Ngày 2/8, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 602 cơ sở giáo dục, với gần 360.000 học sinh, bao gồm từ cấp học mầm non, tiểu học đến THPT và cao đẳng. Số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành trên 22.800 người.
Năm học vừa qua, toàn ngành nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và đã cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Nổi bật là 12/12 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS.
Các cấp quản lý tích cực tham mưu cho UBND huyện, thành phố đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với các tiêu chí, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Qua đó, 258/600 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng hơn 2% so với năm trước; tổ chức nấu ăn bán trú cho trên 33.000 học sinh, tăng 6% so với năm học trước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng cờ cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong năm học 2018-2019. Ảnh: VOV. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong năm học cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn đến kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Sơn La thấp nhất toàn quốc. Sơn La cũng là một trong ba địa phương có điểm trung bình xếp cuối bảng ở các môn Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và Địa lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019; chỉ rõ những mặt mạnh, thành tựu đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; những kinh nghiệm rút ra; tìm ra giải pháp, biện pháp thiết thực và khả thi để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết kết quả đỗ tốt nghiệp của tỉnh thấp nhất cả nước một phần do “lỗi hệ thống”, nếu nhìn vào chiều sâu có thể không phải như vậy, bởi thực tế có địa phương, sau khi phúc khảo có tới hàng chục bài thi điểm được nâng tới 8-9 điểm so với điểm ban đầu.
Về các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh vụ việc ít nhiều ảnh hưởng tâm lý của thầy, trò các nhà trường. Vì vậy, chuẩn bị bước vào năm học tới, ổn định tư tưởng là một trong những công việc cần được ưu tiên trước nhất.
“Trong năm học tới này, tất cả đồng chí lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các trường phải phân công cán bộ đến tận trường học ở vùng sâu, vùng xa để dự khai giảng năm học mới, chia sẻ khó khăn với các thầy, động viên khích lệ và củng cố lại niềm tin của các thầy. Đồng thời, các thầy cô giáo có trách nhiệm động viên và chia sẻ đối với học sinh; nếu không năm nay học sinh lớp 11 có những em không thông suốt sẽ nghĩ thôi năm ngoái, năm kia người ta như thế, năm nay mình chẳng học nữa... Dứt khoát năm học tới, chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà", ông Phạm Văn Thủy nói.