Nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi về phía bắc 35 km, di sản thiên nhiên Gành Yến được người dân nơi đây ví von là "nàng công chúa ngủ quên" ở làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. |
Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, nhiều bãi đá trầm tích núi lửa ở khu vực này xếp chồng lên nhau, uốn cong quanh bờ biển, tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. |
Các chuyên gia nhận định hoạt động núi lửa ở Gành Yến xảy ra khoảng 5-6 triệu năm trước, muộn hơn so với huyện đảo Lý Sơn. |
Những dịp đầu tháng hay ngày rằm, nhiều cụm san hô nở hoa như bắp cải nhô trên mặt biển ở khu vực gần bờ. Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, khi thủy triều rút ra xa, Gành Yến xuất hiện "bãi san hô lộ thiên" trải rộng trên mặt biển tạo nên bức tranh tuyệt tác. |
Cụm san hô nở vàng hệt hoa cúc đại ở Gành Yến. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, cho hay Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đang triển khai dự án phát triển bền vững cộng đồng tại địa phương. |
Cụm san hô màu nâu đỏ nhô trên mặt biển trong ngày đầu tháng 6 âm lịch. Theo ông Thính, các tổ chức quốc tế chú trọng trao quyền cho cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế, trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ rạn san hô ở Gành Yến. |
Nho biển mọc thành từng chùm dày đặc trên san hô ở di sản thiên nhiên nơi đây. |
Cụm san hô màu nhung đen mọc như loài nấm ở Gành Yến. |
Ông Võ Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Gành Yến, Trưởng thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, cho biết thêm hai năm trước vùng biển nơi đây có nhiều cụm san hô hội tụ màu sắc rực rỡ trên diện tích lên đến vài ha ở khu vực gần bờ. |
"Thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, người dân đi lặn nhum, khai thác rong mơ và du khách đến tham quan vô tình dẫm đạp làm đứt gãy san hô nên diện tích bãi san hô ở Gành Yến sụt giảm đáng kể", ông Tùng nói. |