Chia sẻ với báo chí trong ngày hội Tư vấn tuyển sinh hôm 13/3, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nêu những thay đổi lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2016 và gửi lời khuyên đến thí sinh.
Chọn ngành yêu thích hơn cố đỗ ĐH
- Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư quy chế sửa đổi kỳ thi THPT quốc gia với nhiều điểm mới. Ông có thể nói rõ về mục đích của sự thay đổi này?
- Ngày 11/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế thi THPT quốc gia. Quy chế tuyển sinh cao đẳng, đại học cũng sẽ được ban hành trong vài ngày tới. Mục đích sửa đổi bổ sung quy chế năm nay tạo sự thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi THPT quốc gia, cũng như có cơ hội trúng tuyển cao vào đại học, cao đẳng.
Thí sinh dự thi đại học năm 2015. Ảnh: Lê Hiếu. |
Có thể nói đến một số thay đổi lớn như, cụm thi được bố trí tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, rút ngắn thời gian thí sinh không phải đi xa, vất vả.
Quy chế tuyển sinh cao đẳng, đại học cũng sẽ được sửa đổi theo hướng thuận lợi nhất, sao cho học sinh chọn ngành mình thích hơn cố thi cho đỗ đại học.
Để hạn chế tiêu cực trong vấn đề rút-nộp hồ sơ ở năm 2015, năm nay quy chế không cho thí sinh rút hồ sơ ở nguyện vọng 1. Vì vậy, học sinh cần cân nhắc lựa chọn, tham khảo thông tin tuyển sinh năm 2015 để xét tuyển vào các ngành nghề cho phù hợp.
- Năm nay một số trường sẽ thực hiện Đề án tuyển sinh theo nhóm. Đề án này có lợi ích như thế nào cho thí sinh và các trường?
- Theo Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, kể cả trong việc có thành lập hay tham gia nhóm tuyển sinh hay không? Hiện nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì một nhóm tuyển sinh, sắp tới cũng có thể một số trường sẽ đứng lên thành lập nhóm.
Quy chế quy định, đối với trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh có thể nộp 4 nguyện vọng trong đợt 1 cùng một nhóm trường, nhóm ngành. Điều này làm tăng khả năng trúng tuyển khi các em không trúng trường top trên có thể trúng top giữa hoặc top dưới trong nhóm. Điều học sinh nên cân nhắc đó là nên chọn nhóm nghề mình yêu thích hơn chọn bất cứ trường nào.
Tuyển sinh theo nhóm không mang lại lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân, mà mang đến lợi ích chung cho thí sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi giảm được lượng thí sinh ảo.
- Ngoài tuyển sinh theo nhóm trường, Bộ GD&ĐT có biện pháp nào chống ảo khi dự đoán số lượng ảo năm nay sẽ tăng từ đợt xét tuyển đợt 1?
- Theo quy định, năm nay thí sinh trúng tuyển vào trường phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định. Nếu quá thời hạn đó coi như thí sinh không học ở trường này. Do vậy, trường có quyền xét tuyển thí sinh tiếp theo chứ không đợi nhập học như những năm trước.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt đầu phải bằng hay cao hơn đợt trúng tuyển năm trước, các trường chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu và gọi thí sinh trúng tuyển.
Cuối cùng, trong phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ những trường mình đã đăng ký xét tuyển cùng đợt.
Trường đại học tham gia cả cụm thi địa phương
- Một vấn đề khác cũng rất được dư luận quan tâm đó là việc bỏ điểm sàn cao đẳng sẽ gây khó khăn cho hệ trung cấp?
- Quy chế tuyển sinh cao đẳng năm nay có nhiều thay đổi nhất, không còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho cả hai cách xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Điều này phù hợp với luật giáo dục nghề nghiệp vừa được ban hành do chúng ta thống nhất đào tạo cấp cao đẳng.
Với những trường có sức hút lớn vẫn tuyển sinh từ cao xuống thấp đến khi đạt chỉ tiêu và có thêm điều kiện bổ sung.
Việc xóa điểm sàn hệ cao đẳng không ảnh hưởng đến tuyển sinh hệ trung cấp, bởi đã có quy định về chỉ tiêu tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD&ĐT giảm chỉ tiêu của hệ cao đẳng, tạo nguồn tuyển tốt hơn. Số còn lại, học sinh sẽ vào các trường trung cấp nghề.
- Nhiều người lo ngại về sự không công bằng khi tổ chức ở hai cụm thi tốt nghiệp và đại học? Thứ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Việc tổ chức hai cụm thi do trường đại học chủ trì và cao đẳng chủ trì tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, đặc biêt thí sinh vùng khó khăn và chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp. Các em thi ngay tại trường phổ thông đang học, không phải lên thành phố tham dự.
Dù thi ở cụm do đại học chủ trì hay địa phương chủ trì cũng đều có các trường đại học tham gia. Bộ GD&ĐT sẽ cử các trường đại học tham gia cùng địa phương để tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì, đảm bảo tính công bằng, khách quan, nghiêm túc.
Hiện có một số địa phương báo cáo chỉ có cụm thi do đại học chủ trì, địa phương có trách nhiệm chuyển thí sinh từ vùng xa đến trung tâm thành phố dự thi. Theo dự tính năm nay cả nước có 70 cụm thi. Đối với các trường đại học được chủ trì cụm thi, Bộ GD&ĐT có các tiêu chí như: Kinh nghiệm các năm trước, số lượng giảng viên các khoa cơ bản…
Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 dự kiến cho mỗi thí sinh đăng ký vào hai trường, mỗi trường tối đa hai nguyện vọng. Nhận thấy việc thay đổi này tạo nên lượng thí sinh ảo lớn, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một số trường khác đã họp và bàn xây dựng đề án xét tuyển chung. Các trường đã nhất trí nguyên tắc của đề án. Sau khi Bộ ban hành quy chế, ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường khác sẽ gửi đề án này để Bộ Giáo dục thông qua.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện nay đề án của ĐH Bách khoa đã nhận được sự đồng thuận của 8 trường lớn ở phía Bắc là ĐH Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Y Hà Nội, Xây dựng, Mỏ địa chất, Giao thông Vận tải và ĐH Công nghiệp. Dự kiến số lượng trường tiếp tục được mở rộng.
Ông Điền cho biết, việc tuyển sinh theo nhóm không làm mất đi quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên, dữ liệu đăng ký xét tuyển sẽ được sử dụng chung, trường chủ trì sẽ dùng một phần mềm xét tuyển. Thí sinh có thể nộp tất cả nguyện vọng vào các trường trong nhóm hoặc cả trong nhóm và ngoài nhóm. Tuy nhiên, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ mở nhóm trường đủ lớn để thu hút thí sinh phần lớn nộp vào trường trong nhóm.