Theo thống kê của Tòa án Thượng thẩm California, số vụ ly hôn tại 58 quận của bang này đã giảm 17,3%. Cuối tháng 2/2021, có 12.750 người nộp đơn ly hôn, ít hơn 2.472 đơn so với thời điểm này của năm ngoái.
“Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ ly hôn gia tăng trong những tháng đầu của đại dịch, nhưng hiện con số đó đã giảm đi rất nhiều”, Harriet N. Cohen, luật sư, người thành lập Cohen Stine Kapoor ở Manhattan (New York), nói với New York Times.
Các cuộc ly hôn trên khắp nước Mỹ đang giảm đáng kể trong 12 tháng gần đây. Không ít cặp vợ chồng cảm thấy căng thẳng khi ở nhà quá lâu. Ảnh: ABC News. |
Cohen cho rằng những lý do hàng đầu dẫn đến hôn nhân đổ vỡ trong mùa dịch là sự buồn chán, khó khăn tài chính, ngoại tình và lạm dụng thể chất.
Theo Cohen, mọi người đang đối mặt với nhiều thứ tiêu cực trong thời điểm hiện tại. Điều đó dẫn đến sự thay đổi về mặt thể chất và tinh thần.
“Không hẳn là sau này các cặp vợ chồng sẽ không có nguy cơ ly hôn. Thế nhưng, khi ở nhà quá lâu mà không được ra ngoài hoặc làm việc, tâm lý của mọi người sẽ trở nên tệ đi và thường xảy ra mâu thuẫn”, Cohen nói.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hôn nhân
Lee Wilson (sống ở thành phố Nashville), chuyên gia nghiên cứu các mối quan hệ, cũng đồng ý với nhận định của Cohen.
Tháng 4/2020, Wilson đã thực hiện một khảo sát với hàng nghìn cặp vợ chồng từ 18-64 tuổi sống ở Mỹ, Anh, Canada, Ấn Độ và Philippines về tác động của đại dịch đến đời sống tình cảm trong mùa dịch.
Có 29,9% trong số 1.277 người nói rằng Covid-19 gây tổn hại nhiều hơn cho cuộc hôn nhân của họ. Đó là nguyên nhân họ tiến tới ly hôn.
Các cuộc cãi vã làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng. Ảnh: Getty. |
“Trong 7,8 tháng đầu tiên, số cặp ly dị đã gia tăng. Theo nghiên cứu của tôi, nhiều cặp trong số này đã gặp mâu thuẫn với nhau từ trước. Sau đó, dịch bệnh xuất hiện khiến họ cãi nhau thường xuyên hơn và đưa mối quan hệ vào ngõ cụt”, Wilson nhận định.
Ken Jewell, luật sư, cho hay xu hướng ly hôn gia tăng mạnh mẽ khi các tòa án ở New York mở cửa trở lại vào tháng 6 sau thời gian dài đóng cửa. Jewell tiết lộ số người nhờ anh tư vấn thủ tục ly dị đã tăng 48%, con số này chưa bao giờ cao như vậy trước đây.
Những biện pháp hòa giải
Vào tháng 2/2021, 10 tháng sau khi Wilson thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên, anh đã tiến hành một nghiên cứu khác. Các câu hỏi lần này nhấn mạnh vào việc cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động tiêu cực hay tích cực đến hôn nhân của họ.
Những người tham gia chủ yếu đến từ Mỹ (48,7%) và Anh (21,4%). 17% trong số này tin rằng đại dịch đã củng cố mối quan hệ của họ bền chặt hơn. Sau khi bình tĩnh hơn, nhiều cặp vợ chồng đã hóa giải hiểu lầm, làm hòa với nhau.
“Những người gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng đã tìm cách giải quyết vấn đề nội bộ. Họ đã làm những gì họ nghĩ là tốt nhất cho hoàn cảnh lúc đó của bản thân”, Wilson nói.
Cohen cũng đưa ra những lý do tích cực giải thích cho việc nhiều cặp vợ chồng suy nghĩ lại về việc ly hôn.
“Gia đình dành thời gian ở bên nhau nhiều hơn, chẳng hạn bố mẹ đạp xe, tập thể dục cùng con cái hoặc chơi bóng chày với nhau ở trong nhà là những điều tuyệt vời”.
Một báo cáo được công bố vào tháng 10/2020 của Viện Nghiên cứu Gia đình cho thấy số hồ sơ ly hôn hàng năm đã ít đi đáng kể. Florida giảm 19%, Rhode Island 13%, Oregon 12% và Missouri 9%.
Sự gắn kết gia đình là một trong những biện pháp hòa giải hữu hiệu. Ảnh: Independent. |
Khi tư vấn cho các cặp vợ chồng đang trên bờ vực đổ vỡ, Jewel thường khuyên họ hãy đợi thêm một thời gian nữa, lúc thời tiết đẹp hơn hoặc thử những biện pháp hòa giải khác nhau.
“Hãy cố gắng tránh ra tòa và nếu có bất kỳ vấn đề gì thì nên giải quyết thông qua luật sư. Bạn có thể tìm ra những cách xử lý tốt hơn, tập trung vào vấn đề chính và không tốn kém quá nhiều chi phí”, Jewel chia sẻ.
Trong tình cảnh bất khả kháng, ly thân là điều cần thiết khi một trong cả cảm thấy bị tổn thương vì cãi vã hoặc không thể đối mặt với hoàn cảnh hiện tại.
Apostles House, nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư, phụ nữ nghèo, không nơi nương tựa ở Newark (bang New Jersey), đã đón tiếp nhiều trường hợp như vậy.
Trong suốt 8 năm làm việc ở đây, Victoria Griffith, giám đốc của Apostles Houses, chưa từng thấy thời điểm nào bận rộn như hiện tại khi số người đổ về nơi này ngày càng đông.
“Suốt nhiều tháng nay, điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông với những cuộc gọi từ các gia đình đang đi tìm người thân của mình. Số người đến đây tăng nhiều đến mức các nhà tạm trú đã chật kín. Chúng tôi phải gửi một số gia đình đến khách sạn gần đây”, Griffith kể.