Một tuần trước cuộc đối đầu giữa Hà Lan và Thụy Điển ở loạt trận cuối vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Âu, Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) thực sự bối rối. Họ không chắc sân Johan Cruyff Arena ở Amsterdam có chật kín khán giả theo dõi cuộc chạm trán quyết định chiếc vé tới Nga hay không.
Từ đầu, người Hà Lan đã mất niềm tin vào đội nhà. Rồi khi Thụy Điển đè bẹp Luxembourg 8-0, hy vọng cạn dần. Tiền vệ Arjen Robben buồn bã thốt lên: "Chỉ có phép màu mới giúp chúng tôi đi tiếp". Sau vòng chung kết Euro 2016, World Cup 2018 trở thành giải đấu lớn tiếp theo Hà Lan không thể góp mặt.
Từng đứng thứ hai trên bảng xếp hạng FIFA, ba lần về nhì tại World Cup, sở hữu một nền bóng đá tiên tiến, tuy nhiên đội tuyển Hà Lan đang lâm vào cuộc đại khủng hoảng. Thất bại mới đây cũng trở thành dấu chấm cho thế hệ vàng của những Robben, Wesley Sneijder, Robin van Persie...
Dấu hỏi người kế thừa
Sau Robben, bóng đá Hà Lan đối mặt cuộc khủng hoảng tài năng khi chưa có gương mặt nào cho thấy sự nổi trội. |
Nền bóng đá Hà Lan của năm 2017 thật sự chìm trong bóng tối. Đội tuyển quốc gia thiếu sinh khí, không xuất hiện gương mặt ưu tú nào. Sau World Cup 2010, "Những cơn lốc màu da cam" chỉ biết phụ thuộc vào những Robben, Sneijder và Van Persie... cũ kỹ.
Trong một động thái vẫy vùng, họ tìm đến Ryan Babel, đã 30 tuổi. Ngay cả thủ thành Cillessen mang tiếng khoác áo Barca, tuy nhiên chưa có phút thi đấu nào chính thức. Đã vậy, Hà Lan tiếp tục mất nhiều cầu thủ mang quốc tịch kép tài năng, như Hakim Ziyech, khoác áo Ma-rốc, và Sofyan Amrabat.
Theo Telegraph, sự xuống dốc ở bóng đá Hà Lan như quy luật tự nhiên. Đỉnh cao tìm đến với họ vào các năm 2010 và 2014. KNVB từng cố gắng cải tiến giải quốc nội song, bộ máy lãnh đạo bị đồn thổi xuất hiện nhiều chia rẽ sâu sắc. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhân tài bóng đá Hà Lan khan hiếm dần.
Sau thời Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy và Robben, quê hương của cối xay gió cũng không sản sinh ra thêm cái tên nào trứ danh. Frank Arnesen, người khai quật ra những cái tên nói trên, vẫn miệt mài đi tìm "ngọc thô" cho bóng đá Hà Lan, tuy nhiên hành trình đi theo hướng vô định.
"Bóng đá Hà Lan trong vòng xoáy khủng hoảng. Họ mất Van der Vaart, Sneijder, Van Persie, Nigel de Jong, đồng thời thế hệ kế thừa toàn gương mặt làng nhàng", ông Arnesen ngao ngán chia sẻ.
Nhìn đội hình Hà Lan, người ta không tìm ra cái tên nào đắt giá, họ như đội bóng hạng trung của bóng đá thế giới. "Đội tuyển chúng tôi không có lấy cầu thủ nào đẳng cấp. Những gương mặt xuất sắc ngày càng già, lứa cầu thủ trẻ lại chưa có đẳng cấp để thay thế cựu binh", Ronald de Boer nói với Goal.
Một nền bóng đá luôn sản sinh nhiều tài năng đang có nguy cơ tụt lùi. |
Hà Lan không thiếu cầu thủ chơi bóng tại nước ngoài, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau. Trong quá khứ, Nistelrooy, Stam và Robben đều tạo nên tiếng vang lớn trước khi đến châu Âu. Nói tới đây, người ta lại tiếc cho phi vụ Memphis Depay, bản hợp đồng tệ hại của MU ngày nào.
"Memphis là cầu thủ tuyệt vời ở PSV. Đội bóng vô địch giải quốc nội nhờ tiền đạo này. Song, ở United sức ép quá lớn, khiến cầu thủ người Hà Lan không thể bắt nhịp mọi thứ", Frank Arnesen nói.
Ham muốn danh vọng khiến sự nghiệp Memphis lụn bại. Sự biếng nhác trong tập luyện, ăn chơi vô độ làm anh vẫn giậm chân trên chặng đường thăng tiến. Depay từng nhận được rất nhiều kỳ vọng trở thành "Ronaldo mới" của làng túc cầu. Có điều, từ lý thuyết tới thực tế trở thành con đường quá xa.
Một Hà Lan cũ kỹ
Những chuyển động giúp bóng đá phát triển. Một đội tuyển muốn đi lên cũng cần những sự thay đổi để thích nghi. Họ không thể giữ niềm tin mù quáng vào những thứ cũ kỹ. Người Hà Lan đánh mất điều đó. Họ duy trì di sản thứ bóng đá tấn công tổng lực ở các lò đào tạo trẻ.
Nhưng khi lực lượng không đủ mạnh để chơi thứ bóng đá tấn công, Hà Lan phải trả giá. Các đội bóng ở giải Eredivisie cũng không mạo hiểm tạo ra cú đột phá nào trong tư duy chiến thuật. Họ trung thành với sơ đồ 4-3-3 và chơi đúng một kiểu. Bóng đá Hà Lan từ đó mất đi sự sáng tạo.
Robben đã 33 tuổi vẫn phải oằn vai thi đấu trong màu áo Hà Lan. Sắp tới, anh sẽ nói lời chia tay đội tuyển quốc gia. |
Trong khi các nền bóng đá khác không ngừng học hỏi những giá trị mới, bóng đá Hà Lan đứng yên tại chỗ. Họ không có sự thích nghi nhanh như người Đức, áp dụng sơ đồ 4-3-3, tuy nhiên biến thể thành đội hình có nhạc trưởng số 10, khai trừ tiền vệ phòng ngự thuần túy và sử dụng kiểu tiền vệ "box-to-box" (đa năng).
"Cách đây 15 năm, những cầu thủ như Mesut Oezil hay Ilkay Gundogan khó có cửa phát triển. Nhưng sự cấp tiến và nỗ lực mạnh mẽ của họ làm thay đổi mọi thứ. Lúc này, Hà Lan đang bị nhiều quốc gia khác bỏ xa. Điều này chưa từng xảy ra trước đây", nhà báo Sam Wallace viết.
Suốt chiều dài lịch sử 30 năm qua, Hà Lan cũng quanh quẩn trong vòng tròn sử dụng các HLV quen thuộc. Từ năm 1992, đội tuyển quốc gia "thay tướng" 17 lần, trong đó có 12 lần họ sử dụng 5 gương mặt quen thuộc gồm Rinus Michels, Advocaat (3 lần) Hiddink, Louis Van Gaal, Beenhakker (tất cả 2 lần).
Tư duy bảo thủ khiến bóng đá Hà Lan thụt lùi. Các cầu thủ trẻ cũng không có "khát khao chiến thắng". Nói với Telegraph, Arnesen bày tỏ: "Các cầu thủ trẻ luôn tự ti vào khả năng của mình. Chiến lược phát triển của Hà Lan trong quá khứ không bao giờ hướng đến chiến thắng, họ muốn phát triển cầu thủ".
Ngặt nỗi, cách đào tạo cầu thủ trẻ của Hà Lan đang khựng lại nhiều năm qua. Cựu danh thủ Ronald de Boer cho rằng các cầu thủ trẻ đang trở nên quá vội vã tìm đến những CLB lớn, trong khi tài năng vẫn chưa chín mùi. Trớ trêu thay, bóng đá ngày nay lại không có chỗ cho sự kiên nhẫn.
Sau vài trận thất bại, một cầu thủ trẻ tìm đến thiên đường ở những sân chơi lớn lập tức bị đẩy lên ghế dự bị. Cơ hội ra sân từ đó cạn dần, năng lực cũng bị mài mòn. "Vấn đề lớn nhất ở đây là các cầu thủ trẻ rời Hà Lan quá sớm, rồi lại tìm đến những bến đỗ quá tầm", de Boer nói với Goal.
Quá nhiều vấn đề tồn tại đã kéo bóng đá Hà Lan xuống bùn. Hai lần liên tiếp vắng mặt ở các giải đấu lớn cho thấy một sự thoái trào rõ rệt trong cách làm bóng đá của quốc gia này. Người Hà Lan cần một cuộc cách mạng, giống như tuyển Đức đã làm sau World Cup 2002.
Và họ nên làm điều đó một cách tổng lực, như triết lý bóng đá tổng lực nổi tiếng.