Toán, Ngữ văn, Vật lý là chủ yếu
Thừa Thiên - Huế có tổng số 15.000 hồ sơ, trong đó có 2.789 thí sinh tự do và 12.670 thí sinh THPT. Số lượng này giảm 1/3 do những năm trước. Mỗi thí sinh nộp trung bình khoảng 3 bộ hồ sơ, nay theo đổi mới mỗi người nộp một hồ sơ.
Năm nay như hầu hết các sở, ngoài số hồ sơ thi Văn, Toán là chủ yếu vì đó là 2 môn thi bắt buộc cùng với Ngoại ngữ, các môn thi thuộc khối tự nhiên như Vật lý, Hóa học được thí sinh đăng ký thi nhiều. Môn tự chọn được đặc biệt yêu thích là môn Vật lý. Các môn thuộc khối xã hội không được lựa chọn thi nhiều, đặc biệt là Lịch sử, Địa lý giảm mạnh.
Các tỉnh khi được hỏi đều báo cáo "đã xử lý xong hồ sơ". Có những tỉnh còn cẩn thận chở cả hồ sơ cứng lên giao cho trường đại học tổ chức thi (ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội) mặc dù trường đại học khẳng định "giữ hồ sơ không để làm gì vì đó không phải là hồ sơ của sinh viên vào học trường mình nên đành… nhập kho".
Những năm trước mỗi thí sinh nộp trung bình khoảng 3 bộ hồ sơ, nay theo đổi mới mỗi người nộp 1 hồ sơ. Trong ảnh, thí sinh dự thi vào trường Đại học Hà Nội năm 2014). Ảnh: Tiền phong. |
“Đây là thời điểm mọi khâu chuẩn bị của trường tổ chức thi đã hoàn tất và chỉ cần Bộ GD&ĐT mở cổng thông tin để có dữ liệu chính thức, phục vụ công tác đánh số báo danh thí sinh, xếp phòng thi, in giấy báo thi và làm các thủ tục khác” - một nhà tổ chức tuyển sinh của khu vực Hà Nội phân trần.
Các trường đang bối rối vì thông tin được gửi xuống các trường mới đầu là trước 20/5, nay là ngoài 20/5 sẽ được mở cổng thông tin để lấy dữ liệu.
Thông tin từ các chuyên viên của Bộ GD&ĐT khẳng định: "Không có trục trặc, chỉ là do xử lý thông tin từ 4.000 điểm trên cả nước nên còn một số tỉnh chưa sửa chữa xong các sai sót về hồ sơ".
Tưởng nhẹ bớt, nhưng có trường hợp lại rắc rối thêm
Đó là khẳng định của một cán bộ xử lý hồ sơ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguồn tin này khẳng định, năm nay, mỗi thí sinh chỉ nộp một hồ sơ nên bước đầu sẽ không ảo như các năm trước nhưng hiện tượng ảo sẽ còn lớn hơn rất nhiều và sẽ làm đau đầu các trường đại học, cao đẳng. Số là, cán bộ tuyển sinh này phân tích, mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả với 16 cơ hội xét tuyển và thí sinh sẽ “chạy” trong những khoảng thời gian quy định, đó mới thực sự là ảo.
Một chuyên viên tuyển sinh của Sở GD&ĐT này nhận xét: Thoạt nhìn, có vẻ như thí sinh sẽ rất thuận lợi vì không phải đi xa, đỡ tốn kém nhưng thực chất không hẳn là như vậy. Với cách làm hồ sơ như hiện nay, thí sinh không làm một lần hồ sơ như mọi năm mà phải làm tới 3 lần. Ví dụ, một thí sinh thi vào trường kiến trúc phải làm hồ sơ thi các môn văn hóa ở Sở, đến tận trường đại học làm bộ hồ sơ thứ hai để thi vẽ. Sau khi có kết quả, thí sinh phải làm thêm một lần hồ sơ để vào học tại trường.
Những thí sinh thi vào ngành công an năm nay tăng vọt ở Thừa Thiên - Huế. Chẳng hạn, mọi năm chỉ làm một lần hồ sơ ở cơ quan công an, nay phải làm hồ sơ sơ tuyển tại cơ quan rồi về TP Huế để làm hồ sơ thi các môn văn hóa. Đối với học sinh các vùng sâu vùng xa hay huyện A Lưới, việc di chuyển là cả một vấn đề, nhà tuyển sinh ở Huế khẳng định.