Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển sinh 2017: Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao

Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây cũng là nỗi lo lắng, làm đau đầu thí sinh và cả các trường xét tuyển.

Những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 như giao kỳ thi lại các Sở GD&ĐT địa phương phụ trách, thay đổi về phương án tổ chức thi, phương thức bài thi… và đặc biệt là các thí sinh có thể nộp nhiều nguyện vọng tại nhiều trường hơn.

Tuy nhiên điều này lại làm tăng tỉ lệ hồ sơ ảo nộp vào các trường ĐH, CĐ. Đây cũng là nỗi lo lắng, làm đau đầu các thí sinh và cả các trường xét tuyển.

Đầu tháng 10 Bộ sẽ công bố đề thi minh họa

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ nhanh chóng công bố đề thi minh họa cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016 để giáo viên, học sinh tham khảo.

Bên cạnh đó là việc cập nhật, bổ sung đề thi trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua; chuẩn bị phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn sẽ được tổ chức theo phương án “2 trong 1” vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản và những câu hỏi phân hóa thí sinh.

Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng (gọi chung là câu hỏi trắc nghiệm); bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm.

Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua.

thi THPT quoc gia 2017 anh 1
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời báo chí về những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Lao Động.

Các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Sở GD&ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập phổ thông, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh thuộc địa bàn quản lý. Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Các trường ĐH, CĐ phải công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên”.

Tăng tỷ lệ hồ sơ ảo

Ông Ga cũng cho hay với việc thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường hơn sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh ảo tăng lên. Tuy nhiên, khi đó Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển.

Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.

Nói về điều này, TS Sái Công Hồng (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Với phương án có quyền lợi cao nhất cho thí sinh, các em được đăng ký nhiều nguyện vọng thì không riêng gì ở Việt Nam, vấn đề ảo cũng xuất hiện trên thế giới.

Tôi có nhiều lần làm việc với các trường đại học ở Mỹ, họ thậm chí phải gọi tới 300% để trừ ảo, nhưng cũng chỉ đạt 60-70%, chuyện ảo là đương nhiên nếu như chúng ta tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Phương án lọc ảo duy nhất là dùng chung phần mềm chung, cá nhân tôi nghĩ nếu làm chung sẽ động tới phần tự chủ của các trường, nhưng để làm tốt việc ảo thì chắc không còn giải pháp nào ngoài việc có phần mềm chung".

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), việc cho thí sinh có thêm nhiều nguyện vọng cũng là xu thế và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường, điều này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Chỉ có bằng cách nâng cao chất lượng và đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm thì mới thu hút thí sinh. Chính vì vậy sẽ thay đổi được tư duy lãnh đạo của các trường hiện nay giống như chờ sung rụng.

Học sinh cuối cấp muốn bỏ học vì... cải cách

Bước vào năm học mới nỗi lo về học thêm chưa xong, phụ huynh, học sinh lại phải cõng thêm nỗi lo mô hình học VNEN, những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017.

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tuyen-sinh-2017-ti-le-ho-so-ao-co-kha-nang-tang-cao-591407.bld

Theo Vương Trần/Lao Động

Bạn có thể quan tâm