Tuyển sinh đại học 2019: Nở rộ kỳ thi đánh giá năng lực
Thứ tư, 1/5/2019 12:43 (GMT+7)
12:43 1/5/2019
Năm nay, các trường đại học đều có những điểm mới trong tuyển sinh. Trong đó, đáng chú ý, nhiều trường ở khu vực phía Nam tổ chức thi đánh giá năng lực.
Trong đề án tuyển sinh chính thức năm 2019 mà ĐH Công nghệ TP.HCM vừa công bố, điểm khác với đề án dự kiến khi bổ sung tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng do trường tổ chức và dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển theo kỳ thi này.
Tăng số trường thi đánh giá năng lực
Đây cũng là phương thức tuyển sinh chính thức thứ tư của trường trong năm 2019, tiến hành song song và độc lập với 3 phương thức còn lại, gồm: Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia 2019 (50% chỉ tiêu); xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (25% chỉ tiêu); xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2019 của ĐH Quốc gia TP.HCM (5% chỉ tiêu).
Đại diện nhà trường cho biết kỳ thi tuyển sinh riêng của trường sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học trình độ ĐH chính quy.
Nhiều trường ĐH khu vực phía Nam tổ chức thi đánh giá năng lực. Ảnh: Nghiêm Huê/Tiền Phong.
Theo đó, kỳ thi này sẽ diễn ra vào các ngày 13 và 14/7, gồm 5 môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh với hình thức thi trắc nghiệm. Thí sinh có thể đăng ký môn thi theo nhu cầu xét tuyển vào ngành học hoặc đăng ký dự thi cả 5 môn để có thêm cơ hội chọn tổ hợp xét tuyển.
ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết năm nay dự kiến tổ chức thêm kỳ thi riêng để tuyển sinh trong năm 2019. Tính thêm phương thức mới này, trường sẽ có 5 phương thức tuyển sinh vào năm 2019.
Cụ thể, trường dành 50% chỉ tiêu để xét bằng điểm thi THPT quốc gia theo tổ hợp ba môn; 40% chỉ tiêu xét từ điểm trung bình chung của các môn xét tuyển hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12, ngưỡng điểm tối thiểu là 6,5 đối với các ngành Điều dưỡng và 8,0 đối với ngành Y theo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành Khoa học sức khỏe.
10% chỉ tiêu còn lại dành cho ba phương thức: Xét từ kết quả bài thi kiểm tra đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia... thi tuyển đầu vào do trường tổ chức.
Trước đó, các trường ĐH khác như Hồng Bàng, Hoa Sen cũng thông báo tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng bên cạnh các phương thức kết quả thi THPT quốc gia, xét học .
Tại kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức, so với năm ngoái, số lượng thí sinh tham gia tăng hơn 7 lần.
Không nên thi riêng lẻ từng trường
Trong khi các trường ĐH khu vực phía Nam khá sôi động với nhiều hình thức tuyển sinh mở thì các trường khu vực phía Bắc tương đối “bình chân”. Đến nay, chưa thấy có một trường ĐH nào khu vực phía Bắc đứng ra tổ chức thi đánh giá năng lực hay bất kỳ một bài kiểm tra, đánh giá nào thêm. Các phương thức mà các trường ĐH phía Bắc lựa chọn là xét tuyển kết quả THPT quốc gia, xét học bạ THPT, xét tuyển kết hợp và tuyển thẳng.
PGS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng tuyển sinh ĐH phải thay đổi. Nếu chỉ dựa vào một yếu tố là điểm thi THPT quốc gia thì chưa đủ. Vì, kỳ thi THPT quốc gia chỉ đánh giá được kiến thức của thí sinh mà chưa đánh giá được năng lực thực sự của mỗi thí sinh mà các trường ĐH yêu cầu.
Tuy nhiên, theo PGS Đỗ Văn Dũng, không nên tổ chức thi đánh giá năng lực riêng lẻ từng trường, sẽ dẫn đến hai hệ lụy.
Thứ nhất là tốn kém, mất thời gian của thí sinh và người nhà. Các em phải tham gia thi nhiều đợt trong năm.
Thứ hai, sẽ dễ nảy sinh tình trạng luyện thi, học thêm như trước 3 chung, khi kỳ thi tuyển sinh do mỗi trường đứng ra tổ chức.
Chính vì vậy, PGS. Đỗ Văn Dũng đề xuất các trường nên lập thành từng cụm để tổ chức thi cho thí sinh.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tỷ lệ những thí sinh nhập học thấp vì họ coi đây chỉ là phương án dự phòng do rất ít trường công nhận kết quả này.
Thứ hai là chưa chắc đề thi đánh giá năng lực đã chọn được thí sinh có năng lực tốt vì nó vẫn là phương án chưa có kiểm nghiệm. Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia đã có bề dày được kiểm nghiệm. Nguồn lực của xã hội đều tập trung vào nên có chất lượng hơn.
PGS Điền cho rằng khi nào chúng ta có tổ chức khảo thí như SAT của Mỹ, hoạt động độc lập không gắn với quản lý nhà nước thì khi đó mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều.
Sau khi nhiều cán bộ của Sở GD&ĐT Sơn La bị khởi tố vì liên quan vụ nâng điểm thi gây chấn động dư luận, đơn vị này đang lâm vào cảnh "nhìn đâu cũng thiếu lãnh đạo".