn hóa là “con đường hai chiều”.
Sanderson là thành viên thuộc dự án đặc biệt của Pride in Football, một nhóm người thuộc cộng đồng LGBT của Vương quốc Anh. Đồng thời, đây cũng là một trong những tổ chức đang hợp lực để lên án FIFA và Uỷ ban Tối cao.
Họ muốn bác bỏ tuyên bố của Qatar rằng đây là “một World Cup dành cho tất cả".
Cách đây 4 năm, tại sân vận động Wembley (Anh), trước trận đấu giữa đội tuyển Anh và Tây Ban Nha, Sanderson có cuộc cãi vã với một người hâm mộ khác. Anh là nạn nhân của một cuộc tấn công kỳ thị người đồng tính.
“Vụ việc đã được cảnh sát tiến hành điều tra. Nhưng điều khiến tôi thoải mái nhất chính là giới tính của mình được chấp nhận tại Anh. Tôi có thể cùng bạn bè giương cao những lá cờ của cộng đồng LGBT và tự hào vì đội tuyển chiến thắng", anh kể với CNN.
Tuy nhiên, Sanderson sẽ không đến Qatar cho dù tuyển Anh có vô địch giải đấu lớn nhất hành tinh.
“Tôi không cảm thấy thoải mái và an toàn khi đi du lịch đến Qatar. Nếu tôi tự tin thể hiện mình là một người thuộc cộng đồng LGBT, tôi sẽ lôi kéo sự thù địch và trở thành mục tiêu của bất cứ người dân địa phương nào. Tôi không thích bản thân bị trở thành cái cớ cho bất kỳ sự thù địch nào sẽ diễn ra sau giải đấu", Sanderson nói thêm.
Tuy nhiên, Qatar không phải là nước chủ nhà đầu tiên gây tranh cãi khi đăng cai một sự kiện thể thao lớn.
Năm 2013, một sự kiện thể thao tầm cỡ được tổ chức ở Nga cũng gây ra nhiều tranh cãi khi đưa ra luật "cấm tuyên truyền quan hệ tình dục phi truyền thống". Năm 2018, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh cũng phải phát cảnh bảo rủi ro khi các thành viên của cộng đồng LGBT đến Nga.
Nhưng đối với Sanderson, anh cho rằng Nga vẫn an toàn hơn so với Qatar.
“Họ nói chúng tôi đều được chào đón, nhưng không quên kèm theo lời nhắc nhở hãy tôn trọng văn hóa. Câu chuyện này ở Qatar hoàn toàn khác so với Nga”, anh nhận định.
Cộng đồng LGBT thuộc các tổ chức như Pride in Football, The Rainbow Wall và Three Lions Pride cũng đã đưa ra những lời kêu gọi, tuyên bố đến FIFA.
“Hãy nói rõ về nhân quyền và đề cập đến khả năng để chúng tôi có thể tận hưởng trọn vẹn một trận bóng mà không sợ bị lạm dụng tại đất nước này", tuyên bố này ghi rõ.
Cộng đồng LGBT cảm thấy thiếu an toàn khi đến Qatar xem đá bóng. Ảnh: BBC. |
FIFA đã kêu gọi các quốc gia tham dự World Cup tập trung vào bóng đá khi giải đấu khai mạc vào 20/11. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một số liên đoàn bóng đá châu Âu cho biết họ sẽ tiếp tục vận động các vấn đề nhân quyền và bồi thường cho lao động nhập cư.
Gareth Bale, từng là cầu thủ bóng đá đắt giá nhất thế giới, đội trưởng xứ Wales, sẽ đeo băng đội trưởng OneLove trong các trận đấu ở Qatar để ủng hộ chiến dịch thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập.
Wales là 1 trong 8 quốc gia châu Âu tham dự World Cup ủng hộ sáng kiến này.
“Chúng ta có thể làm sáng tỏ những vấn đề đang diễn ra”, Gareth Bale phát biểu trước chuyến hành quân đến Qatar.
Tuy nhiên, Hugo Lloris, đội trưởng của Pháp, một đội khác tham gia chiến dịch OneLove, cho biết anh muốn tôn trọng văn hóa của Qatar.
“Ở Pháp, khi chào đón người nước ngoài, chúng tôi thường muốn họ 'chơi' theo luật của chúng tôi và tôn trọng văn hóa của chúng tôi – và tôi cũng sẽ làm như vậy khi tới Qatar,” anh nói.
World Cup giống như Thế vận hội, nơi mà nước chủ nhà đang nhận được sự chú ý của toàn cầu. Thông thường, hầu hết tranh cãi sẽ bị lãng quên khi giải đấu chính thức bắt đầu. Không thể loại trừ nhiều khả năng khi World Cup khai mạc, tất cả các vấn đề về nhân quyền tại Qatar sẽ rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, những tiếng nói bất đồng ngày càng lớn hơn và dấu hiệu ủng hộ các vấn đề về LGBT tại Qatar đang ngày càng rõ ràng hơn.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.