Câu hỏi đặt ra là do đâu một cuộc thi chuyển cấp lại khiến nhiều gia đình mất ăn mất ngủ đến vậy?
Trong vòng 3 năm gần đây, số thí sinh (TS) dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại TP.HCM liên tục tăng, trong khi chỉ tiêu tăng không đáng kể khiến cuộc đua vào lớp 10 hầu như năm nào cũng căng thẳng.
Năm 2017, số TS dự thi là hơn 73.000, tăng hơn 3.000 so với năm 2016. Trong khi đó, chỉ tiêu vào lớp 10 năm học này là 63.440. Như vậy, gần 10.000 TS văng khỏi suất đua vào lớp 10 công lập.
Thí sinh thi lớp 10 năm 2018 ở Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
Đến năm 2018, hơn 87.000 TS dự thi vào lớp 10, tăng hơn 13.000 so với năm 2017. Trong khi, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập năm học này là 65.290 TS. Như vậy, hơn 20.000 TS rớt khỏi lớp 10 công lập.
Tại TP.HCM, mỗi năm, các trường THPT công lập đáp ứng khoảng 80% chỗ học. Tuy nhiên, theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS của TP lộ trình từ năm 2015 đến 2020, bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm TP sẽ giảm 3% chỗ học công lập để phân luồng học sinh vào các hệ thống giáo dục khác.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tốc độ tăng dân số hàng năm kéo theo tỉ lệ học sinh tăng là nguyên nhân trực tiếp khiến số TS dự thi mỗi năm ngày một phình to. Nhưng thật ra nguyên nhân chính là việc tâm lý phụ huynh, học sinh phải vào bằng được trường công khiến cuộc đua vào lớp 10 năm nào cũng mệt mỏi.
Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm thực chất chỉ là một kỳ thi chuyển cấp nhưng lại tạo ra những căng thẳng, hồi hộp cho rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Vì vậy, việc duy trì kỳ thi này có thật sự cần thiết hay một đổi mới nào khác?
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh không phải trải qua kỳ thi nào để sắp xếp chỗ học. Vì THCS là bậc học cơ bản nên sau bậc học này, học sinh sẽ có sự lựa chọn tiếp theo tùy năng lực bản thân và khả năng của gia đình.
Tại cuộc họp báo sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng chỉ 15, 16 điểm mà các em vẫn rớt thì học sinh nên nghĩ đến con đường học tập khác, nếu tiếp tục học THPT công lập sẽ rất mệt mỏi.
Công lập, trường nghề, trung tâm GDTX lên đến 34.000 mỗi năm, dư sức đáp ứng chỗ học cho 22.000 TS rớt khỏi cuộc đua trường công. Thế nhưng, hiệu trưởng nhiều trường công thừa nhận rằng chỉ khi nào không thể vào được hệ công lập như điểm thi quá thấp thì học sinh mới nghĩ đến các hệ giáo dục khác.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi thống kê của nhiều trường tư thục cho thấy các trường chỉ tuyển sinh được sau khi có kết quả thi vào hệ công lập, rất hiếm trường hợp học sinh tốt nghiệp THCS mà nộp luôn hồ sơ vào trường tư.