Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyến đường xuyên lục địa Á - Âu phượt thủ thường theo đuổi

Để tới châu Âu, Trần Đặng Đăng Khoa đã đi qua đất nước Pakistan đầy nguy hiểm. Nhưng theo chia sẻ của anh, đây không phải con đường xuyên lục địa Á - Âu duy nhất.

Với khát khao chinh phục cháy bỏng, chàng trai sinh năm 1987 tại Tiền Giang - Trần Đặng Đăng Khoa - đã lên đường đi xe máy vòng quanh thế giới từ ngày 1/6, xuất phát ở TP.HCM. 

Theo kế hoạch ban đầu, hành trình tại châu Á của anh sẽ đi qua Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Azerbaijan, Georgia, cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi đặt chân đến châu Âu. Pakistan là một trong những điểm nóng đầy bất ổn của thế giới, nhiều nguy hiểm rình rập, nhưng lộ trình qua đây vẫn là tuyến đường phù hợp nhất với Đăng Khoa vì nhiều lý do. 

Nhung tuyen duong phuot xuyen luc dia A Au anh 1
Trần Đặng Đăng Khoa đi theo tuyến đường màu đỏ từ TP.HCM tới châu Âu. Các tuyến đường khác cũng được thể hiện trong bản đồ. Ảnh: Facebook nhân vật.

Theo chia sẻ của Đăng Khoa, đây không phải là tuyến đường bộ duy nhất đưa du khách xuyên qua lục địa Á - Âu. Nhìn trên bản đồ, có thể thấy đường biên giới phía tây của Trung Quốc và Pakistan (2 điểm khoanh tròn màu xanh) hợp lại thành một ranh giới kéo dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, chia cắt Đông Nam Á với phần còn lại của lục địa Á - Âu.

Vì thế, dân "overlander" (thuật ngữ chỉ những người đi bằng phương tiện cá nhân qua nhiều nước, nhiều châu lục) bắt buộc phải chọn băng ngang một trong hai nước hoặc cả hai, nếu muốn đi từ Đông Nam Á sang châu Âu và ngược lại. 

Những người chọn đi ngang Trung Quốc thường xuất phát từ châu Âu (đường màu xanh lá cây trong bản đồ), sang Nga rồi đi theo "Con đường Xương" Kolyma xuyên suốt đất nước này. Tiếp đó, họ qua Mông Cổ, Trung Quốc, vào Đông Nam Á qua Lào hoặc Thái Lan.

Ưu điểm của tuyến đường này là qua ít nước, ít phải xin visa, tương đối an toàn và có thể đi rất nhanh. Nhược điểm là chi phí qua Trung Quốc rất đắt, bắt buộc du khách phải có hướng dẫn viên đi cùng, lắp biển số tạm...

Đăng Khoa lựa chọn tuyến đường màu đỏ trong bản đồ, đi qua Pakistan. Ưu điểm của cách này là được tới nhiều nước, trải nghiệm nhiều nền văn hóa trên cung đường đầy thú vị và thử thách. Nhược điểm là hành trình dài hơn, thủ tục giấy tờ phức tạp hơn,  và phải băng ngang khu vực nhạy cảm. Tuy nhiên hành trình này đơn giản hơn với người châu Âu nhờ hộ chiếu mạnh. 

Nhung tuyen duong phuot xuyen luc dia A Au anh 2
Trên hành trình, Đăng Khoa gặp đôi vợ chồng người Thụy Sĩ cũng đang đi vòng quanh thế giới, nhưng theo hướng từ châu Âu sang Đông Nam Á bằng chiếc Land Cruiser bản to. Chuyến đi thuận tiện hơn với người châu Âu nhờ ít phải xin visa. Ảnh: Facebook nhân vật.

Ngoài ra, phượt thủ từ châu Âu khi tới Iran có thể vòng lên Turkmenistan để sang các nước Trung Á khác, rồi qua Trung Quốc mà không cần băng ngang Pakistan (theo đường màu đen trong bản đồ).

Tuyến đường Đăng Khoa lựa chọn bắt buộc phải đi ngang cửa khẩu Taftan nằm ngay ngã ba biên giới giữa các nước Iran, Afghanistan và Pakistan, vốn nổi tiếng vì sự bất ổn, bạo động vũ trang. Đăng Khoa cho biết từ đầu tháng 7, đã có 23 du khách đi qua cửa khẩu này, trung bình mỗi ngày một người. Tất cả đều là dân overlander bằng đủ loại xe. Cảnh sát quá quen với việc này, nên họ đã lên sẵn lịch trình đưa đón du khách qua các điểm, để đảm bảo an toàn. 

Chính quyền không muốn cấm du khách trải nghiệm theo phương thức này, vì họ hiểu khách du lịch không còn con đường nào khác nếu chặn cửa khẩu Taftan. Ngược lại, họ cũng cần du khách để thay đổi cách nhìn của công chúng về đất nước mình, đặc biệt là Pakistan, miễn sao đảm bảo được an toàn cho khách. Du khách cũng đã làm giấy không phản đối (NOC) tại thành phố Quetta để cam đoan nếu có bất trắc xảy ra, họ sẽ tự chịu trách nhiệm cho mình. 

Nhung tuyen duong phuot xuyen luc dia A Au anh 3
Khu vực xung quanh cửa khẩu Taftan nối giữa Iran, Afghanistan và Pakistan nổi tiếng bất ổn và thường xuyên xảy ra xung đột. Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa. 

Nhiều trường hợp, dân overlander chọn giải pháp an toàn, nhưng tốn kém hơn nhiều, là gửi xe xuống Dubai rồi đi Mumbai (Ấn Độ), hoặc gửi đường hàng không từ Iran sang thẳng Ấn Độ. Nhưng hầu hết đều muốn đi ngang cửa khẩu Taftan huyền thoại này.

Đăng Khoa không muốn đi tuyến đường qua Trung Quốc, vì chi phí quá đắt đối với anh. Hơn nữa, việc làm visa cho một loạt nước Trung Á còn rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, lại không khả thi nếu xin từ nước thứ ba. 

Một khó khăn khác khi hiện thực hóa giấc mơ của chàng trai Tiền Giang là do đi theo hướng từ đông sang tây về phía mặt trời lặn, nên buổi trưa và chiều mặt trời sẽ rọi thẳng vào mắt trong nhiều tháng. Đó lại là thời gian chạy xe chính nên dễ gây mệt mỏi, giảm thể lực. Đăng Khoa đang có mặt ở Iran, sau đó sẽ sang Azerbaijan. Sau gần 60 ngày chu du thế giới bằng xe máy, anh đã giảm 7 kg.

Cảnh sát Pakistan 'hộ tống' phượt thủ Việt khỏi vùng bất ổn

Trước khi tới Iran ngày 23/7, Trần Đặng Đăng Khoa đã phải vượt qua những nguy hiểm rình rập tại quốc gia đầy bất ổn Pakistan, thường xuyên được cảnh sát hộ tống để đảm bảo an toàn.

Chàng trai Việt dự định đi vòng quanh thế giới bằng xe máy

Chuyến đi dự kiến dài xấp xỉ 50.000 km qua 35 nước trong 2 năm của Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987, Gò Công Tây, Tiền Giang) đã bắt đầu từ 1/6.

Ánh Ngọc

Bạn có thể quan tâm