Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ lệ ca thở oxy trong cách đánh giá cấp độ dịch mới có ý nghĩa lớn

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hướng dẫn mới của Bộ Y tế trong cách đánh giá cấp độ dịch Covid-19 là phù hợp với tình hình hiện tại.

Sáng 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Đây là bản cập nhật và sẽ thay thế hướng dẫn trước đó tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Về cơ bản, ba tiêu chí trong lần thay đổi này trùng khớp với hướng dẫn cũ. Tuy nhiên, các tỷ lệ cụ thể để đưa đến đánh giá cuối cùng trong mỗi tiêu chí đã được thay đổi khá nhiều.

huong dan danh gia cap do dich covid-19 anh 1

Người dân tại Hà Nội tập luyện thể dục sau khi thành phố dừng quy định giãn cách. Ảnh: Nhật Sinh.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định sự cập nhật này là phù hợp và rất cần thiết.

Ý nghĩa lớn

Đánh giá chung, PGS Phu cho rằng hướng dẫn mới của Bộ Y tế trong việc đánh giá cấp độ dịch là phù hợp trước tình hình hiện nay, khi cả nước đã hướng tới thích ứng linh hoạt, an toàn với SARS-CoV-2.

Về nội dung cụ thể, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ việc đếm lượng người dương tính mới. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên chỉ số về lượng ca nhiễm trong cộng đồng/100.000 dân/tuần.

“Tôi nghĩ việc này là hợp lý bởi việc kiểm soát số ca nhiễm vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Thông qua số ca mắc mới, chúng ta mới có thể xác định được chiều hướng của dịch, từ đó đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Trên thế giới hiện nay, các quốc gia vẫn thực hiện việc thống kê số ca mắc mới”, vị chuyên gia nói.


Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4
Tỷ lệ ca mắc mới tại cấp xã/100.000 dân/tuần Dưới 90 90 - 450 450 - 600 Trên 600
Tỷ lệ trung bình ca bệnh phải thở oxy/100.000 dân/tuần Dưới một 1 - dưới 32 32 - 40 Trên 40

Trong khi đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đánh giá cao việc bổ sung số F0 phải thở oxy và trường hợp tử vong do Covid-19 trở thành những yếu tố quyết định trong phân cấp độ dịch.

“Chỉ số ca mắc phải thở oxy có ý nghĩa rất lớn với các địa phương trong việc đánh giá cấp độ dịch. Bên cạnh việc thống kê số ca mắc mới, chúng ta cũng phải đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế với những trường hợp nhiễm virus. Tỷ lệ người diễn biến nặng, tử vong sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta xử lý như thế nào với với các ca thở oxy”, PGS Phu giải thích.

Theo vị chuyên gia, các ca mắc Covid-19 phải thở oxy là những trường hợp có thể cấp cứu được nếu hệ thống y tế tiếp cận sớm, từ đó tránh dẫn đến diễn biến nặng hay tử vong.

Ông khẳng định: “Thở oxy là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy ngành y tế cần theo dõi sát và tiếp cận sớm trường hợp đó. Nếu làm tốt việc này, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong do Covid-19”.

Cần đánh giá cấp độ dịch ở quy mô địa lý nhỏ

Theo PGS Phu, trên thực tế, hướng dẫn lần này của Bộ Y tế được soạn thảo và đưa ra dựa trên việc xin ý kiến từ lãnh đạo các địa phương. Do đó, các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào quy định mới để sớm đánh giá, xác định địa phương mình đang ở cấp độ nào.

“Quan điểm của tôi là các địa phương cần đánh giá trên quy mô càng nhỏ càng tốt. Đó là cấp xã, phường, thị trấn. Ở quy mô lớn, đôi khi việc đánh giá cấp độ dịch sẽ xảy ra tình trạng thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới sự đáp ứng của địa phương”, vị chuyên gia lưu ý.

Mức độ lây nhiễm Mức độ 1 Mức độ 2 Mức độ 3 Mức độ 4
Khả năng đáp ứng
Cao Cấp 1 Cấp 1 Cấp 2 Cấp 3
Trung bình Cấp 1 Cấp 2 Cấp 3 Cấp 4
Thấp Cấp 2 Cấp 3 Cấp 4 Cấp 4

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng lấy ví dụ một quận được đánh giá ở cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ cao), buộc các hoạt động kinh doanh, mua bán phải tạm ngưng.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số phường của quận này chỉ ở cấp độ một (vùng xanh) hoặc 2 (vùng vàng). Lúc này, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch khắt khe sẽ mang đến nhiều khúc mắc.

Không nên quá lo ngại về biến chủng mới

Vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng là nhân viên khách sạn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội mới đây cũng thông tin người này đã khỏi Covid-19 và chưa phát hiện ca nhiễm thứ phát từ đây.

Liên quan trường hợp này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng dù không chủ quan, lơ là, chúng ta cũng tránh quá lo ngại bởi đây là kịch bản đã được dự báo trước.

"Khi Việt Nam đã mở cửa với thế giới, việc Omicron tràn vào và lây lan là điều không thể tránh khỏi. Tại một số quốc gia, Omicron hiện cũng trở thành biến chủng lưu hành chủ đạo", PGS Phu thông tin.

Theo vị chuyên gia này, chúng ta cũng không nên quá lo lắng việc Omicron có thể lây lan ra cộng đồng. Các nghiên cứu bước đầu chỉ ra dù có khả năng lây lan nhanh nhưng biến chủng này gây triệu chứng lâm sàng nhẹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ở Hà Nội hay các tỉnh, thành phố trên cả nước rất cao, nhiều người cũng đã được tiêm bổ sung mũi 3.

"Hà Nội cần chú trọng các biện pháp dự phòng, khuyến cáo người dân thực hiện 5K, hạn chế tụ tập trong dịp Tết. Mục tiêu là không được để dịch bùng phát mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của lực lượng y tế", ông cho hay.

Cũng theo PGS Phu, thành phố cần có phương án tăng cường năng lực điều trị, đặc biệt là trong công tác quản lý, chăm sóc các F0 điều trị tại nhà.

huong dan danh gia cap do dich covid-19 anh 2

Học sinh tại TP.HCM đã có thể đi học trở lại. Ảnh: Chí Hùng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Hà Nội không nên để việc ghi nhận ca Omicron cộng đồng ảnh hưởng đến lộ trình cho trẻ đến trường.

"Trẻ em tại Hà Nội đã được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, trẻ khi mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Khi đi học trở lại, lớp nào xuất hiện F0, chúng ta có thể khoanh vùng, xử lý gọn trong lớp đó", PGS Phu nhấn mạnh.

Theo ông, trên thực tế, khi trẻ ở nhà vẫn có thể bị nhiễm virus. Thậm chí, trong quá trình đi học, các biện pháp vệ sinh, giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt còn hạn chế lây nhiễm hiệu quả hơn.

"Trẻ em không được đi học, ngoài thiếu hụt về mặt kiến thức, còn nhiều vấn đề khác như trầm cảm, nghiện game, chậm biết đọc, nói, giao tiếp vì không có tương tác cô trò", PGS Phu nói thêm.

Bộ Y tế thay đổi quy định đánh giá cấp độ dịch Covid-19

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các chỉ số để đánh giá cấp độ dịch Covid-19 bổ sung tỷ lệ bệnh nhân tử vong, diễn biến nặng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm