Tại hội nghị tổng kết giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội vừa diễn ra ngày 22/9, ông Lê Việt Dương, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Hà Nội có 54 trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Năm 2015, 54 trường này tuyển đạt 57,39% chỉ tiêu được giao, giảm 7% so với năm 2014. Trong số 48 trường TCCN, chỉ có 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu, 12 trường tuyển sinh đạt tỷ lệ trên 50%, 19 trường đạt tỷ lệ dưới 50% và 12 trường không tuyển sinh được.
Sẽ rất khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng trường TCCN Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường cho biết mấy năm qua, trường chỉ tuyển được khoảng 200 học viên trong tổng số 600 chỉ tiêu được giao.
“Chúng tôi là con đẻ của Bộ GD&ĐT nhưng lại được đối xử như con nuôi. Đó là do những hạn chế về cơ chế chính sách. Những năm qua, chúng tôi tìm mọi cách để thoi thóp sống”, bà Hải chia sẻ.
Theo bà Hải, những “cách” mà trường tìm để “sống” đó là đào tạo liên kết, đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, bà Hải cũng cho hay với chương trình đào tạo 3 năm (đối với học sinh tốt nghiệp THCS), tuy có nhiều nguồn, có nhiều cơ hội nhưng với các trường ngoài công lập thì bị loại ngay từ vòng “gửi xe”.
Trường dạy nghề hiu hắt học viên. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh/TiềnPhong.
|
Vì học phí cao, người học không được hỗ trợ gì khác. Ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường TCCN đa ngành Sóc Sơn cho hay về lý thuyết, trường có 10 mã ngành nhưng chính thức hoạt động chỉ có 7 mã ngành.
Năm đầu, trường tuyển được 500 học sinh. Dần dần, số lượng càng tụt giảm. Hệ hai năm đến nay dồn tất cả các loại hình đào tạo cũng chỉ tuyển được rất ít. Ông Tuấn dự đoán những năm tới chỉ còn hệ 3 năm. Vì hệ hai năm, các trường CĐ đã “vớt” hết.
Trong khi đó, các trường trung cấp khối y dược những năm vừa qua được đánh giá là khối ngành tuyển sinh tốt nhất thì từ năm nay, dự đoán sẽ rất khó khăn do thông tư 26, 27 của liên Bộ Y tế và Nội vụ quy định mã ngành đối với một số ngành liên quan y dược.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết theo quy định của liên Bộ, đến năm 2018, các trường trung cấp y dược sẽ phải dừng tuyển sinh một số mã ngành.
“Vì vậy, những trường không đủ tiêu chuẩn nâng lên CĐ thì sẽ đối diện với nguy cơ phải giải thể do không tuyển sinh được. Do đó, các trường phải tìm giải pháp để thích ứng với điều này. Tôi đồng ý là xin cơ chế đặc thù nhưng nếu không được thì sao?”, ông Đại nói.
Tháo gỡ cách nào?
Cũng theo ông Đại, hiện trên địa bàn thủ đô có rất nhiều các trường trung cấp y, dược đào tạo chất lượng tốt nhưng không thể nâng cấp lên CĐ vì diện tích không đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT (quy định là phải đạt 5 ha) như trung cấp y dược Lê Hữu Trác.
Do đó, các trường khó có thể đạt được theo quy định. Giải pháp mà ông Đại đưa ra là các trường khối Y dược có thể hợp tác với nhau trong đào tạo để tạo thành sức mạnh đáp ứng yêu cầu mới.
“Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo các trường, vì trường nào cũng thích làm riêng”, ông Đại nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Đại cũng cho hay các trường TCCN đang đối mặt vấn đề nữa là chuyển đổi cơ quan quản lý.
“Quan điểm của chúng tôi là ai quản lý thì các trường vẫn tự chủ. Muốn tồn tại và phát triển mỗi trường sẽ phải có một ngành mũi nhọn. Giải pháp nữa là các trường hợp tác với nhau để có một ngành đào tạo đặc biệt”, ông Đại cho hay.
Khó khăn nữa đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay theo ông Đại là không bộ, ngành nào cho biết họ đang thiếu bao nhiêu việc làm ở những vị trí nào, cần những lao động năng lực như thế nào.
“Hà Nội nói đang rất thiếu nhân lực du lịch. Tôi đảm bảo chúng tôi có thể đáp ứng được nếu thành phố cho chúng tôi biết cần bao nhiêu, năng lực như thế nào. Vấn đề hiện nay là không minh bạch. Xã hội, các ngành cần bao nhiêu, ở mức nào? Các ngành đều không trả lời được câu hỏi này. Do đó, hiện tại, giáo dục đang phải loay hoay đào tạo cái gì cũng có”, ông Đại khẳng định.
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết thực tế, các trường TCCN vẫn còn rất nhiều nguồn tuyển. Đó là khoảng 250.000 học sinh tốt nghiệp THCS, không đi học THPT, không đi học nghề và THPT không đi học ĐH, CĐ.
“Muốn tận dụng được nguồn này, không có cách nào khác các trường TCCN phải tìm đến các trường THCS, THPT để học sinh làm quen với trường. Phổ thông lấy đâu ra đủ giáo viên để làm hướng nghiệp. Các trường cũng cần phải thay đổi cấu trúc chương trình. Các môn chung như giáo dục quốc phòng để dạy sau. Dạy trước các môn thực hành, kỹ năng để học sinh có hứng thú học, giữ chân các em”, ông Vinh đề xuất.
Hà Nội có 54 trường CĐ và TCCN. Năm 2015, 54 trường này tuyển đạt 57,39% chỉ tiêu được giao, giảm 7% so với năm 2014. Trong số 48 trường TCCN chỉ có 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu, 12 trường tuyển sinh đạt tỷ lệ trên 50%, 19 trường đạt tỷ lệ dưới 50% và 12 trường không tuyển sinh được.